menu search
Đóng menu
Đóng

Tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Nigeria

14:51 07/10/2014
Cộng hòa Liên bang Nigeria là một quốc gia Nằm ở Tây Phi, Tây giáp Benin, Đông giáp Tchad và Cameroon, Bắc giáp Niger, Nam giáp vịnh Guinea. Nigeria có thủ đô là Abuja, diện tích 923.768 km2, dân số 173 triệu người (2014).
Cộng hòa Liên bang Nigeria là một quốc gia Nằm ở Tây Phi, Tây giáp Benin, Đông giáp Tchad và Cameroon, Bắc giáp Niger, Nam giáp vịnh Guinea. Nigeria có thủ đô là Abuja, diện tích 923.768 km2, dân số 173 triệu người (2014).

Về ngôn ngữ, tiếng Anh là tiếng chính thức, ngoài ra còn có tiếng Hausa, Yoruba, Ibo, Fulani. Về tôn giáo, đạo Hồi chiếm 50%, đạo Thiên chúa chiếm 40%, tín ngưỡng bản xứ chiếm 10%.

Đơn vị tiền tệ là đồng Nigerian Naira (NGN) với tỷ giá 1 USD đổi 155,74 NGN (tháng 10/2014).

Nigeria là nước có dân số và tiềm năng kinh tế lớn nhất châu Phi, luôn muốn có vai trò quan trọng ở châu Phi, trong Phong trào Không liên kết và Liên hợp quốc. Nigeria khởi xướng thành lập Cộng đồng kinh tế Tây (ECOWAS), tham gia giải quyết hầu hết các vấn đề tranh chấp, xung đột ở khu vực, đề xướng Diễn đàn Lagos về kinh tế của Phong trào Không liên kết. Nigeria, Nam Phi và Algeria đưa ra “Kế hoạch chấn hưng châu Phi” nhằm vận động cộng đồng quốc tế xoá nợ, đào tạo nhân lực, đầu tư vào cơ sở hạ tầng của các nước châu Phi. Gần đây, các nước lớn như Mỹ, EU, Nhật rất quan tâm đến tăng cường hợp tác, đề cao vai trò của Nigeria trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự của châu Phi. Cùng với Nam Phi, Senegal và Algeria, Nigeria đưa ra “Chương trình đối tác mới vì sự phát triển của châu Phi-NEPAD” và ngày càng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết kinh tế ở khu vực và là cầu nối cho các nước thâm nhập vào thị trường châu Phi.

Về ngoại thương, năm 2013, GDP của Nigeria đạt 292 tỷ USD, tăng trưởng 6,7%. GDP bình quân đầu người là 1.725 USD. Về cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chiếm 33,4%, công nghiệp 34,1%, dịch vụ 32,5%. Lạm phát giữ ở mức 8,5%. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Nigeria là 91,5 tỷ USD với các mặt hàng xuất khẩu chính gồm dầu thô (75,8 tỷ USD – chiếm 82,9% tổng xuất khẩu của cả nước); nhựa, cao su (2,9%); thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống, giấm và thuốc lá (2,8%); rau củ (1,9%); da động vật (1%). Các thị trường xuất khẩu chính của Nigeria trong năm 2013 là: Ấn Độ, Hà Lan, Brazil, Pháp, Tây Ban Nha. Kim ngạch nhập khẩu của Nigeria trong năm 2013 là 45,05 tỷ USD với các mặt hàng nhập khẩu chính là: khoáng sản (20,7%); nồi hơi, máy và thiết bị cơ khí (18,9%); phương tiện vận tải (10,9%); thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống, giấm và thuốc lá (9,4%). Các thị trường nhập khẩu chính của Nigeria trong năm 2013 là: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Bỉ, Hà Lan. Trong Quý 1 năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Nigeria đạt 25,5 tỷ USD (trong đó xuất khẩu dầu thô đạt 20,7 tỷ USD chiếm 81,5%) và kim ngạch nhập khẩu là xấp xỉ 10 tỷ USD. Theo Ngân hàng Trung ương Nigeria, tính đến hết tháng 08/2014, dự trữ ngoại hối của nước này đạt 39,4 tỷ USD.

Trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nigeria, theo Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hiệp quốc UNCTAD, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nigeria trong năm 2013 đạt 5,6 tỷ USD và tính đền thời điểm tháng 9/2014, Nigeria vẫn là một trong 3 nước tại châu Phi nhận FDI nhiều nhất (sau Nam Phi và Mozambique). Do việc chậm thanh toán các hóa đơn dầu mỏ và các vấn đề bất ổn về an ninh tại khu vực nên một số nhà đầu tư từ các nước phát triển đã bán lại tài sản cho các nhà đầu tư Trung Quốc và Nigeria. Điển hình là hai trường hợp Tập đoàn dầu khí Total của Pháp và Hãng dầu khí ConocoPhillips của Hoa Kỳ bán lại cho Sinopec Group của Trung Quốc và Tập đoàn Năng lượng Oando PLC của Nigeria với giá lần lượt là 2,5 và 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, Nigeria cũng có thêm các dự án đầu tư mới. Tập đoàn hóa chất Indorama của Singapore đã đầu tư 1,2 tỷ USD vào dự án sản xuất phân bón ure tại Onne, bang Rivers State; Procter & Gamble’s đầu tư 250 triệu USD vào dự án sản xuất hàng tiêu dùng tại bang Ogun, SAB Miller đầu tư 100 triệu USD vào dự án sản xuất nước giải khát tại Onitsha, bang Anambra.

Về đầu tư ra nước ngoài, Nigeria cùng với Nam Phi và Angola là 3 nước châu Phi đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất. Các công ty của Nigeria tập trung đầu tư vào lĩnh vực vật liệu xây dựng và dịch vụ tài chính. Tập đoàn Dangote and Simba của Nigeria đầu tư vào ngành lọc hóa dầu, nông nghiệp và sản xuất xi măng tại một số nước châu Phi.

Quan hệ hợp tác Viêt Nam – Nigeria

Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/5/1976. Cuối năm 2007, Nigeria mở Đại sứ quán tại Việt Nam và tháng 04/2008, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Abuja.

Về thương mại, trao đổi giữa hai nước có xu hướng tăng, năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 217,8 triệu USD, tăng 5,04% so với năm 2012.

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nigeria đạt 148 triệu USD, tăng 31,5% so với năm 2012. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường này bao gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện (61,6 triệu USD); sản phẩm dệt may (19,5 triệu USD); điện thoại di động và linh kiện (gần 13 triệu USD); linh kiện ô tô dưới 12 chỗ ngồi (9,6 triệu USD), thuốc tân dược (6,1 triệu USD); hàng hải sản (5,6 triệu USD); sắt thép các loại (5 triệu USD); v.v.

Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nigeria đạt 69,8 triệu USD, giảm 26,4% so với năm 2012. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Nigeria gồm: hạt điều (54,5 triệu USD); gỗ & sản phẩm gỗ (8,8 triệu USD); bông các loại (3,1 triệu USD); hàng rau quả (2,1 triệu USD); hạng vừng (500 nghìn USD), hạt tiêu (153 nghìn USD); v.v.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2014, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nigeria đạt 150 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 98,8 triệu USD (+8%) và nhập khẩu 51,2 triệu USD (+24%). Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2014 là: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện (50,5 triệu USD); sản phẩm dệt may (14,7 triệu USD); điện thoại di động và linh kiện (8,5 triệu USD); LK ô tô CKD, SKD dưới 12 chỗ ngồi (4 triệu USD); hàng hải sản (1,6 triệu USD); v.v. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Nigeria gồm: hạt điều (37,3 triệu USD); khí đốt hóa lỏng (7,4 triệu USD); gỗ & sản phẩm gỗ (4,2 triệu USD); hàng rau quả (1,1 triệu USD).

Về đầu tư, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm 2014 đến hết 20/08/2014, Nigeria đã có 4 dự án đầu tư mới vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 200 nghìn USD. Các công ty Việt Nam cũng đã và đang trong quá trình đầu tư tại Nigeria trong các lĩnh vực: dược phẩm, khai khoáng, sản xuất bột mỳ, tã giấy, v.v.

Nguồn: Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á