menu search
Đóng menu
Đóng

Viễn cảnh kinh tế của Bờ Biển Ngà và dự báo xuất khẩu của Việt Nam

09:50 25/10/2011
Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á giới thiệu viễn cảnh kinh tế của Bờ Biển Ngà và dự báo xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường,hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á giới thiệu viễn cảnh kinh tế của Bờ Biển Ngà và dự báo xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường,hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính chung 8 tháng đầu năm 2011, trao đổi thương mại song phương đạt 265,2 triệu USD tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà đạt 127,9 triệu USD, tăng 29% và kim ngạch nhập khẩu đạt 137,3 triệu USD, tăng 25%.
1. Viễn cảnh kinh tế của Bờ Biển Ngà
Sau những tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011 bị đình trệ do khủng hoảng chính trị hậu bầu cử tổng thống,nền kinh tếBờ Biển Ngà đã cho thấy những dấu hiệu phục hối kể từ tháng 4/2011. Các ngân hàng và cảng biển hoạt động trở lại, ngành nông nghiệp bội thu trong khi giá bán nguyên liệu khá cao. Năm 2011, Bờ Biển Ngà dự báo thu hoạch khoảng 170.000 tấn bông và năm 2012 là 200.000 tấn. Sản xuất điều sẽ tăng lên 400.000 tấn, còn ca cao, sản phẩm xuất khẩu chủ lực cũng hứa hẹn được mùa với sản lượng ước đạt từ 1,4 đến 1,6 triệu tấn. Ca cao là nguồn thu ngoại tệ số một của Bờ Biển Ngà, đóng góp 40% kim ngạch xuất khẩu và 20% GDP.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế Bờ Biển Ngà đã phục hồi nhanh hơn dự báo: sản xuất công nghiệp trong tháng 6/2011 đã đạt mức 95% của năm 2010 trong khi vào tháng 4/2011 chỉ đạt 50% .
Mặt khác, IMF mới đây tuyên bố sẽ cấp cho Bờ Biển Ngà khoản hỗ trợ tài chính hơn 600 triệu USD nhằm giúp tái thiết nền kinh tế sau nhiều tháng bị tàn phá do cuộc nội chiến. Trước đó, vào tháng 7/2011, IMF đã nối lại các khoản viện trợ cho nước này với việc giải ngân 129 triệu USD.
Với những dấu hiệu tích cực như tình hình an ninh chính trị đang dần ổn định trở lại, nông nghiệp được mùa, việc EU dỡ bỏ lệnh cấm vận và nối lại hoạt động hợp tác quốc tế, dự báo kinh tế của Bờ Biển Ngà có thể đạt mức tăng trưởng 5,9% năm 2012 (thay vì 0% trong năm 2011).
Về trung hạn, viễn cảnh kinh tế-xã hội của Bờ Biển Ngà phụ thuộc rất nhiều vào sự ổn định của đất nước và việc thực hiện tốt các chương trình tái thiết khẩn cấp. Mặc dù khủng hoảng chính trị-xã hội kéo dài trong vòng 1 thập kỷ qua song nước này đã thiết lập được các mối quan hệ đối tác ngày càng thân thiết với những quốc gia đang nổi nên, đặc biệt là ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Brunei, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Châu Á hiện là đối các thương mại lớn thứ ba của Bờ Biển Ngà (chiếm 12,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu), sau châu Âu (44%) và châu Phi (29%).
Sở dĩ Bờ Biển Ngà ngày càng quan tâm đến các nền kinh tế mới nổi là do phạm vi hợp tác với các đối tác truyền thống trước đây như Liên minh châu Âu đã trở nên quá chật hẹp trong khi nước này đang phải đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế, khoa học và công nghệ.
Mặc dù Trung Quốc vẫn là đối tác chính của Bờ Biển Ngà tại châu Á song quan hệ thương mại với những nước khác như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam... cũng đã phát triển đáng kể trong những năm qua.
Người tiêu dùng Bờ Biển Ngà vốn chuộng những mặt hàng giá rẻ với số lượng phân phối lớn đến từ các nước mới nổi ở châu Á mặc dù chất lượng sản phẩm (của Trung Quốc hay Ấn Độ) không phải lúc nào cũng được đánh giá cao. Đồng thời, việc tăng xuất khẩu dầu lửa, quặng sắt, ca cao, bông, điều, gỗ... sang các nước châu Á cũng đã làm tăng thu nhập của Bờ Biển Ngà. Thương mại quốc tế của quốc gia này với những nền kinh tế mới nổi và những nước đang phát triển khác cho thấy có sự định hướng lại trong chính sách đối ngoại của Bờ Biển Ngà nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc vào các đối tác thương mại truyền thống như EU.
2. Dự báo xuất khẩu của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà
Sau 3 tháng đầu năm 2011 bị ngừng trệ do tác động của cuộc khủng hoảng chính trị, quan hệ thương mại Việt Nam-Bờ Biển Ngà đã phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ kể từ quý II/2011. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính chung 8 tháng đầu năm 2011, trao đổi thương mại song phương đạt 265,2 triệu USD tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà đạt 127,9 triệu USD, tăng 29% và kim ngạch nhập khẩu đạt 137,3 triệu USD, tăng 25%.
Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam 8 tháng đầu năm lên tới 124,6 triệu USD, bằng 97% tổng giá trị xuất khẩu và tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 137,3 triệu USD, tăng 25%, chủ yếu là các mặt hàng hạt điều, bông và sắt thép phế liệu.
Với việc tình hình chính trị dần đi vào ổn định và nền kinh tế Bờ Biển Ngà hoạt động bình thường trở lại, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng những tháng cuối năm, ước đạt 180 triệu USD cho cả năm 2011, tăng 35% so với năm 2010. Dự kiến năm 2012, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này sẽ đạt khoảng 220 triệu USD và năm 2013 là 260 triệu USD, với mức tăng trung bình khoảng 20%/năm.
Trong thời gian tới, trong cơ cấu hàng xuất khẩu, gạosẽ tiếp tục là mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà chiếm tỷ trọng từ 85-90% tổng kim ngạch xuất khẩu của ta sang thị trường này do Bờ Biển Ngà chưa thể sản xuất đủ lương thực và người dân Bờ Biển Ngà cũng như doanh nghiệp nhập khẩu gạo đã quen với gạo Việt Nam. Ngoài việc nhập khẩu gạo phục vụ tiêu dùng trong nước, Bờ Biển Ngà còn mua gạo để tái xuất sang các nước láng giềng nhờ vị trí địa lý trung tâm trong tiểu vùng. Dự báo năm 2011, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà sẽ đạt 150 triệu USD tăng 25% so với năm 2010, năm 2012 đạt 180 triệu USD và năm 2013 đạt 215 triệu USD, với mức tăng trung bình 20%/năm.
Mặt hàng quan trọng thứ hai là dệt may. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã tăng liên tục trong thời gian gần đây. Dự báo năm 2012, xuất khẩu dệt may sẽ đạt giá trị 11 triệu USD và năm 2013 đạt 13 triệu USD với mức tăng trưởng trung bình khoảng 18-20% năm.
Chất dẻonguyên liệu sẽ vẫn nằm trong số các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã không ngừng tăng từ 523,900 USD năm 2007 lên 1,9 triệu USD các năm 2009, 2010. Con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với việc mỗi năm, Bờ Biển Ngà phải nhập khẩu từ 286 triệu USD đến 300 triệu USD chất dẻo và sản phẩm chất dẻo với mức tăng trưởng bình quân 10,4%. Dự kiến, xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt 2,3 triệu USD năm 2011, 2,8 triệu USD năm 2012 và 3,4 triệu USD năm 2013 với mức tăng trưởng khoảng 20%/năm.
Mặc dù mấy năm qua, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng sắt thép của Việt Namsang Bờ Biển Ngà đã giảm dần, từ 4,5 triệu USD năm 2008 xuống còn 1,5 triệu USD trong hai năm 2009, 2010 song xuất khẩu mặt hàng này vẫn có khả năng lấy lại đà tăng trưởng do nhu cầu nhập khẩu của Bờ Biển Ngà đang tăng trở lại, nhất là để phục vụ công cuộc tái thiết đất nước thời kỳ hậu khủng hoảng.Hiện tại, Bờ Biển Ngà phải nhập khẩu trung bình mỗi năm khoảng 125 triệu USD sản phẩm sắt, thép và gang. Dự kiến, xuất khẩu sắt thép của ta sang Bờ Biển Ngà sẽ đạt 1,8 triệu USD năm 2011, 2,2 triệu USD năm 2012 và 2,6 triệu USD năm 2013 với mức tăng trưởng bình quân khoảng 20% năm.
Một mặt hàng triển vọng khác là phụ tùng ôtô, xe máy. Mỗi năm, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của Bờ Biển Ngà đạt khoảng 250 triệu USD, tăng trưởng 30%. Năm 2009, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường này 1,36 triệu USD linh kiện phụ tùng và săm lốp ô tô, mức cao nhất cho đến nay. Dự báo trong thời gian tới, với nhu cầu nhập khẩu của Bờ Biển Ngà ngày càng tăng, kim ngạch xuất khẩu của ta sang thị trường này có thể đạt mức tăng trưởng từ 15-18%.
Bên cạnh những mặt hàng kể trên, một số sản phẩm tuy mới xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà nhưng lại có kim ngạch tăng liên tục như hàng hải sản, bánh kẹo các loại, hạt tiêu, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị phụ tùng, túi xách, vali, mũ, ô dù... Mặc dù giá trị xuất khẩu ban đầu chưa lớn song những mặt hàng này sẽ góp phần đa dạng hóa diện mặt hàng của ta và có nhiều triển vọng tăng kim ngạch trong thời gian tới do nhu cầu nhập khẩu của Bờ Biển Ngà có xu hướng tăng những năm gần đây.
Với những lợi thế của mình, trong thời gian tới, Bờ Biển Ngà sẽ tiếp tục là một trong 5 thị trường lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi.
 
Nguồn : ttnn.com.vn

Nguồn:Vinanet