menu search
Đóng menu
Đóng

Việt Nam – EU đã chính thức đàm phán FTA

09:58 22/10/2012
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, phiên đàm phán thứ nhất Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU đã chính thức diễn ra tại Hà Nội trong suốt tuần qua.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, phiên đàm phán thứ nhất Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU đã chính thức diễn ra tại Hà Nội trong suốt tuần qua.

Theo Vụ Thị trường châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam, sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Kim ngạch thuonwg mại Việt Nam với các nước thuộc khối EU tăng trưởng với tốc độ tương đối cao và ổn định (bình quân khoảng 20%/năm trong giai đoạn 2006-2011).

Trong quan hệ song phương với Liên minh châu Âu, Việt Nam luôn ở thế xuất siêu. Năm 2011, kim ngạch ngoại thương của Việt Nam với EU đạt 24,3 tỷ USD, tăng 36,7% so với năm 2010.

Mặc dù cuộc khủng hoảng nợ công có tác động tiêu cực tới các nước EU, kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2012 với Liên minh châu Âu vẫn đạt 18,44 tỷ USD, tăng 23,12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 12,69 tỷ USD và nhập khẩu đạt 5,75 tỷ USD với mức tăng trưởng tương ứng là 23,72% và 21,81%.

Trong số các nước thuộc Liên minh châu Âu , Đức vẫn là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương 8 tháng đầu năm 2012 đạt 4,19 tỷ USD, tăng 22,47%. Tiếp đến là Anh, Pháp và Hà Lan với kim ngạch tương ứng là 2,21 tỷ USD, 2,2 tỷ ÚDS Và 2,1 tỷ USD.

Trong các mặt hàng xuất khẩu, với tốc độ tăng tới 137,8%, điện thoại và linh kiện điện thoại đã trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang liên minh châu Âu, đạt kim ngạch 3,07 tỷ USD. Xuất khẩu giày dép đạt kim ngạch 1,72 tỷ USD, tăng 3,06%; trong khi hàng dệt may có kim ngạch xuất khẩu là 1,61 tỷ USD, gảim 5,05% so với cùng kỳ năm trước.

Về mặt hàng nhập khẩu, máy móc và thiết bị phụ tùng vẫn là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam từ Liên minh châu Âu với kim ngạch 1,4 tỷ USD, giảm 6,92% so với 8 tháng 2011. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu khác gồm dược phẩm, sản phẩm hóa chất, sữa và sản phẩm sữa có kim ngạch tương ứng là 549,8 triệu USD (tăng 21,9%), 217,06 triệu USD (tăng 3,9%), và 183 triệu USD (tăng 7,38%).

Để tạo dựng khuôn khổ pháp lý thuận lợi giúp doanh nghiệp Việt Nam và liên minh Châu Âu mở rộng thị trường và thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại, mang lại lợi ích cho cả hai bên, bên cạnh việc ký Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện vào tháng 6/2012, hiện nay Việt Nam và EU đã bắt đầu tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do song phương.

Tuy nhiên, việc thúc đẩy xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường châu Âu nói chung và các nước trong khối EU nói riêng vẫn gặp những khó khăn thách thức nhất định, bởi đây là thị trường rất khó tính với hàng loạt các rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu. Do đó, ngoài các giải pháp nói trê, để tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định rõ những mặt hàng, ngành hàng có lợi thế cạnh tranh trên thị trường khu vực nói chung và thị trường từng quốc gia thành viên nói riêng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần chủ động thiết lập các biện pháp kiểm tra cần thiết nhằm bảo đảm hàng hóa xuất khẩu có chất lượng phù hợp với các quy định của EU; đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyền truyền để giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định của EU, tránh được các vi phạm không đáng có.

 

Nguồn:Vinanet