“Để Việt Nam có lợi thế hơn so với các quốc gia cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất – xuất khẩu, điều quan trọng là phải phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn trong việc mua linh kiện ở Việt Nam là một vấn đề lớn mà các nhà sản xuất Nhật Bản đang phải đối mặt, và vấn đề này cần được giải quyết".
Đây là chia sẻ của ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản - Văn phòng Hà Nội (JETRO Hanoi) tại buổi lễ ký kết hợp đồng công bố “Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 6” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Ông Atsusuke cho biết, hiện nay xu hướng đầu tư vào Việt Nam đang gia tăng, tuy nhiên, vấn đề mà các công ty Nhật Bản tại Việt Nam đang phải đối mặt là khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên vật liệu trong thị trường nội địa. Tỷ lệ mua sắm vật tư, linh kiện tại Việt Nam của các công ty sản xuất Nhật Bản là 33,2%, rất thấp so với Trung Quốc (66,2%), Thái Lan (54,8%), Indonesia (43,1%) và Malaysia (40,7%). Vì vậy, các công ty Nhật Bản phải dựa vào nhập khẩu từ các nước láng giềng như Thái Lan hay Trung Quốc.
Đặc biệt, trong ngành công nghiệp ô tô, ông Atsusuke cũng nhận định việc giảm thuế nhập khẩu giữa các nước ASEAN trong năm 2018 có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Mức thuế nhập khẩu 60% áp dụng cho xe ô tô lắp ráp tại Việt Nam sẽ được giảm xuống 0% vào năm 2018, sau khi AEC thành lập. Hiện nay các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản phải đóng thuế để mua các linh kiện không có sẵn ở Việt Nam từ các nước láng giềng, rồi sau đó tiến hành lắp ráp tại Việt Nam. Trong tương lai, khi mức thuế nhập khẩu đối với xe ô tô lắp ráp hoàn toàn là 0% thì việc nhập khẩu đối với xe ô tô từ các nước láng giềng như Thái Lan và Indonesia sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn so với việc sản xuất một chiếc xe lắp ráp hoàn toàn ở Việt Nam.
Vì vậy, để Việt Nam có lợi thế hơn so với các quốc gia cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất - xuất khẩu, điều quan trọng là phải phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Các công ty Nhật Bản cũng cần phải hợp tác với các đối tác địa phương trong việc nỗ lực nâng cao khả năng cạnh tranh về giá và bảo vệ nguồn cung cấp linh kiện phụ tùng - ông Atsusuke nhận định.
Với nỗ lực hỗ trợ thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, JETRO đã tổ chức “Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản” luân phiên tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2004. Đây là một sự kiện kinh doanh nhằm kết nối nhà cung cấp Việt Nam với khách mua hàng Nhật Bản.
Trong năm nay, từ ngày 10-12/9, Triển lãm lần thứ 6 về Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản cũng sẽ được tổ chức tại Hà Nội, dự kiến sẽ có khoảng 50 doanh nghiệp Nhật Bản và 50 doanh nghiệp Việt Nam đến tham dự triển lãm này. Đại diện JETRO bày tỏ hi vọng triển lãm này sẽ đóng vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu mua linh kiện và phụ tùng ở Việt Nam với các công ty ở Việt Nam muốn cung cấp linh kiện và phụ tùng cho khách hàng Nhật Bản.
Nguồn: Báo Công thương điện tử
Nguồn:Vinanet