menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu sang thị trường Nga tăng 25,17% so với cùng kỳ

15:51 16/10/2013

Số liệu thống kê từ TCHQ Việt Nam cho biết, tính từ đầu năm cho đến hết tháng 8/2013, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nga đạt trên 1,2 tỷ USD tăng 25,17% so với cùng kỳ năm trước...
  
  

(VINANET) - Sự kiện Nga chính thức là thành viên thứ 156 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 22-8-2012, cùng với tiến trình đàm phán FTA giữa Việt Nam và Nga đã mở ra cánh cửa cho nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam.

Trong vòng 3 năm qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Liên bang Nga tăng bình quân hơn 62%, trở thành một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhanh nhất của Việt Nam.

Số liệu thống kê từ TCHQ Việt Nam cho biết, tính từ đầu năm cho đến hết tháng 8/2013, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nga đạt trên 1,2 tỷ USD tăng 25,17% so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Nga trong thời gian này là điện thoại và linh kiện, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt may, giày dép, cà phê, hàng thủy sản, hạt điều, gạo…. trong đó hàng điện thoại và linh kiện đạt kim ngạch cao nhất, đạt 524,9 triệu USD, tăng 18,8% so với 8 tháng năm 2012; kế đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt kim ngạch 128,1 triệu USD, tăng 87,24%; hàng dệt may đạt kim ngạch 88,6 triệu USD, tăng 4,68%....

Đặc biệt, trong 8 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Nga tăng trưởng mạnh, tuy kim ngạch chỉ đạt 27,9 triệu USD, nhưng tăng 693,09% so với 8 tháng năm 2102.

Thống kê hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Nga 8 tháng 2013

ĐVT: USD
 
KNXK 8T/2013
KNXK 8T/2012
% so sánh
Tổng KN
1.235.696.153
987.186.159
25,17
điện thoại các loại và linh kiện
524.938.136
441.850.663
18,80
máy vi tính, sph điện tử và linh kiện
128.156.811
68.444.735
87,24
hàng dệt, may
88.641.635
84.681.349
4,68
giày dép các loại
61.170.709
38.784.483
57,72
cà phê
60.156.112
53.293.903
12,88
hàng thủy sản
45.064.911
61.598.482
-26,84
hạt điều
38.395.188
34.772.949
10,42
gạo
27.917.134
3.520.056
693,09
hàng rau quả
21.395.071
20.039.450
6,76
hạt tiêu
19.322.740
16.533.223
16,87
chè
12.231.588
12.973.133
-5,72
túi xách, ví, vali, mũ và ô dù
9.054.087
7.249.234
24,90
máy móc, tbi, dụng cụ phụ tùng khác
7.962.238
7.071.118
12,60
sản phẩm mây, tre, cói thảm
6.994.383
5.674.180
23,27
cao su
6.909.838
14.112.875
-51,04
sản phẩm từ chất dẻo
6.783.396
6.970.413
-2,68
bánh kẹo và các sp từ ngũ cốc
6.598.843
5.929.164
11,29
sắt thép các loại
6.405.371
3.409.318
87,88
gỗ và sản phẩm gỗ
4.423.698
5.020.459
-11,89
sản phẩm gốm, sứ
2.599.855
2.039.250
27,49
xăng dầu các loại
2.458.820
8.576.346
-71,33
sắn và các sp từ sắn
 
154.230
-100,00
(Nguồn: Số liệu thống kê sơ bộ TCHQ)

Theo quy định về việc Nga gia nhập WTO, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga sẽ có mức thuế thấp hơn từ 30 đến 50% so với mức hiện hành. Đồng thời, nếu FTA được ký kết, hàng hóa Việt Nam vào Nga sẽ được miễn thuế hoàn toàn hoặc hạ xuống mức tối thiểu. Đây chính là cơ hội cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh bình đẳng về giá và chất lượng cũng như chiếm lĩnh thị phần lớn hơn trên thị trường Nga.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các chuyên gia và những doanh nghiệp chuyên làm hàng xuất nhập khẩu với Nga, thị trường Nga tuy tiềm năng lớn nhưng cũng tồn tại không ít khó khăn và trở ngại. Trong đó, khó khăn lớn nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hầu như không có đầu mối giao dịch thương mại tập trung, ổn định tại thị trường này. Trong khi việc đặt văn phòng đại diện, mở rộng kinh doanh tại Nga còn vướng một số vấn đề về thủ tục pháp lý phức tạp. Do số lượng doanh nghiệp Việt Nam có văn phòng đại diện tại Nga rất ít nên cũng bị hạn chế trong việc theo dõi, nắm vững những biến đổi nhu cầu của người tiêu dùng để kịp thời có điều chỉnh và chiến lược phù hợp. Thêm vào đó, Nga là thị trường mở, không khó tính nên việc thâm nhập thị trường cũng vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác có lợi thế tương tự Việt Nam về chủng loại hàng hóa, mẫu mã, giá cả... Một quan ngại khác, mặc dù là thị trường nhập khẩu lớn nhưng cũng tiềm ẩn đầy rủi ro bởi hệ thống pháp lý của Nga chưa bảo đảm. Cơ chế thanh toán khi làm ăn với đối tác Nga còn khó khăn, đặc biệt là việc thanh toán bằng tín dụng thư (L/C) đối với các đối tác Nga còn ít phổ biến.

Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam lưu ý khi ký hợp đồng với các đối tác Nga cần chặt chẽ, bởi đã có một số doanh nghiệp ký hợp đồng không bảo đảm quyền lợi của người bán nên đã nảy sinh tranh chấp. Đồng thời Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với Cục Đăng ký quốc gia, Bộ Tư pháp Nga về việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký thành lập văn phòng đại diện tại Liên bang Nga.

Còn theo Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công thương, cần tìm hiểu thông tin thị trường, nghiên cứu kỹ các điều kiện giảm thuế mà Nga cam kết gia nhập WTO, mặt khác tiếp cận thông tin về cơ chế chính sách về thị trường Nga qua các kênh của Bộ Công thương, VCCI, phòng thương mại Đại sứ quán Nga, cơ quan đại diện của Việt Nam tại Nga, đi trước các nước khác trong việc chiếm lĩnh thị trường là việc các doanh nghiệp Việt Nam nên làm hiện nay để đạt được hiệu quả.

Nguồn:Vinanet