menu search
Đóng menu
Đóng

Xúc tiến thương mại Việt Nam – EU: Chặng đường phía trước

08:51 23/03/2015

Thành công trong xúc tiến thương mại Việt Nam - EU đã giúp hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) của Việt Nam nâng cao năng lực, khai thác thuận lợi, nhưng vẫn phải khắc phục những hạn chế, góp sức để vươn tới những kết quả hai bên cùng mong đợi.

Thành công trong xúc tiến thương mại Việt Nam - EU đã giúp hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) của Việt Nam nâng cao năng lực, khai thác thuận lợi, nhưng vẫn phải khắc phục những hạn chế, góp sức để vươn tới những kết quả hai bên cùng mong đợi.

Mặt tích cực và hạn chế

Thương mại Việt Nam - EU ngày càng tăng trưởng. Năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,7%, trong khi mức tăng trưởng xuất khẩu của cả nước là 13,6%. Kết quả ấy có góp sức của hoạt động XTTM, giúp các doanh nghiệp bám sát thị trường, quảng bá hàng hóa và năng lực của mình, hiểu rõ và có thêm đối tác, nâng cao chất lượng hàng hóa, thuận lợi hóa điều kiện thương mại. Các dịp tổ chức hội chợ triển lãm, hội thảo, trao đổi các đoàn thương mại… là cơ hội tốt để doanh nghiệp hai bên trong thời gian ngắn, không gian hẹp có thể tiếp xúc nhiều đối tác, xây đắp quan hệ bạn hàng. Cũng trong những dịp đó, nhiều hợp đồng, bản ghi nhớ tiến tới hợp đồng được ký tại chỗ.

Việc Việt Nam xuất siêu sang EU là tín hiệu vui, nhưng cũng là điểm cần lưu tâm hơn nữa để tận dụng được thặng dư thương mại nhập khẩu về những máy móc, thiết bị, dây chuyền tiên tiến, phụ tùng chất lượng cao của EU, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà. Hiện nay, chúng ta chưa chú ý thích đáng đến vấn đề xúc tiến nhập khẩu từ EU. Việt Nam nhập khẩu từ EU giai đoạn 2011-2013 tăng 12,%/năm, nhưng đều thấp hơn mức tăng của xuất khẩu sang thị trường này (29%). Năm 2014, chỉ tiêu nhập khẩu từ EU là 10,6 tỷ USD, nhưng chỉ thực hiện được 8,9 tỷ USD, sụt giảm 6% so với năm 2013.

Nhiệm vụ nào cho thời gian tới?

Trong bối cảnh trên, hoạt động XTTM cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ củng cố và phát triển từng thị trường trong khối EU để phát triển xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu quả. Ngay khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (VEFTA) được ký kết, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ thiết thực, kịp thời để khai thác các ưu đãi thị trường và khắc phục những bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện hiệp định này.

Do các mặt hàng giao thương giữa Việt Nam với EU không tương đồng, không cạnh tranh nên tạo rất nhiều thuận lợi cho hoạt động XTTM giữa hai bên không đối lập, ngược lại có thể hợp tác. Vì vậy, công tác XTTM nên tập trung vào các nhiệm vụ:

Một là, ưu tiên xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu vào EU, chú trọng những thị trường từng quen biết và các thị trường thành viên mới, gắn liền với nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhất là những sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường EU như nước mắm Phú Quốc và nhiều sản phẩm khác.

Hai là, tăng cường dự báo thị trường, cung cấp thông tin hai chiều về XTTM, các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, cảnh báo về rào cản thương mại. Chủ động phòng tránh và tập trung giải quyết có hiệu quả các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu

Ba là, đạt được thỏa thuận với EU công nhận lẫn nhau về chất lượng hàng hóa. Nâng cao nhận thức của các địa phương, doanh nghiệp và người sản xuất về tận dụng các biện pháp bảo hộ chỉ dẫn địa lý, quy định về nguồn gốc xuất xứ, chống gian lận thương mại, vi phạm pháp luật thương mại quốc tế.

Bốn là, quan tâm đến xúc tiến nhập khẩu, tích cực tìm nguồn hàng, thương nhân tư vấn cho doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam mua được hàng chất lượng cao, giá cả hợp lý, kết hợp với tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến. Đây được xem là nhiệm vụ thiết thực để thu hẹp một cách tích cực xuất siêu của Việt Nam sang EU, bớt dần phụ thuộc vào những thị trường mà chỉ nhập khẩu được công nghệ sao chép.

Năm là, triển khai đồng bộ những nội dung cơ bản trong các thỏa thuận hợp tác với các tổ chức XTTM của EU. Do thực lực của các tổ chức XTTM EU có tiềm lực, bề dày kinh nghiệm, nên đối với các tổ chức XTTM của Việt Nam vừa hợp tác, vừa phải khai thác thế mạnh của đối tác, để đi tắt đón đầu, tiếp cận trình độ XTTM quốc tế.

Những định hướng và giải pháp đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với các cơ quan Chính phủ để tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo, dẫn dắt trong công tác XTTM, cụ thể là Cục XTTM và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, sự tham gia đóng góp nguồn lực, chủ động, tích cực phối hợp thực hiện của các địa phương, đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp là điều kiện không thể thiếu để hoạt động XTTM với các đối tác EU đạt được hiệu quả cao nhất.

Một số giải pháp cụ thể

Thứ nhất, hỗ trợ các ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu chủ công vào EU có kim ngạch lớn, sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước và lao động tại chỗ, mặt hàng mới có năng lực phát triển, không có nguy cơ vướng rào cản kỹ thuật.

Thứ hai, tổ chức hội chợ triển lãm với tần suất dầy đi đôi với đổi mới cách giới thiệu hàng hóa với nhiều sản phẩm hoàn chỉnh, thay vì chỉ là nguyên liệu thô. Kết hợp thúc đẩy phát triển các dịch vụ phục vụ xuất khẩu như: logistics, hàng không, chuyển khẩu, quá cảnh...

Thứ ba, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sự kiện XTTM do EU hoặc từng thành viên EU tổ chức, nhất là các hội chợ chuyên đề. Tăng cường tổ chức “Tuần lễ hàng Việt Nam” tại các thành viên EU.

Thứ tư, mời các nhà nhập khẩu của EU đến Việt Nam hướng dẫn tiêu chuẩn, thiết kế mẫu mã hàng xuất khẩu. Đón các hãng xuất khẩu của EU vào tiếp xúc với các nhà nhập khẩu của Việt Nam, giới thiệu thiết bị, máy móc hiện đại.

Thứ năm, tận dụng cơ hội tiếp cận với các tổ chức thương mại quốc tế chuyên ngành hàng hóa mà Việt Nam xuất khẩu có trụ sở tại EU (chủ yếu tại Anh) để quảng bá, giao dịch, tìm bạn hàng. 

Thứ sáu, thu thập, cập nhật, nghiên cứu, phân tích, dự báo thông tin của EU, cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp bằng các phương tiện, trong mọi cơ hội.

Thứ bảy, nâng cao tính chuyên nghiệp hiệu quả Chương trình XTTM, nhất là các dự án thuộc Chương trình XTTM quốc gia.

Thứ tám, xúc tiến xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu. Đưa vào Chương trình Thương hiệu quốc gia đối với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, trong đó có các mặt hàng xuất khẩu vào EU có kim ngạch lớn.

Thứ chín, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ XTTM. Mời các chuyên gia XTTM của EU truyền thụ kiến thức, kỹ năng thực hành. Đưa đội ngũ XTTM của Việt Nam sang EU tu nghiệp.

Thứ mười, đa dạng hóa nguồn lực XTTM. Bố trí ngân sách nhà nước cho Chương trình XTTM quốc gia tương ứng với tăng trưởng xuất khẩu. Huy động ngân sách các địa phương, nhất là các thành phố đầu tàu kinh tế, các ngành, hiệp hội và doanh nghiệp có tiềm lực.

Thứ mười một, phát huy vai trò Cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam ở các nước thuộc EU. Tranh thủ sự hỗ trợ của Cơ quan đại diện thương mại của EU, của từng nước thuộc EU tại Việt Nam.

Thứ mười hai, khích lệ doanh nhân Việt Nam định cư tại các nước thuộc EU làm nhân mối cung cấp thông tin thị trường, giá cả, chắp nối bạn hàng, giới thiệu cơ hội kinh doanh.

Nguồn: Báo Công thương điện tử

Nguồn:Vinanet