menu search
Đóng menu
Đóng

Yếu tố quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh vươn lên

15:26 25/02/2008
Muốn phát triển, mở rộng thị trường, các doanh nghiệp, doanh nhân phải chịu xông xáo, nghiên cứu để nắm bắt được điều kiện địa lý, lịch sử, đặc điểm văn hóa của thị trường mới.
Tại Hội nghị sơ kết một năm Việt Nam gia nhập WTO, nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp lớn, nhưng chưa có được sản phẩm có thương hiệu toàn cầu. Hiện nay, khả năng tiếp cận thị trường bên ngoài của phần lớn doanh nghiệp nước ta còn yếu, do thiếu kinh nghiệm thương trường. Gần đây, các doanh nghiệp ngày càng ý thức, coi trọng mở rộng thị trường nước ngoài  thông qua hoạt động xúc tiến thương mại   (XTTM).  Mỗi  năm  Việt Nam chi hàng trăm tỷ đồng cho công tác này, nhưng hiệu quả  chưa cao. Theo đánh giá của Bộ Công thương, hoạt động XTTM ở Việt Nam còn kém so với các nước trong khu vực. Tại Hồng Công mỗi năm có 26.000 gian hàng của nước ngoài đến triển lãm, nhưng cả năm 2007, Việt Nam mới chỉ có 88 gian hàng tham gia triển lãm giới thiệu sản phẩm, đạt tỷ lệ khoảng 0,3%.
Nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, ngay trong năm 2008, Bộ Công thương cho biết, sẽ kiên quyết không tổ chức những hoạt động XTTM ở nước ngoài khi chưa chuẩn bị tốt, không tổ chức những chuyến đi khảo sát thị trường nước ngoài thuần túy; thay đổi phương pháp xây dựng chương trình XTTM. Dựa trên nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp, Cục XTTM sẽ "đặt hàng" với các Tham tán ở Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để triển khai hoạt động XTTM ở những thị trường phù hợp...
Muốn phát triển, mở rộng thị trường, các doanh nghiệp, doanh nhân phải chịu xông xáo, nghiên cứu để nắm bắt được điều kiện địa lý, lịch sử, đặc điểm văn hóa của thị trường mới. Bởi vì, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có một nền văn hóa riêng luôn chi phối mạnh mẽ thị hiếu của người tiêu dùng bản địa. Bên cạnh đó, phải biết dựa trên lợi thế so sánh, sản phẩm để cạnh tranh và xây dựng thương hiệu... Ðây là những yếu tố quan trọng bảo đảm cho doanh nghiệp nước ta cạnh tranh vươn lên.

Nguồn:Nhân Dân