menu search
Đóng menu
Đóng

Bốn biện pháp sản xuất sạch hơn

16:18 20/08/2015

Được Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI) của Bộ Công Thương hỗ trợ và chọn làm điểm, 3 năm qua, Công ty CP Bia rượu Sài Gòn - Đồng Xuân đã áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH), bước đầu đã giải quyết được một số bất hợp lý trong sản xuất.

Giám đốc công ty cho biết, với công suất thiết kế trên 30 triệu lít bia và 3 triệu chai rượu/năm, sản xuất của Công ty CP bia rượu Sài Gòn - Đồng Xuân khá đa dạng, liên quan tới nhiều lĩnh vực. Mặc dù đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000 do BVQI đánh giá và cấp chứng chỉ, song quá trình thực hiện nhiều công đoạn sản xuất của công ty vẫn chưa hoàn toàn đảm bảo sản xuất bền vững, cần phải bố trí, đầu tư, quản lý lại để hiệu quả hơn. 

Chính vì vậy, sau khi tham dự các chương trình tập huấn và được chọn tham gia vào hợp phần, công ty đã thành lập đội SXSH để tiến hành đánh giá lại các khâu sản xuất. Quá trình đánh giá, phân tích đội SXSH đã lựa chọn trọng tâm đánh giá là dây chuyền sản xuất cồn, có thể mở rộng ra áp dụng ở một số công đoạn khác như dây chuyền sản xuất rượu, hệ thống cung cấp hơi, công đoạn tiêu hao năng lượng của nhà máy rượu Đồng Xuân. Sau khi đánh giá nghiên cứu, phân tích, đội SXSH đã đưa ra 17 giải pháp, trong đó có 4 giải pháp cần có sự hỗ trợ về kinh phí của CPI gồm: Tuần hoàn tái sử dụng nước thải còn tốt bằng phương pháp giải nhiệt; thay thế máy vắt ly tâm mới; lắp máy hút bụi và lắp đặt hệ thống rửa chai tự động. Tổng mức chi phí thực hiện khoảng 2,4 tỷ đồng trong đó CPI hỗ trợ 50%, tuy nhiên theo tính toán chỉ sau 4 - 5 năm, công ty sẽ thu hồi lại toàn bộ vốn.

Đối với giải pháp tuần hoàn tái sử dụng nước thải, công ty đã chi phí thực hiện công đoạn này hết 384 triệu đồng gồm: tháp làm lạnh, phụ kiện lắp đặt và chi phí điện vận hành 141 triệu đồng/năm. Với chi phí này, công ty tiết kiệm được 1.100 m3 nước, tương đương 330 ngàn m3/năm, thời gian hoàn vốn khấu hao là 2,7 năm. Quan trọng hơn, với giải pháp này, công ty giải quyết được vấn đề nước thải ra môi trường, giảm tiêu thụ điện 330 ngàn kw/năm, giảm phát thải khí CO2, lượng bùn tại trạm xử lý nước thải. 

 

Với giải pháp thay thế máy vắt ly tâm, trước đây, công ty có 2 máy vắt ly tâm nhưng hoạt động lâu năm nên khi vận hành nguyên liệu nước chảy ngược vào các trục vít, làm mòn trục dẫn tới máy không hoạt động được, hoặc hoạt động công suất kém, chất lượng cồn không đều nên cần đầu tư mua máy mới với giá trị 450 triệu đồng. Kết quả đã nâng tỷ lệ thu hồi cồn lên 98%, chất lượng cồn đảm bảo, đồng thời giải quyết được vấn đề lượng bã thải không còn chứa dư lượng cồn nên hạn chế tối đa chất thải BOD, mùi hôi do dung dịch dấm lên men tiếp trong bã thải. Qua tính toán, thời gian hoàn vốn của giải pháp này dự kiến trong 5,7 năm.

 

Giải pháp thứ 3 là: lắp đặt máy hút bụi trị giá 60 triệu đồng nhằm hút toàn bộ bụi sắn lát khô trong quá trình đưa từ kho vào băng tải để nghiền, không gây ảnh hưởng tới người lao động và môi trường. Lợi ích trực tiếp sau lắp đặt trên 48 triệu đồng, chỉ sau hơn một năm là thu hồi vốn đầu tư. Đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhất là tác động gây ra bệnh nghề nghiệp cho người lao động do phải tiếp xúc với môi trường làm việc bụi bẩn.

 

Giải pháp thứ 4 là: đầu tư máy rửa chai tự động nhằm khắc phục việc rửa chai thủ công, dùng a xít hữu cơ để xử lý mỗi năm tốn kém trên 1,5 tỷ đồng. Việc đầu tư này đã tiết kiệm được chi phí công rửa, vật tư, chi phí tái chế do sản phẩm bị hỏng, lượng rượu hao hụt, vỏ chai nút chai bị vỡ nứt… lên tới 274 triệu đồng, chi phí 3.300 m3 nước và một số chất thải rắn thải loại.

 

Với việc áp dụng SXSH, trong 3 năm qua, Công ty CP bia rượu Sài Gòn - Đồng Xuân đã tiến thêm một bước trên con đường sản xuất bền vững, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện đại và mở rộng trong tương lai. Giám đốc công ty khẳng định, việc áp dụng các giải pháp SXSH giúp cho sản phẩm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường và xây dựng thương hiệu xanh, sản xuất bền vững, trách nhiệm với cộng đồng.

Nguồn: Phòng Thông Tin Chính Sách Công Thương/Vitic - Báo Công Thương