menu search
Đóng menu
Đóng

Phân lân nung chảy Văn Điển: Đơn vị dẫn đầu về xanh hóa trong sản xuất

16:02 09/10/2015

Với phương châm “Sản xuất các sản phẩm có chất lượng tốt, thân thiện với môi trường”, những năm qua, Công ty Phân lân Văn Điển liên tục đầu tư khoa học kỹ thuật, liên tục đổi mới để có được dây chuyền sản xuất ít phát thải, tiết kiệm chi phí và sản xuất ra các sản phẩm thân thiện môi trường, phục vụ canh tác nông sản sạch.

Sản phẩm xanh thân thiện với môi trường

Là đơn vị sản xuất phân bón đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội, công tác bảo vệ môi trường luôn được Công ty coi trọng hàng đầu. Với phương châm “Sản xuất các sản phẩm có chất lượng tốt, thân thiện với môi trường”, trong những năm qua, Công ty luôn coi trọng việc đầu tư khoa học kỹ thuật, công nghệ, tận dụng mọi nguồn lực hiện có để sản xuất sạch, phát triển bền vững. Công ty đã cải tiến căn bản công nghệ lò cao để nâng cao năng suất, ổn định, giảm định mức tiêu hao nguyên, nhiên liệu, năng lượng; thay thế một phần nguyên liệu, nhiên liệu để sản xuất phân lân chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu. Công ty chú trọng hướng vào sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, phục vụ canh tác nông sản sạch. Sản phẩm phân bón của Công ty không tan trong nước, chỉ tan trong môi trường axit do rễ cây tiết ra nên hiệu quả sử dụng cao đến 95 - 97% do không bị rửa trôi, không bị kim loại trong đất cố định lân, không gây ô nhiễm nước. Đặc biệt, lân Văn Điển mang tính kiềm cải tạo đất chua Việt Nam (trên 80% đất Việt Nam là chua), với tổng hàm lượng dinh dưỡng đa, trung, vi lượng lên đến 95 - 97% lại không phải là phân hóa học, nên thích hợp cho canh tác nông sản hữu cơ, nông sản sạch, chống lại các diễn biến bất thuận của thời tiết như chống hạn, chống đổ, chống nhiễm mặn, hạn chế sâu bệnh nên không hoặc ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. 

Đổi mới công nghệ để sản xuất

Để có được công nghệ sản xuất sạch như ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực vượt qua bao khó khăn, thử thách của toàn cán bộ, công nhân lao động của Công ty qua nhiều thế hệ. Nhà máy Phân lân Văn Điển được xây dựng năm 1960 với công nghệ lò cao, nhiên liệu sử dụng là than cok nhập ngoại, nguyên liệu là quặng apatít loại 1, quặng sà vân trữ lượng lớn. Hơn 50 năm qua, Công ty đã nhiều lần phải áp dụng đổi mới công nghệ. Từ công nghệ chạy bằng than cok nhập ngoại, Công ty đã chuyển đổi sang chạy thành công bằng than Vàng Danh nội địa; từ chỗ sử dụng nguyên liệu quặng apatit loại 1 có hàm lượng P2O5 > 32% để sản xuất ra phân bón có hàm lượng 13,5-15% sang chạy bằng quặng loại 2 có hàm lượng P2O5 22 - 23% nhưng sản xuất ra các loại sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Công ty đã cải tạo lò cao nâng công suất từ 0,8 tấn/h lên 12 tấn/h; đưa công suất của Công ty từ 2 vạn tấn phân lân/năm lên 300.000 tấn lân/năm và 150.000 tấn NPK/năm. Theo công nghệ lò cao chỉ sử dụng quặng cục nên hàng năm phải thải bỏ 30 - 35% nguyên liệu dưới cỡ, Công ty đã đầu tư nghiên cứu thành công đề tài dùng chất phụ gia đóng bánh quặng vụn quay lại sản xuất, triệt tiêu 100% phế thải rắn nhằm thích ứng với tình hình thực tế, chi phí bón phân đáng kể so với các loại phân khác.

Tích cực đầu tư hệ thống xử lý chất thải

Trong quá trình sản xuất, Công ty đã cải tạo hệ thống xử lý khí thải, nước thải, xử lý bụi… tiến tới triệt tiêu hoàn toàn phế thải rắn, lỏng toàn Công ty đáp ứng yêu cầu mới của Luật Môi trường; cải thiện cảnh quan Công ty và điều kiện làm việc cho công nhân. Công ty đã hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg,ngày 22/04/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng", được Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, được Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định đưa ra khỏi danh sách (trong Quyết định số 64 của Thủ tướng Chính phủ) theo Quyết định số 131/QĐ-BTNMT ngày 25/01/2006. Công ty đầu tư hệ thống xử lý nước thải công nghiệp và sinh hoạt đạt tiêu chuẩn môi trường, sau đó tuần hoàn lại gần như 100%. Dự án này đã được triển khai đưa vào hoạt động từng phần và chính thức hoàn thành đưa vào hoạt động toàn bộ năm 2013, được công nhận là 1 trong 3 công trình được gắn biển công trình chào mừng 45 ngày truyền thống ngành Hóa chất, năm 2014. Hệ thống xử lý nước thải mang lại lợi ích khoảng trên 10 tỷ đồng/năm, triệt tiêu hoàn toàn nước thải; thu hồi khoảng 3.500 tấn BTP lân và không phải đóng phí môi trường. Về xử lý chất thải rắn, những năm trước đây, trong quá trình sản xuất, Công ty phải loại bỏ 30 - 35% lượng quặng mịn. Nhưng gần đây, do áp dụng các sáng chế và công nghệ, Công ty đã thu hồi và sử dụng toàn bộ quặng mịn, nên không còn chất thải rắn thải ra ngoài môi trường. Về xử lý khí thải, đã xử lý triệt để 100% khí thải trước khi thải ra môi trường, tận dụng triệt để nhiệt do đốt khí thải.

Hiệu quả từ tiết kiệm năng lượng

Trong những năm gần đây, Công ty rất chú trọng đầu tư khoa học kỹ thuật nhằm giảm định mức tiêu hao nguyên nhiên liệu, năng lượng. Công ty đã có nhiều sáng chế nhằm tiết kiệm năng lượng, được Nhà nước ghi nhận với 6 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, giải thưởng Vifotech, cùng nhiều danh hiệu khác. Đặc biệt, việc áp dụng các đề tài này đã làm giảm định mức tiêu hao điện từ 145 kwh/TSP xuống còn 45 kwh/TSP, định mức than từ 0,62 t/TSP xuống còn 0,23 t/TSP, định mức tiêu hao nguyên liệu từ 1,75 t/TSP xuống còn 1,25 t/TSP, đồng thời tiết kiệm hàng chục ngàn tấn than và khoảng 10,5 vạn tấn tài nguyên quặng mỗi năm, mang lại nguồn lợi hàng chục tỷ đồng/năm và góp phần hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Chất lượng sản phẩm của Công ty cũng luôn được nâng cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn xuất khẩu sang các nước như Úc, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc,…

Công ty đã rà soát kiểm toán năng lượng toàn nhà máy; thay thế các động cơ mới phù hợp với tải trọng thực tế; lắp các biến tần cho những động cơ công suất cao; thay thế các bóng đèn sợi tóc bằng bóng huỳnh quang, bóng đèn led để giảm tiêu hao điện, đảm bảo ánh sáng cho công nhân; mỗi năm tiết kiệm được 255.670 KWh điện tương ứng 345 triệu đồng. Chỉ riêng việc bố trí giảm sản xuất giờ cao điểm, tăng cường sản xuất giờ thấp điểm đã tiết kiệm mỗi tháng khoảng trên 50 triệu đồng do chênh lệch giá điện.

Công ty đã đầu tư lắp đặt 7 hệ thống lọc bụi tay áo, thu hồi bụi làm sạch môi trường cho người lao động, giảm nhẹ cường độ cho công nhân thu hồi mỗi năm khoảng 2.000 - 2.700 tấn sản phẩm, mang lại nguồn lợi khoảng 640 triệu đồng do không mất sản phẩm, không tốn nước xử lý, không phải sấy, nghiền lại lượng sản phẩm này. Công ty lắp đặt hệ thống băng tải chuyển bao xuất hàng trực tiếp lên phương tiện của khách hàng tiết kiệm 500 - 550 triệu đồng/năm do không phải chạy máy nâng và tiết giảm lao động.

Công ty cũng đầu tư, cải tạo các hệ lò đốt than chuyển sang đốt bằng trấu ép để sấy BTP phân lân góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất khoảng 4,0 - 5,5 tỷ đồng/năm giảm phát thải khí CO2 và các khí độc khác ra môi trường 4,8 lần so với trước đây.

Với hướng đi đúng đắn, cùng đội ngũ cán bộ công nhân viên có trình độ cao, Công ty CP Phân lân Nung chảy Văn Điển ngày càng khẳng định là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất phân bón, đồng thời cũng đi đầu trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong ngành Hóa chất.

Phòng Thông tin Công nghiệp

Theo Tạp chí Công thương