menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp bao bì Việt Nam “go global” hay hướng về nội địa?

10:11 29/06/2016

Ảnh: Minh hoạ

Lâu nay, Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường Xanh An Phát được biết đến là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất bao bì nhựa màng mỏng với trên 95% doanh thu từ xuất khẩu.

 Tuy nhiên, trong một chia sẻ mới đây, ông Phạm Ánh Dương – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường Xanh An Phát cho biết có khả năng sẽ hợp tác liên doanh mở một nhà máy sản xuất bao bì màng phức tại Việt Nam. Việc một “ông lớn” vốn chỉ xuất khẩu lại muốn đặt một chân vào thị trường trong nước cho thấy sức hấp dẫn của thị trường này.

Thị trường bao bì tại Việt Nam vốn vẫn rất hấp dẫn

Năm 2014, một doanh nghiệp bao bì của Hàn Quốc là Dongwon Systems Corporation đã đầu tư 21,86 triệu USD mua Công ty TNHH Bao bì Minh Việt, chi 38,81 triệu USD mua 47% CTCP Bao bì nhựa Tân Tiến.

Năm 2015, tập đoàn SCG của Thái Lan chi 44,4 triệu USD mua CTCP Bao bì Tín Thành. Trước đó, MeiwaPax Group chi 15,38 triệu USD mua CTCP Thương mại và Bao bì Sài Gòn; Oji Holding Corporation (Nhật Bản) mua Công ty TNHH Bao Bì United; Sagasiki Vietnam mua Công ty cổ phần In và Bao bì Goldsun…

Một loạt những cuộc thâu tóm các doanh nghiệp bao bì lớn nhất Việt Nam từ bàn tay của các tổ chức nước ngoài đủ để chứng tỏ thị trường nội địa có tiềm năng lớn như thế nào. Thế nhưng trên thị trường bao bì nội địa, ngoài một số cái tên Việt nổi bật và đang dần bị thâu tóm thì thị phần tập trung vào các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Đài Loan, Trung Quốc.

Sự yếu thế của doanh nghiệp nội vẫn đến từ những nguyên nhân cố hữu: nguyên liệu phải nhập khẩu và sử dụng công nghệ thấp… Điều này đã tạo ra khoảng trống để doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào, nhưng đồng thời cũng là cơ hội của doanh nghiệp Việt đang sở hữu công nghệ cao.

Chủ tịch HĐQT của An Phát Plastic từng cho biết, công ty này đã nhìn thấy cơ hội rất lớn tại thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường miền bắc trong mảng bao bì phức hợp dành cho thực phẩm như mỳ tôm, bánh kẹo hay bao bì cho sản phẩm may mặc.

An Phát là một công ty chuyên sản xuất hàng xuất khẩu vào các thị trường khắt khe nhất, họ sở hữu công nghệ hiện đại và nếu kế hoạch này thành hiện thực, có thể thị trường bao bì nội địa sẽ xuất hiện một cái tên Việt có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Theo một báo cáo của CTCK Bản Việt, thực tế sản xuất bao bì trong nước chỉ mới đáp ứng 76% nhu cầu tiêu thụ nội địa, do đó cơ hội tăng trưởng vẫn chia đều cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu mới là biển lớn

Số liệu từ Hiệp hội Bao bì Việt Nam cho biết, 66% giá trị xuất khẩu của ngành nhựa xuất phát từ bao bì. Doanh nghiệp bao bì Việt Nam đã đưa sản phẩm của mình xuất khẩu đến rất nhiều quốc gia, từ những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đến các vùng Trung Đông với yêu cầu thấp hơn.

Riêng tại Nhật Bản – một trong những thị trường khắt khe nhất – thời gian gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này đã tăng rất cao, vượt qua đối thủ Thái Lan và chỉ đứng sau Trung Quốc.

Cụ thể, năm 2015, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan trở thành nước xuất khẩu sản phẩm túi PE lớn nhất vào Nhật. 3 tháng đầu năm 2016, sản lượng xuất khẩu túi PE của Việt Nam vào Nhật là hơn 21 triệu kg – vượt trội so với con số 16 triệu kg của Thái Lan.

Nếu nhìn lại thị trường nội địa, các sản phẩm cao cấp vốn đang được xuất khẩu như bao bì màng mỏng, túi tự hủy, túi bọc sản phẩm điện tử, túi y tế… đều có giá bán rất cao do công nghệ sản xuất hiện đại và an toàn hơn với môi trường. Với mức thu nhập bình quân đầu người thấp, đại bộ phận người tiêu dùng Việt Nam không lựa chọn các sản phẩm này.

Trong khi đó, cơ hội lớn đang mở ra cho doanh nghiệp xuất khẩu khi một loạt Hiệp định thương mại song phương được ký kết, trong đó được kỳ vọng nhất là Hiệp định TPP. Lãnh đạo của An Phát cho biết, đó là cơ hội để khách hàng đang mua hàng của Trung Quốc, Thái Lan chuyển sang mua của Việt Nam. Và đó là lý do để công ty này quyết định xây dựng nhà máy số 6 và số 7 để nâng công suất. Nhà máy số 6 sẽ được phục vụ cho thị trường Nhật Bản còn nhà máy số 7 sẽ chuyên xuất sang Mỹ, đều là các nước thuộc TPP.

Khi 2 nhà máy mới này hoàn thiện, An Phát sẽ đạt công suất khoảng 80.000 tấn/năm, gấp đôi công suất hiện tại. Điều này cho thấy tham vọng của An Phát đối với triển vọng gia tăng xuất khẩu vào 2 thị trường này là rất lớn.

Doanh nghiệp bao bì Việt Nam "go global" hay hướng về nội địa? Trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay, cơ hội tại cả thị trường nội địa hay xuất khẩu đều rất rộng mở. Nhưng dù ra biển lớn hay tìm cơ hội tại thị trường nội địa thì những doanh nghiệp đang sở hữu công nghệ cao, có chiến lược bài bản và hướng đến những giá trị tiêu chuẩn mới có thể cạnh tranh và trở thành “ông lớn” trong ngành.

Nguồn: AD/ Trí thức trẻ