Nhiều nơi sử dụng năng lượng chưa hiệu quả
Sáng nay 28/7, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết kế hoạch hành động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Công Thương giai đoạn 2010-2015.
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Văn Lượng, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp cho biết, trong 5 năm vừa qua, Bộ Công Thương tổ chức nhiều chương trình, đề án liên quan đến biến đổi khí hậu nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tăng khả năng thích ứng với khí hậu và tận dụng các cơ hội thương mại xanh.
Cụ thể, Bộ xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn và đang tiếp tục cho lĩnh vực năng lượng Mặt Trời.
Bộ xây dựng trên 20 hướng dẫn kỹ thuật sản xuất sạch hơn cho các ngành dệt, giấy, tinh bột sắn, bia, đúc, xi măng, tấm lợp, sơn, dừa, NPK... Xây dựng các giải pháp về quản lý nội vi, cải thiện kỹ thuật, thay đổi công nghệ, nâng cao công suất được áp dụng trong sản xuất sạch hơn.
Ngoài ra, Bộ phối hợp với các Sở Công thương triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ kinh doanh...áp dụng sản xuất sạch hơn. Hàng năm, chương trình đã bố trí hàng trăm dự án đầu tư, hỗ trợ, trong đó có khoảng 20% các dự án có nội dung liên quan đến áp dụng sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường...
|
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng (giữa) chủ trì hội nghị Ảnh: Kiều Linh |
Đánh giá kế hoạch hành động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Công Thương trong 5 năm qua, bà Lê Việt Nga, Vụ Phó vụ Thị trường trong nước cho rằng trong thời gian tới, nên có đề án xây dựng chương trình ứng phó biến đổi khí hậu trong nước như thành lập các hệ thống phân phối sản phẩm có logo, cửa hàng phân phối thực phẩm xanh...
“Nhiều trung tâm thương mại sử dụng thiết bị làm lạnh chưa tiết kiệm, phải có khảo sát điều tra để dùng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo một cách hiệu quả hơn.
Hiện nay, chợ là nơi tập kết nhiều rác thải, liên quan đến biến đổi khí hậu vì vậy phải có đề án nghiên cứu về các vấn đề này...”, bà Nga nhấn mạnh.
Nếu không làm tốt Việt Nam trở thành bãi thải công nghiệp
Liên quan đến rào cản kỹ thuật trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ông Lượng cho hay, hiện nay, các quốc gia trên thế giới có xu hướng sử dụng các công cụ thị trường liên quan đến định giá việc phát thải carbon.
Các công cụ này vừa là cơ hội để các quốc gia hội nhập với thế giới nhưng cũng tạo ra hàng rào kỹ thuật với các quốc gia chưa chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ít carbon.
Cụ thể, về thuế carbon, nhiều quốc gia phát triển đã và đang hình thành các quy định về hàm lượng carbon trong quá trình sản xuất sản phẩm hàng hóa và xem đó là tiêu chuẩn để đánh giá, áp đặt các mức thuế đối với các hàng hóa sản xuất trong nước, nhập khẩu...
“Đây thực sự là một thách thức, rào cản lớn đối với các quốc gia như Việt Nam. Với một nền sản xuất hàng hóa công nghệ lạc hậu, mức phát thải rất cao, khi sản xuất hàng hóa vào các thị trường này sẽ phải chịu mức thuế cao và giảm tính cạnh tranh đối với hàng hóa Việt Nam”, ông Lượng cho hay.
Về vấn đề rò rỉ carbon xuyên biên giới, theo ông Lượng, Việt Nam đang kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện việc đầu tư phát triển trực tiếp. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát tốt nước ta sẽ trở thành bãi thải công nghiệp của các công nghệ lạc hậu, gia tăng lượng phát thải chất khí nhà kính, ảnh hưởng lớn đến nỗ lực cắt giảm phát thải.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương ông Hoàng Quốc Vượng khẳng định, mặc dù đóng góp vào nguyên nhân biến đổi khí hậu không nhiều nhưng Việt Nam lại chịu ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu là không chỉ riêng của ngành Công thương mà là vấn đề của toàn quốc.
“Vấn đề nặng nề nhất đối với Việt Nam là nước biển dâng. Suy cho cùng, nước biển dâng là một trong vô vàn những hậu quả của biến đổi khí hậu. Nếu đến cuối thế kỷ này, nước biển dâng lên 1m nữa thôi thì Đồng bằng Sông Cửu Long và dải miền Trung sẽ hoàn toàn ngập lụt.
Vì vậy, có hai vấn đề đặt ra: thứ nhất là làm sao giảm phát thải hiệu ứng nhà kính, thứ hai là ứng phó với biến đổi khí hậu và hậu quả của biến đổi khí hậu", thứ trưởng Vượng nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, các đơn vị quản lý cần nghiên cứu, hướng dẫn việc lồng ghép biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành đồng thời xây dựng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giải pháp về áp dụng sản xuất sạch hơn, đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển và sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính..
.