Báo cáo tại cuộc họp giao ban Bộ Công Thương sáng nay, đại diện Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam cho hay, 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất kinh doanh kinh doanh đạt 50% kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, từ ngày 26/7 mưa lũ diện rộng các tỉnh phía Bắc, đặc biệt lũ lớn tại Quảng Ninh khiến nhiều mỏ than thiệt hại nặng nề. Lượng nước trong lò tăng đột biến, bùn đất đã tràn lấp mặt bằng các mỏ Giáp Khẩu (Công ty than Hòn Gai) và các khu vực khác... Trong đó, Mỏ Mông Dương là đơn vị chịu hậu quả nặng nề nhất.
Các công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường bộ, đường sắt vận chuyển than cũng bị hư hại nặng. Hàng chục km tuyến đường vận chuyển than chuyên dụng bị ách tắc, khối lượng đất đá phải xử lý khoảng 200.000 m3.
Tính đến thời điểm hiện tại, nước và bùn đất đã vùi lấp 4 máy khoan địa chất, 05 xe ô tô, 03 trạm xử lý nước thải và một số công trình nhỏ khác. Trên 20 đơn vị phải ngừng sản xuất, 40-80% công nhân trong ngày mưa lũ lớn được nghỉ còn lại để tập trung ứng phó với báo lũ.
Mặc dù cán bộ nhân viên tập đoàn không có ai thiệt hại trong quá trình lao động sản xuất nhưng có 3 gia đình công nhân mỏ, sau khi làm việc trở về nhà bị lũ cuốn trôi.
Ước tính tổng thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng.
|
Than chảy từ mỏ than Cọc Sáu (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) về suối B5-12 và đổ ra biển - Ảnh: Tiến Thắng (Tuổi Trẻ) |
Tranh thủ khi ngớt mưa, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục sửa chữa các tuyến đường ô tô, đường sắt vận chuyển than và hệ thống tiêu thụ để cấp than trở lại cho các hộ tiêu thụ, nhất là các nhà máy điện.
Ngoài ra, các mỏ than tăng cường bơm thoát nước, tiến hành thu dọn mặt bằng sản xuất, sửa chữa thiết bị và các công trình xây dựng, khôi phục sản xuất trong thời gian ngắn nhất.
Báo cáo về tình hình cung cấp điện trong thời gian bão lũ vừa qua, Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực ông Nguyễn Tấn Lộc cho hay, cơn lũ vừa qua khiến nhiều cột điện sạt lở móng, vài trạm biến áp 110kv gặp sự cố. Tuy nhiên, sau khi nguồn nước rút các đơn vị nhanh chóng khắc phục nhằm đảm bảo an toàn cung cấp điện.
"Về nguồn cung cấp than, theo chỉ đạo Bộ, thời gian vừa qua, 2 tập đoàn Than và Điện lực đã họp bàn giải pháp để đảm bảo cung cấp than cho sản xuất điện. Trong thời gian từ 20-24/8, hi vọng có đủ lượng than để đảm bảo cho cung cấp điện phía Nam", ông Lộc nói.
|
Lãnh đạo các đơn vị Bộ Công thương tham dự Hội nghị - Ảnh: Kiều Linh
|
Kết luận cuộc họp giao ban, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chia sẻ, thăm hỏi, động viên của ngành Than Việt Nam về thiệt hại đối với người, cơ sở vật chất, kinh doanh của ngành than trong đợt mưa lũ vừa qua.
“Dự báo năm nay lượng mưa bão tăng hơn so với năm trước, đề nghị các Sở Công Thương đảm bảo các mặt hàng thiết yếu như dầu hỏa, thực phẩm, nếu sự cố xảy ra, nhân dân một số vùng cô lập phải cung ứng đầy đủ, nhất định không để xảy ra tình trạng tăng giá trục lợi.
Không để xảy ra sự cố với ngành điện trong thời điểm bão lũ, nếu nơi nào để xảy ra thì địa phương, các đồng chí lãnh đạo ở đó phải chịu trách nhiệm".
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương về tình hình sản xuất ngành than và khoáng sản tháng 7 và 7 tháng đầu năm, sản lượng than sạch tháng 7 ước tính đạt 3,18 triệu tấn, giảm 15,6% so với tháng trước và tăng 9% so với tháng 7 năm 2014, tính chung tháng 7 đầu năm, sản lượng than sạch ước đạt 24,6 triệu tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, than tiêu thụ tháng 7 ước đạt 3,08 triệu tấn, tăng 21,9% so với tháng 7 năm 2014, tính chung 7 tháng năm 2015 ước đạt 20,83 triệu tấn, giảm 1,07 so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, than tiêu thụ trong nước tăng 17,15% so với cùng kỳ và than xuất khẩu bằng 21,72% so với cùng kỳ năm 2014.
Kiều Linh