Bệnh Whitmore là bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (B. pseudomallei) gây ra. Vi khuẩn sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập chủ yếu qua da.
Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và tỷ lệ tử vong cao ở những trường hợp viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền (tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính,...) có nguy cơ cao mắc bệnh.
Thời kỳ ủ bệnh từ 01 - 21 ngày, có thể kéo dài và khó xác định. Bệnh có các thể như sau: thể cấp tính, thể bán cấp tính và thể mạn tính. Biểu hiện của thể cấp tính là viêm phổi, đây là biểu hiện hay gặp nhất ở các bệnh nhân. Ngoài ra, nhiễm khuẩn huyết cũng là một biểu hiện hay gặp của bệnh này ở thể cấp tính. Bệnh nhân sốt cao, sốt rét run, ho đờm mủ. Tổn thương có thể tiến triển thành viêm phổi hoại tử dẫn đến suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, bệnh còn có thể biểu hiện ở dạng bệnh nhiễm khuẩn huyết, không xác định được đường vào, dễ diễn biến thành sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng gây tử vong. Bệnh biểu hiện ở trẻ em tương tự như đối với người lớn.
Một số biểu hiện ít gặp hơn như áp xe gan, áp xe lách, áp xe cơ thắt lưng chậu, loét da, áp xe dưới da, mụn mủ rải rác, viêm mô tế bào, viêm cân mạc…
Tất cả các trường hợp nhiễm B. pseudomalei từ nhẹ đến nặng đều cần được điều trị ban đầu bằng kháng sinh tĩnh mạch ít nhất hai tuần, sau đó là điều trị duy trì kháng sinh đường uống trong tối thiểu ba tháng.
Bệnh hiện chưa có vắc xin, do vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên sử dụng các thiết bị bảo vệ cá nhân như ủng và găng tay không thấm nước để bảo vệ chống tiếp xúc với đất, nước nhiễm vi khuẩn và làm sạch hoàn toàn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn.
Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.
Xem chi tiết Quyết định 6101/QĐ-BYT
tại đây.
Nguồn:VITIC