menu search
Đóng menu
Đóng

Công bố Nghị định thư về xuất khẩu gạo và cám gạo sang Trung Quốc

11:00 08/06/2016

Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc xuất khẩu gạo và cám gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tạo hành lang pháp lý cho gạo và cám gạo của Việt Nam xuất sang thị trường này được thuận lợi hơn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu như vậy tại Hội nghị Công bố Nghị định thư xuất khẩu gạo và cám sang thị trường Trung Quốc, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 7/6.

Gỡ khó cho xuất khẩu chính ngạch

Nhằm đảm bảo an toàn việc nhập khẩu gạo Việt Nam vào Trung Quốc, ngăn chặn sinh vật gây hại xâm nhập, bảo đảm cho sức khỏe động thực vật, căn cứ vào kết quả phân tích nguy cơ dịch hại và các nguyên tắc của Hiệp định về việc áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch Trung Quốc đã thống nhất ký kết Nghị định thư trên vào ngày 30/5/2016 và có hiệu lực ngay sau khi ký kết.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Nghị định này là Nghị định sửa đổi một số điều Nghị định thư này đã được ký vào ngày 7/10/2004, trong đó, có một điều khoản yêu cầu khi gạo xuất khẩu sang Trung Quốc ngoài vấn đề kiểm dịch thực vật, phải được xử lý bằng phương pháp xông hơi tiệt trùng và do một đơn vị thuộc Nhà nước thực hiện.

Khi đó, Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFC) vẫn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuy nhiên vài năm trở lại đây, công ty này đã chuyển đổi hình thức sở hữu và phía Trung Quốc lấy lý do này để yêu cầu hai bên phải sửa đổi lại Nghị định thư.

"Trong thời gian sửa đổi Nghị định thư, VFC vẫn thực hiện công tác khử trùng nhưng dưới sự giám sát của Công ty Giám định Trung Quốc (CIC). Điều này gây mất thời gian, đội chi phí lên rất nhiều và đẩy công tác xuất khẩu gạo vào thế bị động. Do đó, Nghị định thư mới được ký kết đã gỡ khó cho hoạt động xuất khẩu gạo sang thị trường này. Đặc biệt, điều 5 và điều 6 của Nghị định này quy định rõ việc giám sát quá trình khử trùng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ do Cục Bảo vệ thực vật thực hiện thay vì phải lệ thuộc vào sự giám sát của một công ty Trung Quốc,” ông Trung cho biết.

Cục Bảo vệ Thực vật đã chỉ định 9 đơn vị khử trùng và phối hợp với VFA lập danh sách doanh nghiệp có đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi cho phía Trung Quốc thẩm định và công nhận. Trong trường hợp nếu các lô hàng gạo xuất khẩu có vi phạm, ví dụ như có sâu mọt, lập tức họ dừng ngay, không cho xuất tiếp. Tuy nhiên, phía Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc khi phát hiện sai phạm thì thông báo cho Chính phủ Việt Nam. Phía Việt Nam sẽ có biện pháp khắc phục. Phía Trung Quốc cũng đã có kế hoạch sang kiểm tra vùng trồng, nhà máy chế biến, kho gạo của các doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA cho biết hiện có 131 doanh nghiệp có đủ điều kiện xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, song có khoảng 30-40 doanh nghiệp xuất khẩu nhiều sang thị trường này.

"Việc áp dụng Nghị định thư này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc được tốt hơn. Hiện phía Trung Quốc cũng đang siết chặt và hạn chế việc nhập khẩu qua đường tiểu ngạch," ông Huệ cho biết.

Doanh nghiệp vẫn phải lưu ý

Trao đổi với phóng viên TTXVN về ảnh hưởng của Nghị định thư đối với doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Trung An (Cần Thơ) cho biết nhờ Nghị định thư mà kéo giãn được một số khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này.

"Trước đây, việc kiểm dịch do CIC thực hiện ở Trung Quốc, nếu chất lượng gạo không đạt yêu cầu thì sẽ tốn thêm chi phí lưu kho và bị ách tắc ở cửa khẩu hải quan. Trong xu thế phát triển hội nhập hiện nay, việc kiểm dịch là một yêu cầu trước sau gì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cũng phải đáp ứng, thực hiện. Đây là yêu cầu không phải chỉ riêng của thị trường Trung Quốc mà nhiều nước cũng vậy, chỉ là cách làm khác nhau thôi," ông Bình chia sẻ.

Cũng đồng quan điểm trên, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký Nghị định thư về kiểm dịch gạo và cám gạo với Trung Quốc là bước tiến lớn và tạo rất nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp, đảm bảo tính minh bạch khi kinh doanh, xuất khẩu sang thị trường này. Đây cũng bước khởi động rất quan trọng giúp các doanh nghiệp nhận thức được trách nhiệm của mình từ khâu gieo trồng cho đến khâu xay xát, chế biến, tuân thủ những tiêu chuẩn, quy định đó thì sẽ giảm được những rủi ro khi xuất gạo và cám gạo sang thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khác.

Theo ông Phạm Thanh Thọ, Phó Giám đốc kinh doanh ngành lương thực thuộc Tập đoàn Lộc Trời (An Giang), trong Nghị định thư có một số tiêu chuẩn, tiêu chí được quy định rất rõ và các doanh nghiệp sẽ ý thức được điều đó, việc xuất khẩu qua cảng người mua sẽ hạn chế được rủi ro. Đa phần các doanh nghiệp đều bán theo hình thức FOB, tuy nhiên, để thiết lập quan hệ hợp tác làm ăn lâu dài, doanh nghiệp vẫn là người chịu trách nhiệm sản phẩm đến cảng đến, thậm chí đến tay người tiêu dùng.

Liên quan đến một số ý kiến lo ngại đến những chi phí phát sinh khi áp dụng Nghị định thư này, ông Phạm Thanh Thọ cho biết chi phí để xông trùng, khử trùng các loại gạo, cám gạo trước khi đưa đi xuất khẩu chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong chi phí xuất khẩu, trung bình khoảng 25 USD/tấn.

Mặc dù được đánh giá là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tuy nhiên tiến sỹ Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối cũng lưu ý các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang Trung Quốc phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu trong Nghị định thư. Nếu vi phạm có khi doanh nghiệp sẽ bị cảnh cáo cấm xuất sang Trung Quốc và ảnh hưởng chung đến cả ngành khi xuất khẩu sang thị trường này.

Hiện Trung Quốc vẫn đang là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 30% thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Nguồn: cafef.vn