menu search
Đóng menu
Đóng

Đề xuất giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

10:40 09/05/2019

Vinanet - Bộ Tài chính mới đây đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) cho DN nhỏ và vừa xuống còn 15-17%, thay vì mức 20% như hiện nay.
Cụ thể, DN nhỏ sẽ được áp dụng thuế suất 17%, còn DN siêu nhỏ áp dụng thuế suất 15%. Điều này được giới chuyên gia cũng như DN kỳ vọng.
Ông Lê Xuân Trường – Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính bình luận, đề xuất giảm thuế phù hợp và cần thiết. “Trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018 có ghi quy định: DN nhỏ và vừa được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập DN thấp hơn mức phổ thông. Điều này có nghĩa để Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa thực sự có hiệu lực, đi vào cuộc sống thì phải sửa Luật Thuế. Nếu không thì điều khoản trong Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa là vô nghĩa” – ông Trường nói.
Cũng theo quan điểm của ông Trường, trong thực tiễn, DN nhỏ và vừa có nhiều bất lợi so với các DN lớn. Họ có quy mô nhỏ nên bất lợi trong kinh doanh. Trong khi đó, DN nhỏ và vừa chiếm số lượng rất lớn, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế. Việc thúc đẩy đối tượng DN này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế. Bởi vậy, việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa bằng cách áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức phổ thông là phù hợp.
Điều này cũng là thông lệ của một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản. Chính sách này đã giúp các DN nhỏ và vừa ở các nước trên trong thời gian qua phát triển tốt, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế.
Theo thống kê, DN nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội, chiếm tỷ lệ cao. Việt Nam hiện có hơn 600.000 DN, trong đó khối kinh tế tư nhân chiếm gần 500.000 DN và trong số này có tới hơn 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ, 2% DN quy mô vừa và 2% DN lớn. Khối kinh tế tư nhân đã tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, đóng góp hơn 40% GDP mỗi năm và được xác định là động lực tăng trưởng, là xương sống của nền kinh tế.
Giới chuyên gia cho rằng để đảm bảo mục tiêu tiếp tục thúc đẩy DN nhỏ và vừa phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh thì đề xuất giảm thuế thu nhập DN là phù hợp và cần thiết. Cơ quan quản lý tăng thì phải nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện cho DN sống khỏe, sống tốt thì sẽ không trốn thuế, chạy thuế.
“Người kinh doanh, mục tiêu tối thượng của họ là lợi nhuận. Không phải vì được ưu đãi thuế bé mãi” – ông Lê Xuân Trường bình luận.
Hiện nay khó khăn vẫn bủa vây đối với khu vực kinh tế tư nhân. Nền kinh tế Việt Nam vẫn đan xen nhiều mảng sáng tối và dẫn chứng cho thấy quý I năm 2019, có tới 14.761 DN tạm dừng kinh doanh có thời hạn, cao hơn 20,8% so với năm ngoái. Bên cạnh đó, 58,4% trong số 15.331 DN cũng đang chờ hoàn thành thủ tục giải thể bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN theo chương trình rà soát năm 2018.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nền kinh tế ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, trong niềm vui đó vẫn còn những “mảng tối”, đó là số lượng DN ngừng hoạt động hoặc giải thể tăng cao. Điều này chứng tỏ, số doanh nghiệp đã hình thành và hoạt động trong một vài năm vẫn không chịu nổi sức ép mà phải rút ra khỏi thị trường.
“Nếu tình hình này còn tiếp diễn thì chúng ta sẽ lấy đâu ra lực lượng để đóng góp vào tăng trưởng mới cho đất nước?” – bà Lan băn khoăn.
Các số liệu đang chứng minh thực tế, DN có quy mô nhỏ cần được hỗ trợ. Cụ thể, DN nhỏ và vừa đang mong muốn được hỗ trợ về pháp lý, môi trường kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận nguồn vốn vay và vay vốn, mặt bằng sản xuất, tư vấn phương án kinh doanh, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu, bên cạnh mức thuế hợp lý.
Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, nhận định giảm thuế thu nhập DN sẽ “khoan sức” cho một lớp đối tượng rất rộng trong cộng đồng DN. Một mức thuế suất hợp lý sẽ giúp DN có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh, giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, tiết kiệm được chi phí, từ đó giảm giá thành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư…
Nguồn: Daidoanket.vn