menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp đăng ký giá thịt gia cầm tăng 6-12%

15:55 01/04/2022

Theo ghi nhận của Sở Tài chính, tham gia Chương trình bình ổn thị trường năm 2022, đối với mặt hàng lương thực thực phẩm, các doanh nghiệp đăng ký giá mặt hàng thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm có xu hướng tăng so với mặt bằng giá năm 2021, mức tăng này tùy thuộc vào từng doanh nghiệp, chủ yếu đối với mặt hàng thịt gia cầm và trứng gia cầm.
Tại họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP HCM chiều 28/3, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố cho biết, theo quy trình, các doanh nghiệp đăng ký giữ ổn định giá cả đến hết tháng 3, bắt đầu từ tháng 4 sẽ điều chỉnh giá. Trong thời điểm đầu tháng 4 là thời điểm triển khai Chương trình bình ổn thị trường mới của năm 2022, do đó Sở Tài chính sẽ tiếp nhận và thực hiện việc điều chỉnh giá này, chủ yếu sẽ tổ chức cho doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2022, đăng ký mặt hàng và đăng ký giá.
Theo ghi nhận của Sở Tài chính, tham gia Chương trình bình ổn thị trường năm 2022, đối với mặt hàng lương thực thực phẩm thì các doanh nghiệp chủ yếu đăng ký giá mặt hàng thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, so với mặt bằng giá năm 2021, mức tăng này tùy thuộc vào từng doanh nghiệp. Cụ thể, mặt hàng thịt gia súc được các doanh nghiệp đăng ký tăng 2-3,5%; thịt gia cầm tăng 6-12%; trứng gia cầm tăng 6-8%. Trên cơ sở đăng ký của các doanh nghiệp cũng như các hồ sơ liên quan về chi phí đầu vào, Sở Tài chính sẽ xem xét, họp để thống nhất giá của các mặt hàng trong Chương trình. Giá chính thức của các mặt hàng sẽ được công bố sau cuộc họp này.
Về cơ chế điều chỉnh giá của doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường, ông Phương cho biết, theo kế hoạch năm 2022, UBND Thành phố sẽ ban hành công bố vào đầu tháng 4. Theo cơ chế điều chỉnh giá của chương trình năm 2021, khi giá cả đầu vào, đặc biệt là nguyên vật liệu chính tăng 5% thì các doanh nghiệp được quyền đăng ký điều chỉnh giá với Sở Tài chính và trên cơ sở đăng ký của doanh nghiệp, Sở Tài chính sẽ mời các sở, ngành cùng doanh nghiệp đến làm việc; nếu doanh nghiệp chứng minh được đầu vào thực sự tăng thì Sở Tài chính sẽ cho điều chỉnh giá. Trong trường hợp thị trường liên tục biến động và biến động mạnh thì việc tiếp nhận sự điều chỉnh giá sẽ tăng từ 2-5%.
Cũng theo ông Phương, khi tham gia Chương trình bình ổn thị trường, doanh nghiệp sẽ được sử dụng logo cũng như thương hiệu của Chương trình để khai thác trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Đây là một thương hiệu uy tín để người tiêu dùng tin tưởng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp được tạo mọi điều kiện thuận lợi để tham gia các chương trình hỗ trợ chính thức của Thành phố như chương trình kích cầu, chương trình kết nối, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Trong Chương trình sẽ có các ngân hàng, tổ chức tín dụng đăng ký tham gia với các mức tín dụng lãi suất ưu đãi tốt hơn so với mức thông thường, như vậy, doanh nghiệp bình ổn thị trường cũng được tiếp cận các ưu đãi này.
Các doanh nghiệp còn được ưu tiên đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối và các hệ thống phân phối phải có mức chiết khấu tốt hơn so với các doanh nghiệp ngoài chương trình.
Nguồn: Báo Chính phủ