Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua vào Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Đây là động thái được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những "nút thắt" không chỉ với ngành phân bón Việt Nam trong nhiều năm qua mà còn mang lại nguồn thu ngân sách cũng như lợi ích cho người nông dân.
*Nút thắt chính sách cho ngành phân bón
Để thực hiện chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước, chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu, ngày 26/11/2014, Quốc hội đã ban hành Luật số 71/2014/QH13 (Luật 71) nhằm sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12; trong đó quy định các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng từ khâu nhập khẩu đến khâu sản xuất, thương mại bán ra. Theo đó, Luật 71 có kỳ vọng giảm chi phí giá thành sản phẩm phân bón, giúp người nông dân tăng lợi nhuận trong quá trình canh tác nông nghiệp.
Tuy nhiên, kể từ khi có hiệu lực vào ngày 1/1/2015 đến nay, Luật 71 đã nảy sinh nhiều bất cập. Theo Tiến sỹ Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Luật Thuế 71 quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng khiến không chỉ doanh nghiệp phân bón chịu thiệt vì toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ hàng năm mà cả ngành nông nghiệp, người nông dân cũng bị ảnh hưởng do phải mua phân bón với giá thành cao hơn từ 5 đến 8% vì doanh nghiệp phải hạch toán một phần thuế không được khấu trừ vào chi phí sản xuất.
Ước tính, với quy mô ngành công nghiệp phân bón trên 100.000 tỷ đồng mỗi năm, với số thuế giá trị gia tăng không được khấu trừ ở mức 5%, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phân bón phải gánh chịu 3.000 đến 4.000 tỷ đồng/năm, ông Hà cho biết.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, số thuế giá trị gia tăng không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón theo Luật Thuế 71 từ năm 2015 đến nay đã lên tới gần 10.000 tỷ đồng; trong đó, số liệu từ Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cho thấy, chỉ riêng khoản thuế giá trị gia tăng đầu vào từ năm 2016-2020 của doanh nghiệp là 1.857 tỷ đồng và phải hạch toán vào chi phí dẫn đến khoản lợi nhuận trước thuế hàng năm sẽ giảm tương ứng. Tương tự như vậy, việc không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đã khiến Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao bị thiệt hại trung bình khoảng 100 tỷ đồng/năm. Điều này làm cho giá thành sản phẩm tăng lên từ 6 đến 7% và doanh nghiệp bắt buộc phải tính vào giá bán; ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nông dân.
Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, khi thực hiện Luật 71 có hiệu lực từ năm 2015, giá thành phân đạm tăng từ 7,2 đến 7,6%; phân DAP tăng từ 7,3 đến 7,8%; phân supe lân tăng từ 6,5 đến 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 đến 6,1%.
Đặc biệt, việc áp dụng Luật 71 khiến phân bón nhập khẩu không chịu thuế giá trị gia tăng đã giúp các nhà sản xuất nước ngoài hưởng lợi thế khi xuất khẩu phân bón sang Việt Nam và làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Vì vậy, các doanh nghiệp sẽ không có nguồn lực đủ mạnh để đầu tư các dự án sản xuất phân bón sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại do không được hoàn thuế giá trị gia tăng cho nhà xưởng thiết bị, Tiến sỹ Phùng Hà chỉ rõ.
Thực tế cũng cho thấy sau khi Luật 71 có hiệu lực, mặc dù các nhà máy sản xuất phân bón trong nước có thể đáp ứng đủ nhu cầu phân urê, phân lân, phân NPK và hướng tới xuất khẩu một số sản phẩm nhưng từ năm 2015-2022, Việt Nam vẫn nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn phân bón/năm, chủ yếu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Nga, Trung Đông với tổng trị giá khoảng 1,3 tỷ USD/năm.
Số liệu hải quan cũng cho thấy riêng 10 tháng năm 2023, Việt Nam nhập trên 3,36 triệu tấn, trị giá gần 1,14 tỷ USD; trong đó Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 48,7% trong tổng lượng phân bón nhập khẩu và chiếm 45,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.
*Đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng 5%
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Phùng Hà, Hiệp hội Phân bón Việt Nam kỳ vọng Quốc hội sẽ sớm thông qua việc sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng để gỡ "nút thắt" chính sách để cả nhà nước, nông dân và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi.
Theo đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị sửa đổi Luật 71 (phần liên quan đến phân bón) theo hướng chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng sang mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 5%. Bên cạnh đó, xem xét sửa đổi Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về "Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan" theo nguyên tắc áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với loại phân bón trong nước chưa sản xuất được hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu, phải giữ lại cho tiêu dùng trong nước và mức thuế suất thuế xuất khẩu 0% đối với loại phân bón trong nước đã sản xuất đủ hoặc dư thừa.
Đồng tình với đề xuất của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, PGS, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho biết, mức thuế giá trị gia tăng 5% là phù hợp nhất, bởi các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ có khoản chênh lệch giảm trừ ở giá trị gia tăng đầu vào ở mức từ 7 đến 8%, chi phí sản xuất phân bón sẽ giảm từ 2 đến 3%, từ đó có cơ sở giá bán thấp hơn.
Ngoài ra, các sản phẩm phân bón nhập khẩu cũng phải tính thuế giá trị gia tăng 5%, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, trong khi ngân sách nhà nước cũng có lợi nhờ thu được 5% của các sản phẩm nhập khẩu.
Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 5% còn góp phần tăng ngân sách nhà nước thông qua các khoản thu thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động đang làm việc trong ngành phân bón.
Sáng 18/12 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 28, xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Tại phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/12/2023 vừa qua, xem xét đề nghị bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trong đó có Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Luật Thuế giá trị gia tăng được Quốc hội thông qua năm 2008 và có hiệu lực thi hành năm 2009. Để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, hồ sơ đề nghị xây dựng luật với 5 nhóm chính sách: hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; hoàn thiện quy định về cách tính thuế giá trị gia tăng; hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế giá trị gia tăng; hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào; hoàn thiện các quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng.
Đối với phân bón, dự kiến sẽ đưa vào và luật hóa các nội dung cũng như điều chỉnh thuế suất đối với một số mặt hàng, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, quy định về thuế giá trị gia tăng nằm ở nhiều nghị định khác nhau nên cần rà soát luật hóa tối đa, tránh tình trạng "luật khung, luật ống," nhất là với luật về thuế. Hoàn thuế giá trị gia tăng cũng là vấn đề cần được quan tâm.
Tại phiên họp, với 100% biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, đối với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 như Chính phủ đề nghị.
Nguồn:Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN