Theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nghiêm cấm mọi cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi:
- Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả;
- Hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào;
- Sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước;
- Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam.
Qua quy định này thì việc sao chụp, in hình tiền lên bao lì xì là vi phạm điều cấm trong việc bảo vệ tiền Việt Nam.
Tiền Việt Nam được sử dụng nhằm mục đích lưu thông và thanh toán, không phải để mua bán, trừ tiền mẫu, tiền lưu niệm do Ngân hàng Nhà nước in, thiết kế. Mọi hành vi sử dụng tiền trái với mục đích này đều bị coi là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt.
Theo Khoản 4 Điều 31 Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định:
Phạt tiền từ 40 - 80 triệu đồng đối với hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, người vi phạm còn bị tịch thu, tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện và nộp vào ngân sách Nhà nước số lợi bất chính có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Theo đó, bất cứ tổ chức, cá nhân nào in bao lì xì hình tiền đều có thể bị phạt tới 80 triệu đồng và phải nộp lại số tiền có được từ việc bán những phong bao lì xì này.
Tuy nhiên, thực tế, những mẫu lì xì hình tiền mệnh giá từ 50.000 - 500.000 đồng với thiết kế mới lạ, khác biệt đã và đang thu hút một lượng lớn khách hàng. Nhiều người vẫn bất chấp rao bán một cách công khai, đặc biệt trên thị trường mạng.
Nguồn:VITIC