menu search
Đóng menu
Đóng

Luật Cạnh tranh 2018 thay đổi tiêu chí xác định doanh nghiệp thống lĩnh thị trường

14:52 04/07/2019

Vinanet - Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2018 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2019.

Đáng chú ý, Luật này đã bỏ ngưỡng giới hạn của hành vi tập trung kinh tế. Cụ thể, trước đây quy định cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan; nay, Luật chỉ còn cấm doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.

Đồng thời, Luật cũng quy định khá cụ thể về mức phạt tiền với hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh. Trong đó, mức phạt tiền với hành vi vi phạm về tập trung kinh tế là 5% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan; Mức phạt vi phạm tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh là 02 tỷ đồng; Đối với các hành vi phạm khác, mức phạt tiền là 200 triệu đồng…
Luật Cạnh tranh 2018 có hiệu lực, đã sự thay đổi tiêu chí xác định doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Do đó, doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan.
Có sức mạnh thống lĩnh thị trường đáng kể
Sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp được xác định căn cứ vào một số yếu tố sau đây:
- Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan;
- Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp;
- Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác;
- Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ;
- Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật;
- Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng;
- Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
- Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác;
- Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh.
Thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan
Theo đó, thị trường liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả trong khu vực địa lý cụ thể có các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận (khoản 7 Điều 3 Luật Cạnh tranh)
Thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan.
Trong đó, thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả.
Việc xác định khả năng thay thế cho nhau của sản phẩm phản ánh được mức độ cạnh tranh của các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh của nhau, bởi lẽ, khi đã có thể thay thế cho nhau thì lúc đó các sản phẩm đó đã có chung mục đích là đáp ứng cho một nhu cầu của thị trường.
Thị trường địa lý liên quan là khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hóa, dịch vụ được cung cấp có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận.
Xem chi tiết Luật 23/2018/QH14 tại đây.