Theo đó, kể từ 01/8/2020 thông tư này có hiệu lực, người đang sử dụng xe đến cơ quan quản lý hồ sơ đăng ký xe để làm thủ tục sang tên, ghi rõ quá trình mua bán, giao nhận xe hợp pháp, cam kết về nguồn gốc xuất xứ của xe và nộp giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe; Giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong Giấy chứng nhận đăng ký xe và Giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng (nếu có).
Trường hợp người đang sử dụng xe không có Giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, cơ quan quản lý hồ sơ xe cấp Giấy hẹn có giá trị được sử dụng xe trong thời gian 30 ngày; gửi thông báo cho người đứng tên trong đăng ký xe, niêm yết công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông và tại trụ sở cơ quan.
Sau 30 ngày nếu không tranh chấp, khiếu kiện, cơ quan quản lý hồ sơ xe phải giải quyết đăng ký, cấp biển số (đối với ô tô sang tên trong cùng tỉnh và mô tô cùng điểm đăng ký xe) hoặc cấp Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe cho người đang sử dụng xe để làm thủ tục đăng ký, cấp biển số tại nơi cư trú.
Tại Điều 25 và Điều 26, toàn bộ xe kinh doanh phải đổi sang biển màu vàng (kể cả xe chạy Grab, xe Limousine…) trước ngày 31/12/2021.
Thông tư này quy định, biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen, seri biển số sử dụng lần lượt 01 trong 20 chữ cái sau: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z cấp cho xe hoạt động kinh doanh vận tải.
Thông tư này thay thế Thông tư 15/2014/TT-BCA quy định về đăng ký xe và Thông tư 64/2017/TT-BCA.
Xem chi tiết Thông tư 58/2020/TT-BCA
tại đây.
Nguồn:VITIC