menu search
Đóng menu
Đóng

TLĐ Lao động Việt Nam hướng dẫn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc

15:46 24/09/2019

Vinanet - Công đoàn đề xuất thêm nhiều quyền lợi cho người lao động là nội dung đáng chú ý nêu tại Hướng dẫn số 1360/HD-TLĐ do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành ngày 28/8/2019.
Theo đó, để bảo đảm quyền dân chủ cũng như những quyền lợi khác của người lao động, để thực hiện vai trò, trách nhiệm của công đoàn đặc biệt là công đoàn cơ sở, tổ chức công đoàn đề xuất thêm quyền lợi cho người lao động.
Trong đó, có thể kể đến những đề xuất nổi bật như:
- Người lao động cần được biết tình hình sản xuất kinh doanh của phòng, ban, phân xưởng (nếu cần thiết); kế hoạch đầu tư; điều lệ của doanh nghiệp. Các nội quy, quy chế của doanh nghiệp liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động như: Nội quy lao động; quy chế tuyển dụng, sử dụng lao động, nâng lương, trả lương, trả thưởng, trang bị bảo hộ lao động, quy trình vận hành máy móc, thiết bị, an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ. Chế độ, chính sách cho người lao động, trợ cấp thôi việc, mất việc làm, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề. Tình hình đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp; tình hình tài chính doanh nghiệp, kết quả các cuộc đối thoại, thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Các nghị quyết, kết luận hội nghị, cuộc họp của lãnh đạo có liên quan đến định hướng, giải pháp phát triển doanh nghiệp và quyền, lợi ích của người lao động; các quy định về đơn giá tiền lương theo sản phẩm, tiền chuyên cần, hỗ trợ đi lại, hỗ trợ nuôi con nhỏ, hỗ trợ nhà ở, đóng góp thành lập quỹ trợ giúp khó khăn (nếu có) và các quy định khác phù hợp với tình hình doanh nghiệp.
- Đề xuất cho người lao động được tham gia: Nghị quyết hội nghị người lao động; quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động, xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất và các nội dung khác liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động cần lấy ý kiến; nội dung, hình thức thương lượng thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, ngành; nội dung, hình thức đối thoại tại doanh nghiệp.
- Đề xuất với người sử dụng lao động bổ sung quyền được quyết định của người lao động như: Quyền tham gia các Câu lạc bộ, chương trình tình nguyện, mức đóng các loại quỹ xã hội, từ thiện tại doanh nghiệp, tham quan, nghỉ mát hàng năm...phù hợp với tình hình thực tế tại doanh nghiệp.
- Đối với quyền kiểm tra, giám sát, đề xuất quy định thêm quyền người lao động được giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động, trợ cấp thôi việc, mất việc làm, thực hiện thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, ngành, kết quả thực hiện Nghị quyết của hội nghị người lao động; kết luận của thanh tra, kiểm toán, thực hiện kiến nghị của thanh tra, kiểm toán liên quan đến quyền lợi của người lao động.
Hướng dẫn này có hiệu lực từ ngày 10/9/2019.
Xem chi tiết Hướng dẫn số 1360/HD-TLĐ tại đây.
Nguồn: VITIC