Ngày 1/7/2015 tới đây, hàng loạt Luật mới sẽ bắt đầu có hiệu lực. Trong đó, một số luật mới sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản (BĐS) và doanh nghiệp BĐS như Luật Nhà ở sửa đổi, Luật kinh doanh BĐS sửa đổi, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi)…
Hiệp hội BĐS TPHCM (HOREA) vừa có văn bản góp ý gửi tới Bộ Kế hoạch Đầu tư và các cơ quan quản lý địa phương về việc cụ thể hoá một số điều trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2014.
Theo khoản 5, điều 42 của dự thảo Nghị định "Tiền ký quỹ được nộp vào tài khoản của cơ quan đăng ký đầu tư mở tại ngân hàng thương mại tại Việt Nam theo hình thức tiền gửi không kỳ hạn. Nhà đầu tư chịu chi phí liên quan đến việc mở tài khoản, duy trì tài khoản ký quỹ và thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản ký quỹ hoặc được khấu trừ từ khoản tiền ký quỹ".
HOREA cho rằng quy định này có thể dẫn đến việc cơ quan đăng ký đầu tư cấp tỉnh chỉ chọn một ngân hàng để tất cả các nhà đầu tư trên địa bàn đều phải mở tài khoản ký quỹ tại ngân hàng đó.
Việc này sẽ tạo lợi thế cho ngân hàng được chọn, và có thể không phù hợp với mong muốn của nhà đầu tư muốn mở tài khoản ký quỹ ở ngân hàng mà nhà đầu tư đang giao dịch.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị bổ sung nguyên tắc là nhà đầu tư được quyền tự lựa chọn ngân hàng thương mại để mở tài khoản ký quỹ.
Đồng thời, về vấn đề bảo đảm thực hiện dự án đầu tư, theo nội dung quy định tại khoản 3 điều 42 dự thảo Nghị định thì đối với phần vốn đến 300 tỷ đồng, mức ký quỹ được áp dụng từ 2% đến 3% giá trị phần vốn này; đối với phần vốn trên 300 tỷ đồng trở lên, mức ký quỹ được áp dụng từ 1% đến dưới 2% giá trị phần vốn này.
HOREA đánh giá, quy định như vậy dễ phát sinh tiêu cực, dẫn đến cơ chế xin – cho.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị sửa đổi thành "Đối với phần vốn đến 300 tỷ đồng, mức ký quỹ được áp dụng 3% giá trị phần vốn này; đối với phần vốn từ trên 300 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ được áp dụng 2% giá trị phần vốn này; đối với phần vốn từ trên 1.000 tỷ đồng trở lên, mức ký quỹ được áp dụng 1% giá trị phần vốn này".
Đối với vấn đề khái niệm vốn đầu tư của dự án, HOREA nhất trí với nội dung khái niệm vốn đầu tư tại khoản 13 điều 2 dự thảo, như sau: "Vốn đầu tư của dự án là vốn góp của nhà đầu tư và vốn do nhà đầu tư huy động theo tiến độ để thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại văn bản quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định của nhà đầu tư".
Tuy nhiên, trong khái niệm này lại có từ "vốn góp" có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Do vậy, đề nghị bổ sung khái niệm "vốn góp" vào điều 2 của dự thảo để được hiểu thống nhất.