menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp mong gói tín dụng mới hiệu quả hơn gói 30.000 tỷ đồng

07:50 27/07/2015

Vinanet - Các doanh nghiệp bất động sản đầu tư phân khúc nhà ở xã hội cho rằng nên đưa ra thị trường một gói tín dụng mới hỗ trợ người dân mua nhà phân khúc trung bình và thấp với điều kiện đơn giản hơn như chỉ quy định giá và diện tích căn hộ.
Dừng gói 30.000 tỷ đồng, phân khúc nhà ở xã hội kém hấp dẫn

Chỉ còn 11 tháng nữa là tới tháng 6/2016 - thời điểm sẽ chính thức ngừng triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho người vay mua nhà có thu nhập thấp.

Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng Lê Thành, đơn vị chuyên phát triển các dự án nhà ở xã hội, đang xin cấp phép một dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê lưu trú. Dự án đến cuối năm 2015 mới có thể được cấp phép, đồng nghĩa với việc chỉ còn 6 tháng để được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của gói 30.000 tỷ đồng.

Chia sẻ về việc ngừng gói tín dụng này, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc công ty Lê Thành, cho biết khả năng Công ty không kịp làm thủ tục để được giải ngân là rất cao. "Khi đó chúng tôi buộc phải tiếp cận với các gói vay thương mại với lãi xuất cao hơn, nhưng doanh nghiệp buộc phải chấp nhận điều này, bởi chính sách đã đưa ra thì doanh nghiệp đều phải tuân thủ theo quy định đó".

Ông Nghĩa chia sẻ thêm việc 30.000 tỷ đồng, phân khúc nhà ở xã hội sẽ chịu những tác động rất lớn. "Thực tế, giá nhà ở xã hội bây giờ không thấp hơn giá nhà ở thương mại phân khúc bình dân là bao nhiêu. Ưu điểm duy nhất khiến nhà ở xã hội có lợi thế cạnh tranh là gói 30.000 tỷ đồng, giúp khách hàng có thu nhập thấp được vay mua nhà với lãi xuất ưu đãi".

Khi không còn gói tín dụng hỗ trợ này, việc bán căn hộ các dự án nhà ở xã hội sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi những ràng buộc, giới hạn về tiêu chuẩn khách được mua như chứng minh thu nhập thấp, diện chính sách... Dần dần, khách hàng sẽ lựa chọn nhà ở thương mại với mức giá đắt hơn một ít, ông Nghĩa cho biết.

Mong chờ gói tín dụng mới

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, cho đến đầu tháng 7/2015, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng mới được giải ngân khoảng 30% dành cho người thu nhập thấp bởi các ngân hàng. Cụ thể, số tiền đã được giải ngân là khoảng 10.000 tỷ đồng và tính riêng số tiền để cho vay mua nhà ở thương mại trong đó đã chiếm tới hơn 5.000 tỷ đồng.

Ông Lục Minh Hoàn, Phó Tổng giám đốc CTCP BIC Việt Nam nhận định: "Đến thời điểm 6/2016 cùng lắm chỉ giải ngân được 60% gói tín dụng này, vì thế có lẽ các cơ quan chức năng nên dừng để chuyển sang một gói mới hiệu quả hơn".

Còn theo ông Nguyễn Quý Hưng - Tổng giám đốc CTCP Phát triển Nhà xã hội (HUDVN), việc dừng gói 30.000 tỷ đồng là điều dễ hiểu, bởi đây là một chính sách mang tính chất phục vụ an sinh xã hội nhiều hơn. Sau một thời gian dài triển khai, các bộ ngành liên quan cũng cần có kết quả để báo cáo với Chính phủ.

Nhận định về việc ngừng gói 30.000 tỷ, ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng nên đưa ra thị trường một gói tín dụng mới với chính sách mở rộng hơn, hỗ trợ người dân mua nhà để ở và chỉ quy định giá và diện tích căn hộ.

Ông Nghĩa nhấn mạnh, duy trì gói tín dụng 30.000 tỷ một cách thoi thóp sẽ gây tâm lý không tốt cho doanh nghiệp. Thay đổi bằng một chính sách khác tốt hơn sẽ khiến các doanh nghiệp đầu tư phân khúc nhà ở xã hội cảm thấy được Nhà nước hỗ trợ, sẽ an tâm, tâm huyết để tiếp tục theo đuổi phân khúc này.

"Chúng tôi làm nhà ở xã hội rất hiểu rằng nhu cầu mua nhà của những người có thu nhập trung bình hiện đang cao nhất cả nước. Chính phủ cũng nắm rõ điều này và tôi tin rằng sẽ có những gói hỗ trợ khác hiệu quả hơn", ông Hưng cho biết.

Minh Tú