menu search
Đóng menu
Đóng

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng: Hai năm mới giải ngân được 8.000 tỷ

09:36 04/06/2015

Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết, sau 2 năm triển khai gói tín dụng ưu đãi cho vay mua nhà ở với mức lãi suất không vượt quá 6%/năm, tính đến tháng 5/2015, các ngân hàng đã cam kết cho vay được gần một nửa (hơn 13.000 tỷ đồng) và số tiền giải ngân đến tay người vay mới được gần 8.000 tỷ đồng.
Chỉ còn 1 năm nữa, gói tín dụng ưu đãi sẽ chính thức khép lại (ngày 1/6/2016), câu hỏi đặt ra cho hệ thống ngân hàng là, vì sao đối tượng vay ưu đãi lại bị khống chế thu nhập (từ 9 triệu đồng/tháng) và vì sao cả người bán và người mua nhà đều ủng hộ gói tín dụng, nhưng việc triển khai cho vay lại chậm như vậy.

Trước khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được triển khai, các ngân hàng thương mại đã có bài học “nhãn tiền” về việc triển khai tín dụng ưu đãi từ chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay (4 - 6%/năm) cho các tổ chức cá nhân vay vốn để sản xuất, kinh doanh theo Quyết định 131/QĐ - NHNN ngày 23/1/2009 và Thông tư 02/2009/TT - NHNN ngày 3/2/2009 của Ngân hàng Nhà nước theo gói “kích cầu” của Chính phủ năm 2009. Một số ngân hàng thương mại khi triển khai gói tín dụng ưu đãi này đã cho vay sai đối tượng và bị xử lý khá “nặng tay”. Bài học từ gói tín dụng ưu đãi năm 2009 khiến các ngân hàng tỏ ra hết sức thận trọng trong việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản.

Theo hồ sơ vay vốn của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), người vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng phải đáp ứng gần 10 điều kiện khác nhau, đảm bảo đúng đối tượng cho vay theo quy định tại các thông tư 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 15/5/2013 về việc cho vay hỗ trợ nhà ở và 07/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 15/5/2015 về việc hướng dẫn xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ.

Do điều kiện tham gia gói tín dụng ưu đãi khá dễ dàng, nên để đảm bảo khả năng thu hồi vốn, ngân hàng đã đặt ra các quy định về điều kiện trả nợ khá ngặt nghèo. Đó là khách hàng có đủ vốn tự có để tham gia phương án vay (tối thiểu 20%), có nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định, đảm bảo khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi vay trong thời gian vay vốn (thu nhập bằng hoặc trên 9 triệu đồng/tháng, tùy theo từng ngân hàng)…

Ông Nguyễn Văn Phú, một khách hàng đã vay thành công gói tín dụng 30.000 tỷ đồng từ BIDV để mua nhà ở thương mại giá rẻ tại Dự án Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, thời gian từ khi làm thủ tục đăng ký vay, thẩm định các giấy tờ cần thiết đến khi ngân hàng giải ngân mất khoảng 30 ngày. Việc làm hồ sơ, thủ tục nhận được sự hướng dẫn khá đầy đủ của ngân hàng. “Khách hàng có vay được tiền hay không chủ yếu phụ thuộc vào việc đáp ứng các điều kiện được quy định sẵn trong hồ sơ vay vốn, chứ không có việc ngân hàng cố tình làm khó khách hàng”, ông Phú cho biết.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến tháng 5/2015, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay đến 16.870 khách hàng cá nhân với số tiền 7.999 tỷ đồng và giải ngân cho 16.423 khách hàng với số tiền là 5.211 tỷ đồng. Với các tổ chức, ngân hàng đã cam kết cho vay 38 dự án với tổng số tiền là 5.079 tỷ đồng, đã giải ngân cho 33 dự án với số dư nợ là 1.944 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, mặc dù không đạt được như kỳ vọng song tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng ngày càng được cải thiện.Trong điều kiện số các dự án nhà ở xã hội được triển khai xây dựng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM còn khá hạn chế, dự án nhà ở thương mại có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 hầu như không có, thì việc các ngân hàng đạt số dư nợ gần 8.000 tỷ đồng là kết quả rất khích lệ.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, để đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đã kiến nghị mở rộng đối tượng và kéo dài thời hạn cho vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Theo đó, các đối tượng cán bộ, viên chức, người tham gia trong lực lượng vũ trang không phải chứng minh thu nhập, thời gian trả nợ có thể kéo dài đến 15 năm. Chỉ những người làm việc ở doanh nghiệp, lao động tự do phải chứng minh thu nhập.

“Vướng mắc chủ yếu phát sinh từ những đối tượng này, trong khi đây là đối tượng chủ yếu có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, mở rộng hơn nữa điều kiện vay của gói tín dụng ưu đãi này lại là câu chuyện không dễ, bởi ngân hàng thương mại mới là người chịu trách nhiệm đến cùng về sự an toàn của đồng vốn được giải ngân”, ông Hà nói.