Lo ngại về mùa vụ lúa mì bị thiệt hại nghiêm trọng ở Australia và Argentina sẽ giúp giá hồi phục trở lại
Giá lúa mì mở cửa phiên giao dịch sáng nay chỉ tăng nhẹ nhờ lực mua kĩ thuật ở vùng giá tâm lí 800. Như chúng tôi dự đoán hôm qua, mặc dù thông tin Nga xác nhận thỏa thuận xuất khẩu ở Biển Đen được gia hạn nhưng những lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt vẫn giúp giá lấy lại được hỗ trợ 800. Trong vài phiên tới, khi xuất khẩu ở Biển Đen không còn là tâm điểm của thị trường, trong lúc ảnh hưởng của thời tiết bất lợi tới mùa vụ các nước sản xuất lớn ngày càng nghiêm trọng thì giá lúa mì có thể sẽ hồi phục mạnh trở lại.
Trong báo cáo tuần này về tình hình thời tiết ở Argentina, Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) dự báo sẽ có mưa với lượng vừa phải từ 1cm đến 7.5cm ở phía tây và phía bắc của các vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng, trong khi các vùng phía nam chỉ nhận được mưa dưới 1cm. Tính tới thứ Tư tuần này, 10% diện tích lúa mì tại Argentina đã được thu hoạch. Tuy nhiên, khô hạn kéo dài kể từ đầu tháng 05 cùng với các đợt sương giá muộn xuất hiện vòa đầu xuân đã khiến cho tình trạng cây trồng trở nên tồi tệ hơn. BAGE đã phải hạ dự báo sản lượng lúa mì năm nay của Argentina xuống còn 12.4 triệu tấn, thấp hơn đáng kể so với mức 20.5 triệu tấn ước tính đầu tiên.
Trong khi đó, tại Australia, tình hình mùa vụ cũng đáng lo ngại không kém. Mưa lớn ở phía đông đang đe dọa đến năng suất lúa mì và có thể sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng đến thị trường ngũ cốc thế giới. Theo các nhà phân tích, có tới một triệu tấn lúa mì có thể đã bị thiệt hại do mưa lũ ở New South Wales và Queensland. Lũ lụt đã lan rộng tại Australia ngay khi nước này đang chuẩn bị cho vụ thu hoạch bắt đầu vào tháng 11. Lượng mưa tại các bang trồng lúa mì đang ở mức cao nhất trong 20 năm qua. Những kì vọng ban đầu về mức sản lượng kỉ lục của quốc gia sản xuất lúa mì lớn thế 2 thế giới này đã dần bị xóa đi. Mùa vụ thiệt hại ở 2 nước sản xuất lớn sẽ là yếu tố “bullish” mạnh đối với giá.
Arabica khả năng cao tiếp tục đà giảm do hấp thụ thông tin cơ bản tác động tiêu cực lên giá
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/11, 2 mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều. Arabica nối tiếp đà giảm với phiên giảm thứ 5 liên tiếp, đẩy giá về mức thấp nhất kể từ 05/2021 khi tồn kho đạt chuẩn cho thấy khả năng tiếp tục tăng và Dollar Index tăng nhẹ. Ở chiều ngược lại, Robusta quay đầu khởi sắc khi dự báo có mưa, gây ảnh hưởng đến hoạt động thu hoạch tại Việt Nam.
Sau hơn 2 tuần tăng liên tiếp, tồn kho đạt chuẩn Arabica trên Sở ICE US bất ngờ giảm nhẹ. Tuy nhiên, với gần 600,000 bao đang chờ được phân loại để chuyển về các kho chứa của ICE, đà tăng của tồn kho sẽ sớm được nối lại và vẫn là yếu tố gây áp lực lên giá trong thời gian tới.
Dự báo thời tiết trong 10 ngày tới tại Brazil cho thấy, dù khu vực Đông Nam có khô hơn so với mức bình thường, tại vùng trồng cà phê chính, Minas Gerais vẫn ghi nhận lượng mưa cao hơn mức trung bình 25-50 mm. Đối với cây cà phê đang trong giai đoạn phát triển tại Brazil, việc có mưa và lượng mưa cao hơn mức bình thường là nhân tố rất tốt thúc đẩy sự phát triển của cây trồng. Điều này đưa đến một triển vọng nguồn cung tích cực hơn trong niên vụ tiếp theo, từ đó tiếp tục gây sức ép khiến giá kéo dài đà giảm.
Đồng có thể sẽ giằng co tại vùng kháng cự 3.7 USD/pound trước kỳ vọng không chắc chắn về Trung Quốc
Mặc dù đất nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới Trung Quốc đã có một số nới lỏng nhất định trong biện pháp kiểm soát dịch, hỗ trợ cho giá đồng đạt mức 3.95 USD/pound. Tuy nhiên, việc dần nới lỏng cũng đang khiến số ca nhiễm liên tục gia tăng và điều đó ảnh hưởng tới niềm tin của người tiêu dùng. Giá đồng trong tuần này giảm trở lại chủ yếu do lo ngại dịch bệnh ngày càng lan rộng sẽ làm gián đoạn các hoạt động kinh tế, ảnh hưởng tới nhu cầu kim loại. Nhiều người dân tại quốc gia này cũng chủ động hạn chế đi lại nhằm tránh rủi ro dịch bệnh. Do vậy, một khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, hoạt động kinh tế của Trung Quốc vẫn sẽ khó có động lực phục hồi ngay cả khi các kích thích kinh tế được kích hoạt.
Một mặt, giá đồng sẽ chịu áp lực do dịch bệnh tại Trung Quốc, mặt khác, các nhà đầu tư sẽ đánh giá về những nỗ lực của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Mới đây, một quan chức của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) kêu gọi Trung Quốc nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 5% vào năm 2023 và khẩn trương nâng nền kinh tế khỏi sự suy thoái hiện tại. Đồng thời, PBOC cũng cho rằng tăng trưởng trong năm sau có thể sẽ hơn 5% trong trường hợp thoát khỏi đại dịch trong nửa đầu năm. PBOC cũng cho biết ưu tiên cấp bách hiện nay là đưa tăng trưởng kinh tế trở lại mức bình thường và phạm vi hợp lý. Tuy nhiên, đó vẫn sẽ là một viễn cảnh dài hạn, trong khi trở ngại từ yếu tố dịch bệnh vẫn sẽ hạn chế đà phục hồi của giá đồng trong ngắn hạn.
Giá dầu giảm mạnh trước một loạt các sức ép đến từ thị trường Mỹ và Trung Quốc
Dầu thô phục hồi trong phiên giao dịch sáng nay nhờ lực mua bắt đáy sau khi giá chạm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tuần.
Tuần này, thị trường vẫn chịu áp lực rất lớn từ diễn biến của các tin tức về tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Không có nhiều tiến triển, và các địa phương vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới ngày càng tăng, và hiện đang ở mức trên 22,000 ca, tăng gấp đôi so với tuần trước, đặc biệt tại các thành phố lớn với 19 triệu dân Quảng Châu. Mới đây nhất, nhật báo People’s Daily, được xem là tờ báo hàng đầu của Đảng Cộng sản, đã đưa ra loạt bài khẳng định cam kết của nước này trong việc dập tắt dịch.
Tuy vậy, lực mua đã xuất hiện trong phiên giao dịch cuối tuần, nhờ tâm lý “bắt đáy” sau khi giá dầu chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10. Bên cạnh đó, vẫn luôn có rủi ro thị trường thiếu hụt sản lượng do tác động của lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của châu Âu, cũng như mức cắt giảm sản lượng thực tế của các thành viên OPEC+. Saudi Arabia được cho là đã cắt giảm sản lượng xuất khẩu cho các khách hàng. Bên cạnh đó, Dollar Index đang giảm điều chỉnh, hỗ trợ lực mua cho các nhà đầu tư. Dollar Index giảm khiến cho giá các mặt hàng định giá bằng đồng bạc xanh như năng lượng trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ tiền tệ khác, do đó đây là tín hiệu đáng mừng đối với thị trường.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)