menu search
Đóng menu
Đóng

Hành trình 15 năm: Từ bỡ ngỡ đến thấu hiểu thị trường!

13:57 25/07/2015

Với nhiều tiền đề đã được mở ra, giai đoạn 2015 - 2020, TTCK sẽ tăng tốc, bứt phá và sẽ là kênh dẫn vốn và huy động vốn tốt nhất, giúp DN và nền kinh tế cấu trúc tài chính.
  Từ bỡ ngỡ

Ngày 1/7/1997, tôi nhận nhiệm vụ mới tại Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) với chức danh Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, cũng là vụ chủ trì nghị định đầu tiên về TTCK.

Lúc đó, cùng với những anh, chị như anh Vũ Bằng, chị Liên cùng các anh em khác nghiên cứu tài liệu nước ngoài, dịch thuật và tập làm. Thời gian đầu rất bỡ ngỡ và khó khăn. Mình xuất thân từ ngân hàng qua nên còn lơ mơ về thị trường.

Cũng biết là lĩnh vực chứng khoán không dễ, ai dè bắt tay vào mới thấy khó hơn hình dung ban đầu và cũng mới biết đó là thị trường bậc cao. Nhưng nhờ anh em trong Vụ hỗ trợ cùng các vụ khác, bản nghị định đầu tiên về TTCK đã hoàn thành.

Vụ Phát triển thị trường cũng chắp bút để chuẩn bị mô hình Trung tâm GDCK TP. HCM, dự kiến Trung tâm có bao nhiêu phòng ban, chức năng, nhiệm vụ như thế nào...

Sau đó, để chuẩn bị thành lập Trung tâm, tôi cùng với một số anh chị khác được biệt phái vào công tác tại TP. HCM, tìm kiếm trụ sở và chuẩn bị các điều kiện để khai trương thị trường. Thời gian chuẩn bị kéo dài 2 năm ròng rã.

Chuẩn bị nhân sự, chúng tôi tổ chức tuyển 2 đợt đầu khoảng 80 em. Tiêu chuẩn rất gắt gao về bằng cấp, rồi có cả tiêu chuẩn về chiều cao, hình thức…

Trong điều kiện ngân sách khó khăn, lương thấp, điều kiện làm việc thiếu thốn, không có máy tính, phòng làm việc đơn sơ, nhưng anh em vào làm việc rất phấn khởi.

Chúng tôi cùng nhau xây dựng, chuẩn bị các quy trình, quy chế, từ lưu ký đến niêm yết, giao dịch, quản lý để chuẩn bị cho ngày ra đời thị trường, phiên giao dịch đầu tiên. Mọi việc khó, nhưng mà thích. Nhờ các chuyên gia nước ngoài, chủ yếu từ Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan… đến giảng bài, mọi người cũng hiểu và biết cần phải làm gì, làm như thế nào.

Trước ngày khai trương, một nhiệm vụ quan trọng đặt ra là đi tìm địa điểm để làm trụ sở Trung tâm. Nhiều địa điểm được chọn, cuối cùng đã quyết lấy Tòa nhà Văn phòng Chính phủ ở đường Lê Duẩn. Nhưng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có ý kiến chỉ đạo nên lấy địa điểm 45 - 47 Bến Chương Dương, vốn là toà nhà Thượng nghị viện của chế độ cũ làm trụ sở.

Được sự đồng tình của Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó, chúng tôi đã nhận Tòa nhà ở Bến Chương Dương để bắt tay vào sửa sang, chuẩn bị cơ sở vật chất. Riêng bảng điện tử dùng trong ngày khai trương được các bạn Sở GDCK Đài Loan tặng, bảng đó sử dụng được khoảng 6 năm sau thì thay mới.

Sau nhiều ngày mong đợi, ngày 20/7/2000 đã diễn ra phiên giao dịch đầu tiên của TTCK. Tất cả mọi người đều phấn khởi.

Ông Nguyễn Tấn Dũng khi đó là Phó Thủ tướng vào khai trương thị trường. Đặc biệt, điều tôi nhớ nhất là có khoảng 50 nhà báo nước ngoài đến chứng kiến ngày khai trương đầu tiên.

Họ lấy làm lạ là tại sao một đất nước xã hội chủ nghĩa mà đưa vào hoạt động TTCK. Rất nhiều câu hỏi phỏng vấn xung quanh câu chuyện này và những câu trả lời đã cho họ thêm niềm tin về quyết tâm xây dựng nền kinh tế thị trường tại Việt Nam.

Hiểu thị trường còn ngây ngô!

TTCK đi vào hoạt động, vừa lạ vừa vui, nhưng cũng thấy khó khăn! Lạ vì thị trường cứ tăng điểm ầm ầm. Người mua nhiều, người bán không có. Chỉ số lên nhanh, lên rất nhanh, từ 100 điểm khởi đầu lên hơn 500 điểm, cứ mua vào là lãi. Không chỉ cá nhân tôi, mà cả các lãnh đạo UBCK phải đi "năn nỉ" các DN bán ra bớt để thị trường có thanh khoản.

Sau khi tăng liên tục đến hơn 500 điểm thì thị trường xuống dốc, bước vào một giai đoạn giảm giá mạnh. Nhà đầu tư lần đầu tiên chứng kiến một thị trường giảm giá triền miên và bước vào giai đoạn ì ạch.

Lúc này, UBCK và Trung tâm đã hiểu hơn về TTCK, muốn đẩy nhanh sự phát triển của thị trường, nhưng DN không chịu niêm yết, kể cả các DNNN cổ phần hóa.

Chúng tôi phải đi vận động công ty tư nhân và DN cổ phần hóa lâu đời lên niêm yết. Khi đó, đến gặp DN như đi xin việc. Nhiều đoàn cán bộ của Ủy ban, của Trung tâm được thành lập, chia nhau đăng ký, xin cuộc hẹn với DN… để nói cho họ biết nghĩa vụ và trách nhiệm niêm yết như thế nào.

Lúc đó, các tiêu chuẩn về công bố thông tin còn khá đơn giản, nhưng đa số DN đã quen với môi trường không minh bạch, không cần phải công bố thông tin nên họ rất ngại, sợ bị nhiều người “soi”.

Năm 2014, Trung tâm GDCK TP. HCM có sáng kiến tổ chức Tuần lễ Chứng khoán, triển lãm, mở hội thảo cho DN giao lưu cùng nhà đầu tư, tổ chức đoàn cho nhà đầu tư đi thăm công trình của DN.

Sau nhiều hoạt động, nhà đầu tư và cả DN đã hiểu biết hơn về thị trường. Ngay cả công tác thông tin, phổ cập thị trường cũng được chú ý với mỗi tuần một cuộc họp báo tại Trung tâm.

Các nhà báo viết về chứng khoán cũng ủng hộ, tích cực thông tin về những mặt được, mặt lạc quan và kiến thức thị trường để xã hội hiểu hơn về TTCK.

Cùng với thời gian, đến lúc Chính phủ cũng nhận ra cần phải có một cú huých cho TTCK. Bên cạnh chỉ đạo đẩy mạnh cổ phần hóa, Chính phủ cho giảm thuế với các DN lên niêm yết.

Một sự kiện rất hay là Tổng thống Mỹ Bush đến thăm và làm việc tại Trung tâm GDCK TP. HCM, rồi việc Việt Nam gia nhập WTO… TTCK lại bước vào giai đoạn bùng nổ, các công ty đua nhau lên niêm yết, nhà nhà, người người đầu tư chứng khoán, khiến thị trường từ vài trăm điểm nhảy lên 1.100 điểm vào đầu năm 2007.

Sau đó, thị trường đi xuống mạnh. Nhưng lúc đó, diễn biến tăng giảm không khiến mình quá sốc, bởi hiểu rằng tăng giảm là quy luật của thị trường.

Hầu hết các TTCK trên thế giới đều trải qua các diễn biến này. Tại Đài Loan, có thời kỳ mà Tổng giám đốc Sở GDCK phải đi làm việc bằng taxi vì không có doanh thu.

Tuy nhiên, có một điểm vẫn cần nhắc lại là thời điểm đó, công tác điều hành thị trường có khi dùng mệnh lệnh hành chính. Chẳng hạn, thay đổi biên độ lúc tăng lúc giảm, thậm chí có bàn cả đến chuyện quy định mua bao lâu mới được bán ra.

Bây giờ mới hiểu, lúc đó mình còn non trẻ trong điều hành, mức độ thấu hiểu thị trường còn ngây ngô! Không chỉ ở Trung tâm, mà ở trên UBCK cũng không tránh khỏi điều này.

15 năm chặng đường thấu hiểu

Đến nay, sau 15 năm, thị trường đã ở giai đoạn ổn định, phát triển mang tính bền vững. Nhìn vào những con số cụ thể cho thấy, vai trò của TTCK được khẳng định, trong đó sàn GDCK TP. HCM là nòng cốt của TTCK Việt Nam.

Điều này được thể hiện trên những mặt sau.

Thứ nhất, thị trường tương đương khoảng 30% GDP.

Thứ hai, có nhiều DN lớn, ngân hàng lớn bậc nhất của Việt Nam niêm yết trên HOSE.

Và TTCK cũng đã chứng tỏ với các DN niêm yết là thị trường huy động vốn, từ đó giúp các DN niêm yết có tiềm lực tài chính vững vàng, quy mô lớn so với các DN chưa niêm yết và chưa huy động vốn trên thị trường.

Điều này thể hiện rất rõ trong lĩnh vực ngân hàng, có ngân hàng huy động vốn tăng thêm ít nhất tới 50% vốn điều lệ, cao nhất gấp 6 - 7 lần vốn điều lệ. Các DN vừa và nhỏ thì tăng vốn bình quân gấp đôi. Có DN lớn thì tăng gấp mấy chục lần như VNM, HAG, HSG, KDC…, từ đó mới thấy vai trò rất quan trọng của thị trường.

TTCK Việt Nam được sinh ra và phục vụ cho nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi dần sang nền kinh tế thị trường. Câu chuyện đặt ra là TTCK phải đi trước một bước về mặt thể chế, cơ chế để phục vụ ngược lại cho sự tăng tốc, sự đổi mới, hội nhập cao của nền kinh tế. 

Hiện nay, đáng mừng là tư duy phát triển thị trường, các chiến lược cho sự phát triển của thị trường được Bộ Tài chính, UBCK vạch ra theo hướng tích cực này. Không còn tranh luận “con gà hay quả trứng có trước” mà phải làm đồng thời, thậm chí đi trước. Tức là TTCK phải có sự chuẩn bị để nền khi kinh tế mở ra tới đâu thì thị trường tiếp nhận và phát triển ngay tới đó, không bị động.

Tuy nhiên, nhìn ra xung quanh thấy TTCK của mình còn quá nhỏ bé và mục tiêu đặt ra là TTCK Việt Nam phải lọt vào Top 4 thị trường lớn trong khu vực. HOSE đang chủ trì dự án chuẩn bị các cơ sở vật chất kỹ thuật là hệ thống công nghệ mới, hiện đại tầm cỡ thế giới.

Cộng với tiến trình cổ phần hoá đang được đẩy mạnh với quyết tâm cao của Chính phủ, mặc dù trước mắt chưa tạo được nhiều hàng hóa mới với tỷ lệ sở hữu của Nhà nước còn cao, nhưng về lâu dài sẽ tiếp tục được đại chúng hóa.

Với những tiền đề ấy, giai đoạn 2015 - 2020, TTCK sẽ tăng tốc, bứt phá. TTCK sẽ là kênh dẫn vốn và huy động vốn tốt nhất, giúp DN cấu trúc được tài chính.

Trước mắt, trong điều kiện chưa thể hợp nhất hai Sở GDCK, có lẽ nên cấu trúc hàng hoá để phân định rõ thị trường nào là thị trường cổ phiếu và trái phiếu, cổ phiếu và phái sinh. Mục tiêu để nhà đầu tư nhìn vào thấy sự phân định rõ tại Việt Nam và tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị thuộc sở hữu nhà nước trong cùng lĩnh vực.

Để thị trường phát triển bền vững, rất cần sự thấu hiểu của các bộ, ngành Trung ương đối với TTCK và phải nhìn nhận vai trò TTCK là yếu tố rất quan trọng trong quá trình cấu trúc và phát triển nền kinh tế. Sự phát triển của thị trường còn khó khăn, nếu còn nhiều bộ, ban, ngành hiểu thị trường chưa sâu. Khi chưa hiểu sâu thì cứ để TTCK phát triển tới đâu thì tới, hoặc định hướng phát triển thị trường tiền tệ để làm những nhiệm vụ của TTCK. Mà thị trường tiền tệ đang gánh không nổi!

Kinh nghiệm của rất nhiều nền kinh tế và thực tế hoạt động 15 năm qua của TTCK Việt Nam cho thấy, sự phát triển của TTCK là tất yếu và không còn con đường nào khác để phát triển thị trường tài chính lành mạnh cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh của DN trong nền kinh tế Việt Nam.

Theo TS. Trần Đắc Sinh

Đặc san 15 Năm TTCK - Báo Đầu tư chứng khoán

 

Nguồn:Đầu tư Chứng khoán