Dòng vốn ngoại từ thị trường chứng khoán Trung Quốc liệu có chảy sang Việt Nam?
Đó là câu hỏi mà các nhà đầu tư Việt Nam đặt ra ngay khi những tin tức về sự “náo loạn” của Thị trường chứng khoán Trung Quốc được các phương tiện truyền thông đăng tải.
Tóm tắt lại một chút về thị trường chứng khoán Trung Quốc trong thời gian gần đây, kể từ tháng 11/2014, với kỳ vọng về các biện pháp thúc đẩy kinh tế của Chính phủ, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc đã đi lên không ngừng. Tính trong giai đoạn 12 tháng, Shanghai Composite Index tăng 152% - mạnh nhất trong các chỉ số chứng khoán trên thế giới được Bloomberg theo dõi.
Sau khi đạt đỉnh tại 5.121,6 điểm vào ngày 12/06/2015, chỉ số này đã cắm đầu đi xuống. Tính đến ngày 08/07, Shanghai Composite Index chỉ còn 3.507 điểm, tức giảm gần 32%, trong đó có những phiên chỉ số này sụt gần 8%.
Trong ngày 8/7 này, có khoảng 1.300 công ty niêm yết đã ngừng giao dịch cổ phiếu trên các sàn chứng khoán của Trung Quốc – gấp đôi số lượng của ngày trước đó và tương đương với gần 50% tổng số cổ phiếu đang niêm yết. Điều này đã khiến cho lượng cổ phiếu trị giá 2,6 nghìn tỷ USD bị đóng băng, tương đương 40% tổng mức vốn hóa của thị trường.
Tuy nhiên, ngay sau những biện pháp hỗ trợ dồn dập của các cơ quan quản lý, chỉ số Shanghai Composite phiên 9/7 đã tăng 5,8% và đóng cửa phiên 10/7, chỉ số này tiếp tục tăng 4,7%, đóng cửa đạt 3.877,8 điểm.
Điều quan trọng trong đợt lao dốc này là trong khi NĐT nội náo loạn thì đã có nhiều quỹ đầu tư nước ngoài vẫn tự tin vào TTCK Trung Quốc và cho rằng đây là thời điểm thích hợp để mua vào.
Báo cáo tuần mới nhất của ANZ cho biết, vào ngày 08/07, thị trường mới nổi châu Á đã ghi nhận một lượng vốn ngoại đổ vào giá trị lên tới 11.783 triệu USD trong khi ngày đầu kỳ 01/07, con số vốn đổ vào mới có 4.715 triệu USD. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Tại ngày 8/7 – ngày mà chỉ số Shanghai Composite chỉ còn 3.507 điểm, số vốn đăng ký mà khối ngoại đổ vào thị trường cổ phiếu của Trung Quốc là 12.647 triệu USD – tăng vọt so với con số 4.318 triệu USD của ngày 01/7, tương đương với việc đã có 8.329 triệu USD đổ vào thị trường này trong vòng 1 tuần.
Đáng chú ý, trong 2 tuần mà thị trường chứng khoán Trung Quốc đang trở nên quá nóng ( 27/5 – 3/6 và 3/6 – 10/6), khối ngoại đã bán gần 11.700 triệu USD. Nhưng trong 4 tuần liên tục trở lại đây, khối ngoại đều mua vào liên tục với tổng giá trị là 19.761 triệu USD. Động thái bán ra khi thị trường tăng nóng và mua vào khi thị trường hoảng loạn của khối ngoại tại Trung Quốc khá tương đồng với hành động của khối này tại Việt Nam.
Ngoại trừ thị trường chứng khoán Trung Quốc, dữ liệu về thị trường mới nổi Châu Á cho thấy dòng tiền ra của khối ngoại là 1.264 triệu USD trong khi tuần trước dòng tiền vào là 304 triệu USD.
Trong giai đoạn này, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ghi nhận dòng tiền mua vào liên tục của khối ngoại nhưng giá trị rất thấp. Tổng giá trị mua vào của khối ngoại từ 10/6 – 8/7 trên TTCK Việt Nam là 25 triệu USD. Đây là con số không thấm tháp gì so với 19.761 triệu USD chảy vào TTCK Trung Quốc.
Mới đây, Giám đốc chiến lược thị trường mới nổi toàn cầu Win Thin của Brown Brothers Harriman trả lời trên CNBC cho rằng sau đợt bán tháo chứng khoán Trung Quốc, thị trường Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn, nhưng với mức GDP 171 tỷ USD thì rất khó để Việt Nam có thể thay thế thị trường Trung Quốc.
Theo ông Win Thin, thị trường Việt Nam còn quá nhỏ so với nhà đầu tư quốc tế và hầu như chỉ được so sánh là hiện tượng thị trường chứng khoán Thái Lan thứ 2.
Như vậy, điểm nhấn ở đây chính là thị trường chứng khoán Việt Nam quá nhỏ và chưa có nhiều hàng hóa lớn để hấp dẫn dòng vốn ngoại từ thị trường láng giềng, dù thị trường này rơi vào khủng hoảng.
Có thể thấy rõ hơn sự nhỏ bé của Việt Nam qua số liệu về vốn đăng ký mới cập nhật của khối ngoại trên các thị trường:
Nguồn:Trí thức trẻ