Vinamilk, FPT telecom và Vinare từng nằm trong danh sách những khoản đầu tư mà Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước SCIC sẽ nắm giữ lâu dài khiến cho không ít nhà đầu tư cảm thấy “hụt hẫng”. Tuy nhiên, mới đây của chính phủ đã ra quyết định sẽ thoái vốn nhà nước tại 3 doanh nghiệp trên cùng với 7 khoản đầu tư khác.
Động thái này mở ra cơ hội có một không hai cho nhà đầu tư có thể mua được cổ phần của những doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực hấp dẫn như sữa, viễn thông, bảo hiểm, nhựa xây dựng… Đồng thời cũng là cơ hội để ngân sách có thêm một nguồn thu trị giá ít nhất là 3 tỷ USD.
Với quy mô thoái vốn lớn thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ là những cái tên sáng giá hơn, đặc biệt là trong thương vụ trị giá vài tỷ USD như Vinamilk. Tuy nhiên trong các doanh nghiệp còn lại, với giá trị nắm giữ của SCIC tại mỗi doanh nghiệp chỉ vào khoảng 1.000 tỷ đồng thì cơ hội chia đều cho tất cả các bên.
10 khoản đầu tư SCIC sẽ thoái vốn
Vinamilk hấp dẫn nhưng không dễ bán
45% cổ phần của Vinamilk mà SCIC đang nắm giữ hiện có có giá trị thị trường hơn 57.000 tỷ đồng (gần 2,6 tỷ USD). Sẽ không có gì bất ngờ nếu có những lời đề nghị mua số cổ phần này với giá 3 tỷ USD hoặc cao hơn.
Mặc dù Vinamilk là cổ phiếu rất được nhà đầu tư nước ngoài ưa thích nhưng một thương vụ lớn như vậy đối với doanh nghiệp đứng đầu trong một lĩnh vực quan trọng như sữa thì thương vụ này khó có thể tiến hành trong một sớm một chiều.
Để bán được cổ phần tại Vinamilk, SCIC còn rất nhiều việc phải giải quyết như nới room hay vấn đề doanh nghiệp nước ngoài sẽ chi phối ngành sữa Việt Nam.
Tạm chưa tính đến những vấn đề này, một khi cổ phần Vinamilk được chào bán thì chắc chắn sẽ nhận được rất nhiều đề nghị chào mua. Những cái tên sáng giá nhất sẽ là những những tập đoàn sữa đa quốc gia đang có sự hiện diện đáng kể tại thị trường Việt Nam như Nestle, Mead Johnson, Abbott hay Friesland Campina (Dutch Lady). Các công ty này đều đang có doanh số vài trăm triệu USD mỗi năm tại Việt Nam.
Những cái tên sáng giá trong ngành sữa có thể mua cổ phần của Vinamilk
Việc chi 3 tỷ USD với các tập đoàn này chỉ là chuyện nhỏ khi đây là cơ hội duy nhất để thâm nhập sâu hơn vào một thị trường 90 triệu dân và mức sống ngày một tăng cao.
Trong số các cổ đông hiện hữu của Vinamilk, Fraser & Neave – hiện đang nắm giữ 11% - cũng có thể sẽ là ứng viên sáng giá tham gia mua thêm cổ phần. F&N đầu tư vào Vinamilk từ khi doanh nghiệp cổ này cổ phần hóa và trong năm 2014 đã F&N đã chi thêm 100 triệu USD để gia tăng sở hữu tại Vinamilk.
F&N là một công ty Singapore nhưng lại nằm dưới sự kiểm soát của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi – người đã và đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam với các thương vụ chào mua Metro Việt Nam, Phú Thái Group hay đánh tiếng trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco.
Cơ hội cho các cổ đông lớn
Đối với 9 cổ phiếu còn lại – hiện có tổng giá trị thị trường vào khoảng 9.000 tỷ đồng (400 triệu USD) – thì việc chào bán sẽ không gặp nhiều khó khăn do đây hầu hết đều là những doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả và giá trị bán không quá lớn.
Một yếu tố hấp dẫn nữa là ngoại trừ FPT, tỷ lệ sở hữu của SCIC tại các khoản đầu tư còn lại đều ở mức từ 30-50% cổ phần. Nếu mua được toàn bộ hoặc phần lớn số cổ phần này thì nhà đầu tư hoàn toàn có thể nâng sở hữu lên mức chi phối, đặc biệt là đối với các cổ đông hiện hữu.
Khoản đầu tư có giá trị nhất trong số 9 cổ phiếu còn lại là FPT Telecom. Đây cũng là doanh nghiệp trả cổ tức lớn thứ 2 sau Vinamilk trong danh mục của SCIC.
Hiện tại, SCIC đang sở hữu 50,2% và FPT nắm giữ 44,8% cổ phần doanh nghiệp viễn thông này. Không ai khác ngoài FPT là ứng viên tiềm năng cho việc mua lại số cổ phần này từ SCIC.
Năm ngoái, FPT đã mua thêm lượng lớn cổ phiếu FPT Telecom từ các cổ đông thiểu số với mức giá 52.000 đồng/cp. Tại mức giá này, vốn hóa của FPT Telecom đạt 6.500 tỷ đồng và giá trị lượng cổ phiếu mà SCIC nắm giữ vào khoảng gần 3.300 tỷ đồng.
Theo quyết định của Chính phủ, SCIC cũng sẽ bán 6% cổ phần tại FPT, hiện có trị giá hơn 1.100 tỷ đồng. Giống Vinamilk, FPT rất được nhà đầu tư nước ngoài ưa thích và đã hết room từ lâu.
Nới room sẽ tác động lớn tới tiến trình thoái vốn
Hai doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực nhựa xây dựng là Nhựa Tiền Phong (NTP) và Nhựa Bình Minh (BMP) hiện có chung cổ đông lớn là công ty nhựa Thái Lan Nawaplastic trực thuộc tập đoàn SCG. Giống như tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, SCG đã và đang đầu tư mạnh vào thị trường Việt Nam.
Nawaplastic từng để cập việc nâng tỷ lệ sở hữu lên mức tối đa theo mức pháp luật cho phép và khi SCIC thoái vốn tại BMP và NTP là cơ hội vàng để doanh nghiệp này gia tăng tỷ lệ sở hữu.
Tất nhiên nhà đầu tư trong nước mà cụ thể là các cổ đông nội bộ cũng có ý định gia tăng sở hữu tại 2 doanh nghiệp này. Một thành viên Hội đồng quản trị của Nhựa Tiền Phong đã chi trên 200 tỷ đồng để mua lại cổ phần từ Red River Holding.
Sau một thời gian im ắng, cổ phiếu bảo hiểm thời gian gần đây trở nên sôi động hơn khi một loạt doanh nghiệp tiến hành bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và ngành bảo hiểm đang có cơ hội được nới room ngoại. Bảo hiểm Bưu điện (PTI) mới đây bán 37% cổ phần cho công ty Dongbu của Hàn Quốc với giá hơn 60% so với thị giá.
Trong danh sách bán vốn lần này của SCIC có 2 công ty bảo hiểm là Bảo Minh (sở hữu 50,7%) và Tái bảo hiểm Quốc gia – Vinare (sở hữu 40,4%). Đây là 2 công ty hàng đầu trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, Vinare thậm chí còn là doanh nghiệp nội duy nhất hoạt động trong mảng tái bảo hiểm.
Sẽ không khó để tìm được những tập đoàn bảo hiểm sẵn sàng trả mức giá cao hơn nhiều so với thị giá để mua cổ phần của 2 công ty này.
Những cổ đông chiến lược hiện hữu sẽ có nhiều lợi thế hơn nếu muốn gia tăng sở hữu: hiện hãng tái bảo hiểm Thụy Sĩ Swiss Re đang nắm giữ 25% của Vinare. Tại Bảo Minh, tập đoàn bảo hiểm Pháp AXA Group đang sở hữu 17% và gần đây có thêm sự xuất hiện của tập đoàn tài chính Hongkong Chavalier, nắm giữ 6%. Bên cạnh đó, các tập đoàn tài chính - bảo hiểm Nhật Bản là những cái tên không thể bỏ qua.
Theo Kiến Khang
Trí thức trẻ
Nguồn:Trí Thức Trẻ