Sau 15 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam dù đã có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng quy mô vốn hóa chỉ bằng 32% GDP, nếu tính cả thị trường trái phiếu thì mới đạt 54% GDP.
Quy mô này được đánh giá là còn nhỏ so với các nước trong khu vực và những thị trường lâu đời trên thế giới. Chính vì vậy, việc đưa quy mô vốn hóa thị trường bằng 100% GDP vào năm 2020 được xem là mục tiêu quan trọng nhất của cơ quản quản lý và vận hành thị trường.
Xoay quanh câu chuyện về 15 năm phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam và những mục tiêu phát triển thị trường trong thời gian tới, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE).
- Thưa ông, là một trong những người tham gia vận hành thị trường chứng khoán Việt Nam từ những ngày đầu tiên, ông cảm nhận thế nào về thị trường sau 15 năm?
Ông Trần Đắc Sinh: Thị trường chứng khoán Việt Nam khai trương vào ngày 20/7/2000, và cũng là thời điểm khai trương Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh - thị trường chứng khoán tập trung đầu tiên của Việt Nam được khai trương tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ một thị trường rất nhỏ bé, gần như không có gì và thiếu hiểu biết, sau 15 năm vận hành, chúng ta đã có một thị trường đáng tự hào.
Từ một thị trường bắt đầu với hai cổ phiếu đến bây giờ chúng ta đã có gần 600-700 cổ phiếu niêm yết. Thị trường chứng khoán đã có giá trị vốn hóa gần 1,2 triệu tỷ đồng, tức là gần 60 tỷ USD, chưa kể thị trường trái phiếu.
Trong 15 năm qua, sự vận hành và hoạt động của thị trường đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Quốc hội và chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính cũng như của Ủy ban chứng khoán Nhà nước và sự hỗ trợ hết sức tích cực của thường trực Thành ủy Ủy ban Nhân dân thành phố, HOSE đã thay đổi diện mạo kể cả về chất và về lượng, từ hình thức và cả nội dung.
HOSE hiện nay đã chiếm 88% giá trị vốn hóa niêm yết trên thị trường chứng khoán cả nước; giá trị giao dịch bình quân hàng ngày khoảng 2.100 tỷ đồng và chiếm trên 70% của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung các doanh nghiệp lớn của cả nước và cũng đều tập trung niêm yết tại HOSE.
Về các định chế, đến giờ chúng ta có hơn 80 công ty chứng khoán và gần 1,5 triệu tài khoản, gần 20.000 tài khoản nhà đầu tư nước ngoài. Chúng ta đã có gần 40 công ty quản lý quỹ, đó là các định chế đầu tư trung gian. So với các nước ASEAN chưa bằng nhưng đó là những tiền đề để trong thời gian sắp tới, đặc biệt đến năm 2020, chúng ta vươn lên bằng một số nước như Philippines hay Thái Lan.
Về cơ sở vật chất, Việt Nam đã có một cơ sở vật chất ngang tầm thế giới từ khu làm việc cho đến hệ thống công nghệ, hệ thống phụ trợ cho công nghệ bởi nói đến thị trường chứng khoán là nói về công nghệ, cơ sở vật chất.
Hiện nay, được Chính phủ cấp tiền và HOSE cũng đầu tư một phần, gói công nghệ gần 40 triệu USD sẽ được hoàn thành trong năm 2016. Với việc đầu tư này, chúng ta sẽ có hệ thống công nghệ lớn nhất, hiện đại nhất Đông Nam Á tích hợp cho cả thị trường cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh và kể cả đăng ký lưu ký, thanh toán bù trừ. Chúng tôi sẽ xây một trung tâm dự phòng lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á.
Trong 15 năm qua, thị trường chứng khoán hoạt động ngày càng minh bạch, hiệu quả, không có những cú sốc lớn trên thị trường phải đóng cửa, ngừng giao dịch như một số nước xung quanh. Việt Nam đang xây dựng một chuẩn mực quản trị công ty tốt nhất, tiếp cận với những thông lệ tốt nhất của thế giới trong việc điều hành thị trường chứng khoán.
Vấn đề giám sát, theo dõi thị trường để hỗ trợ cho nhà đầu tư an tâm khi đầu tư vào thị trường chứng khoán phải đảm bảo thông tin chuẩn xác; phải chống lại và hạn chế càng nhiều càng tốt các hành vi thao túng, nội gián. Chúng tôi có một slogan: “Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh là niềm tin của nhà đầu tư.”
Chúng tôi cũng có hợp tác với các Sở, các tổ chức tài chính lớn của 20 thị trường trên thế giới trong đó có bốn thị trường của G7. Đấy là một điều kiện để Sở gửi cán bộ, nhân viên của Sở đi học tập để từ đó điều chỉnh điều hành thị trường theo thông lệ quốc tế.
Trong thị trường chứng khoán ASEAN, chúng tôi còn là thành viên sáng lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. HOSE cũng là thành viên chính thức của Hiệp hội các Sở châu Á-châu Đại Dương và là thành viên của WFI.
- Sau 15 năm vận hành thị trường, đâu là điểm mốc đáng nhớ của Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh thưa ông?
Ông Trần Đắc Sinh: Trong suốt 15 năm qua, thị trường luôn luôn có những cái mới, biến động. Là người vận hành thị trường chứng khoán từ những ngày đầu, tôi thấy có những điểm mốc đáng nhớ.
Điểm mốc đầu tiên là khai trương thị trường chứng khoán Việt Nam, khi đó có người đặt vấn đề là “tại sao một đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà lại có thị trường chứng khoán." Chúng ta thấy rằng thị trường chứng khoán là kênh để huy động vốn, phát triển nền kinh tế. Đó là một điểm mà chúng tôi rất tâm đắc.
Dấu mốc nữa với HOSE là ngày 8/8/2007, Chính phủ đã quyết định chuyển mô hình trung tâm giao dịch chứng khoán thành Sở giao dịch chứng khoán theo thông lệ và chuẩn mực của quốc tế.
Qua 15 năm hoạt động, đội ngũ nhân viên của chúng tôi rất gắn bó và có sự trưởng thành rất lớn. Các tổ chức quốc tế đa phương như WB, IDB, IMF hay các hiệp hội, tổ chức chứng khoán thế giới đều đánh giá rất cao đội ngũ nhân viên của chúng tôi.
- Trong thời gian tới đây, lãnh đạo HOSE sẽ đưa ra những định hướng phát triển thế nào cho Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh thưa ông?
Ông Trần Đắc Sinh: 15 năm qua, chúng ta cũng đã làm được quá nhiều việc, đã làm việc không biết mệt mỏi để xây dựng thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô. Với việc nền kinh tế của chúng ta đang chuyển theo nền kinh tế thị trường thì thị trường chứng khoán của chúng ta cần phải lớn mạnh để đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế, huy động vốn cho nền kinh tế.
Định hướng sắp tới của chúng tôi là đến năm 2020 phấn đấu thị trường vốn hóa bằng 100% GDP, với điều kiện hiện nay của thị trường, nếu chúng ta làm quyết liệt thì sẽ đạt được mục tiêu đó. Đây là mục tiêu lớn nhất trong hàng loạt các mục tiêu khác.
- Theo đánh giá của ông, triển vọng tới đây của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ như thế nào thưa ông?
Ông Trần Đắc Sinh: Chúng ta đang bước vào một giai đoạn hết sức mới, đó là vấn đề hội nhập, mở cửa, vấn đề khẳng định nền kinh tế Việt Nam đi theo kinh tế thị trường. Bởi thế, thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung, của HOSE nói riêng rất có triển vọng phát triển.
Gần đây nhất, chúng ta có Nghị định 60 của Chính phủ để mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một điều kiện, khung pháp lý rất tốt để chúng ta thực hiện sự phát triển của thị trường vốn, thị trường chứng khoán.
Gần đây, chúng tôi cùng với đoàn của Bộ trưởng Bộ Tài chính và với một số thành viên Chính phủ xúc tiến đầu tư tại New York, Hoa Kỳ. Rất đông các nhà đầu tư, rất nhiều tỷ phú tham dự diễn đàn xúc tiến đầu tư này và bày tỏ mong muốn đầu tư vào Việt Nam.
-Thưa ông, đến thời điểm này chúng ta đã có hai cuộc xúc tiến đầu tư là ở Nhật Bản và gần đây nhất là ở Hoa Kỳ. Cuộc xúc tiến ở Nhật Bản cũng được đánh giá là có những thành công nhất định. Vậy ông kỳ vọng thế nào ở cuộc xúc tiến vừa rồi tại Hoa Kỳ?
Ông Trần Đắc Sinh: Hiện nay, Chính phủ đã có chương trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước và cổ phần hóa rất quyết liệt, táo bạo. Hành động này cũng phù hợp với tiến trình xúc tiến đầu tư và mở room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài không bao giờ nghĩ rằng chúng ta sẽ có những công ty của Nhà nước bán 100% vốn, cũng như Nhà nước sẽ giao quyền cho hội đồng quản trị của công ty đó quyết định mở room bán cho các doanh nghiệp nước ngoài là bao nhiêu.
Không chỉ xúc tiến ở Nhật Bản, Hoa Kỳ mà tôi nghĩ rằng chúng ta cần xúc tiến tại một số địa bàn khác để có thể thông tin rõ ràng hơn với các nhà đầu tư nhằm thu hút dòng vốn hay là vốn đầu tư gián tiếp vào giúp các doanh nghiệp thay đổi được vấn đề quản trị công ty, thay đổi về công nghệ và diện mạo cũng như nguồn lực./.
- Xin cảm ơn ông!/.
Nguồn:TTXVN/Vietnam+