menu search
Đóng menu
Đóng

Quỹ AFC Vietnam Fund sẽ đầu tư vào ngành nào của Việt Nam?

22:39 22/09/2015

Đánh giá tổng quan, chuyên viên phân tích đầu tư cao cấp của AFC có một cái nhìn tích cực về các công ty trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, xây dựng, ô tô, dệt may và các công ty có phân khúc khách hàng nhất định (như văn phòng phẩm, chất tẩy rửa và các sản phẩm phòng ngủ).

Ruchir Desai - chuyên viên phân tích đầu tư cao cấp của công ty quản lý quỹ Asia Frontier Capital (AFC) có trụ sở tại Hồng Kông vừa có chuyến thực địa Việt Nam để tìm ý tưởng đầu tư mới và nhận thấy các yếu tố nền tảng của môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, đặc biệt là cơ sở hạ tầng như đường giao thông. 

Sau khi tiếp xúc với 24 công ty tại Hà Nội, TPHCM ông cho biết rất lạc quan với triển vọng của các công ty tiêu dùng nhanh, xây dựng, vật liệu xây dựng, dệt may và công nghiệp.

AFC là công ty quản lý quỹ đầu tư AFC Vietnam Fund với quy mô khi thành lập năm 2013 khoảng 50 triệu USD. Một trong những cổ đông và nhà sáng lập của AFC là nhà đầu tư lão luyện Marc Faber, người có nhiều kinh nghiệm đầu tư vào các thị trường biên và thị trường mới nổi. Theo những thông tin được công bố thì AFC Vietnam Fund đã đầu tư và trở thành cổ đông lớn của 6 cổ phiếu penny như SMT, CKV, TTC… với tổng giá trị đạt 25 tỷ đồng.

Ruchir Desai  cho biết đây là lần thứ hai ông đến Việt Nam trong năm nay với nhiệm vụ gặp gỡ các công ty mới cũng như giữ liên lạc với các công ty mà AFC hiện đang đầu tư vào. Gặp gỡ thực tế các công ty sẽ giúp quỹ đầu tư hiểu hơn về các hoạt động bên trong của doanh nghiệp, tạo cơ hội tốt để có cảm giác cho công tác quản lý và xem xét liệu có yếu tố nào khác tác động tới công ty mà những con số công bố đã bỏ lỡ.

Các cuộc gặp tại Hà Nội gồm có các công ty trong lĩnh vực ngân hàng, xe thương mại, dệt may, vận chuyển hàng hóa, bất động sản và công nghiệp xây dựng. Tại Thanh Hoá, Desai gặp gỡ một công ty xi măng mà quỹ đã đầu tư vào để tìm hiểu sâu hơn hoạt động của nó bao gồm cả kiểm tra mỏ đá vôi cách đó vài cây số. “Công ty này có một vị thế rất tốt ở miền Bắc và Trung Việt Nam”, ông nói.

Ông đánh giá cao về sự cải thiện hệ thống giao thông tại Việt Nam khi cho biết: “Có một điều mà tôi đã chú ý từ chuyến đi trước là chất lượng đường sá đã được cải thiện đáng kể. Một đường cao tốc mới đã được xây dựng từ sân bay Nội Bài đến thành phố Hà Nội và thậm chí một số đoạn từ Hà Nội đến Thanh Hóa cũng là những con đường cao tốc mới xây dựng.”

Desai cho biết rất muốn gặp một công ty trong lĩnh vực ôtô vì doanh số ôtô tại Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng kể từ đầu năm.

“Cả doanh thu xe khách và xe thương mại đều tăng lên đáng kể trong 6 tháng qua và điều này là một chỉ báo tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Một phần của sự gia tăng doanh số xe thương mại là do các quy định giới hạn tải trọng xe tải thay đổi đã làm tăng doanh số xe tải. Tuy nhiên, mức độ sử dụng xe khách và xe thương mại ở Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với một số nước ASEAN", ông nhận định.

Tại TPHCM, Desai làm việc với các công ty trong lĩnh vực dệt may, vận tải, xây dựng, cơ sở hạ tầng, ngân hàng, thủy sản và tiêu dùng. Hai công ty dệt may mà ông đã gặp (một công ty sản xuất quần áo và sợi, một công ty sản xuất sợi polyester) nhận định khá lạc quan về lợi ích của TPP vì điều này sẽ dẫn đến tăng đầu tư vào ngành công nghiệp dệt may Việt Nam do lợi ích miễn thuế vào các thị trường lớn như Mỹ và Nhật Bản…

Đánh giá tổng quan, chuyên viên phân tích đầu tư cao cấp của AFC có một cái nhìn tích cực về các công ty trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, xây dựng, ô tô, dệt may và các công ty có phân khúc khách hàng nhất định (như văn phòng phẩm, chất tẩy rửa và các sản phẩm phòng ngủ).

Các phản hồi từ các công ty cung cấp vật liệu xây dựng đã cho thấy nhu cầu tăng và các công ty có liên quan đến xây dựng, bất động sản sở hữu hệ thống bán hàng mạnh.

Đội ngũ quản lý lạc quan hơn về doanh nghiệp của họ và điều này được phản ánh trong các số liệu vĩ mô công bố trong tháng này cho thấy tăng trưởng GDP và số liệu sản xuất công nghiệp tốt hơn so với những năm trước đó.

Các vấn đề liên quan đến ngành ngân hàng đang giảm dần và có khả năng Việt Nam sẽ có xu hướng tăng trưởng cơ cấu trong vài năm tới, đây vốn là dấu hiệu tích cực đối với hầu hết các ngành.

Theo Hải Long

Trí Thức Trẻ

Nguồn:Trí Thức Trẻ