menu search
Đóng menu
Đóng

Tính đến 30/6, dư nợ margin tại 12 CTCK lớn lên tới 13.870 tỷ đồng

09:36 23/07/2015

Kết thúc quý 2/2015, với việc giá trị giao dịch toàn thị trường tăng 12% so với quý 2/2014, CTCK đứng đầu về quy mô cho vay margin trên thị trường cũng đã tiếp tục tăng quy mô cho vay so với đầu quý.

Theo thống kê của CafeF, tính đến ngày 30/06/2015, 12 công ty chứng khoán này đã cung cấp 13.871 tỷ đồng cho vay margin cho thị trường – tăng 1.169 tỷ so với đầu quý 1/2015 và tăng gần 2.300 tỷ so với đầu năm 2015. Và đã có tới 9/12 công ty đang có dư nợ cho vay margin trên 1.000 tỷ đồng.

Đứng đầu về quy mô cho vay margin vẫn là CTCP Chứng khoán Sài Gòn (mã: SSI) với dư nợ 2.141 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây lại là một trong số ít 4 công ty chứng khoán giảm quy mô cho vay so với đầu quý. Chứng khoán ACB (mã: ACBS) là công ty giảm cho vay nhiều nhất, tính đến cuối quý chỉ còn 1.137 tỷ - giảm 137 tỷ so với đầu quý.

Trong khi đó, không giống như quý 1, CTCP Chứng khoán Hồ Chí Minh (mã HCM) đã tăng dư nợ cho vay margin thêm 280 tỷ đồng so với đầu quý và tăng 72 tỷ đồng so với đầu năm. Mặc dù tăng cho vay margin nhưng công ty chứng khoán này lại có kết quả kinh doanh sụt giảm tại mảng môi giới và doanh thu khác. Doanh thu môi giới của HSC giảm nhẹ so với cùng kỳ còn 63,7 tỷ đồng và doanh thu khác giảm 19% còn gần 61 tỷ đồng.

Có vẻ việc giảm lãi suất cho vay margin trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các công ty chứng khoán khác đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của HSC.

4 công ty chứng khoán cũng đã tăng dư nợ cho vay margin rất cao là Chứng khoán Vndirect (mã VND) – tăng thêm 278 tỷ so với đầu quý và tăng 795 tỷ so với đầu năm, chứng khoán Bản Việt (mã VCSC) – tăng 251 tỷ so với đầu quý và tăng 301 tỷ so với đầu năm, chứng khoán MB (mã MBS) – tăng 248 tỷ so với đầu quý và tăng 292 tỷ so với đầu năm, chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (mã SHS) – tăng 132 tỷ so với đầu quý và tăng 604 tỷ so với đầu năm.

Đây đều là các công ty chứng khoán đặt mục tiêu cao trong mảng môi giới.

Cụ thể, chứng khoản Bản Việt đã đặt kế hoạch doanh thu 2015 với 40% đến từ môi giới và thực tế trong quý 2, VCSC đã ghi nhận sự tăng trưởng đột biến trong mảng này với doanh thu môi giới tăng tới 142% từ 71 tỷ đồng lên 172 tỷ đồng. Thị phần môi giới của VCSC trên HOSE đã tăng từ 5,14% trong quý 2/2014 lên 7,99% trong quý này, còn trên HNX, VCSC lọt vào top 10 với thị phần gần 4%.

VNDirect đặt mục tiêu tăng trưởng thị phần năm 2015 là 6,5% và số lượng môi giới sẽ tiếp tục tăng lên đến 500 nhân viên. Tương tự, MBS đặt mục tiêu chiếm lĩnh 6,5% thị phần môi giới và lọt vào Top 5 các công ty chứng khoán có thị phần môi giới và doanh thu tư vấn cao nhất toàn thị trường.

SHS trong cuộc chạy đua về môi giới, cũng đã tung ra các gói cho vay margin có quy mô cao với lãi suất rất cạnh tranh. Theo đó, doanh thu môi giới của SHS tăng vọt từ 13 tỷ lên hơn 30 tỷ. Điều này không chỉ diễn ra trong quý 2/2015 mà đã diễn ra từ các quý trước.

Mặc dù con số cho vay margin tại thời điểm 30/06/2015 theo thống kê sơ bộ như trên không phải là con số nhỏ và đáng nói hơn là ghi nhận sự tăng lên sau mỗi quý, nhưng theo những người trong ngành, thông thường đến cuối quý, các công ty chứng khoán thường tất toán hồ sơ cho vay, chốt số liệu margin theo mục đích riêng và sau ngày chốt số liệu lập báo cáo tài chính sẽ giải ngân trở lại. Do đó, con số margin này thậm chí chưa phải là lượng vốn thực tế mà các công ty cung cấp ra thị trường.

Nguồn:Trí thức trẻ