Công ty TNHH chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam Việt Nam (VCBS) vừa công bố "Báo cáo triển vọng 6 tháng cuối năm 2015".
6 tháng cuối năm: Kỳ vọng vào kịch bản tăng trưởng khá của thị trường
Giai đoạn 6 tháng cuối năm, VCBS kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng khá với tiền đề là sự hỗ trợ từ phía chính sách, các hiệp định thương mại đi vào lộ trình áp dụng triển khai ổn định và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có sự phân hóa ngày càng rõ nét.
Về phía chính sách, Nghị định 60/2015/NĐ-CP, với trọng tâm là các quy định về nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các công ty đại chúng không thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật về đầu tư, pháp luật liên quan có quy định giới hạn, được xem như cú hích rất lớn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là trong trung và dài hạn. Thanh khoản của thị trường chắc chắn sẽ được cải thiện trong tương lai khi dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài có sức lan tỏa lớn đến tâm lý và dòng tiền của khối nội.
Bên cạnh NĐ 60, Chính phủ đang tăng cường triển khai thêm các tiện ích cho thị trường chứng khoán như rút ngắn thời gian giao dịch, đẩy nhanh sản phẩm phái sinh,… Những biện pháp này góp phần gia tăng hàng hóa cho thị trường, tăng cường quản trị rủi ro cho nhà đầu tư và hướng tới thông lệ quốc tế; từ đó thêm thu hút với các nhà đầu tư nước ngoài có ý định cân nhắc thị trường Việt Nam làm điểm đến trong thời gian tới.
Về phía các hiệp định thương mại tự do, ngoài hai Hiệp định giữa Việt Nam – Hàn Quốc (KVFTA) và Việt Nam – EU (EVFTA) vừa được ký kết trong Q2, VCBS kỳ vọng Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đi vào hồi kết vào cuối năm nay, đầu năm sau (hoặc sẽ bị trì hoãn thêm rất lâu nữa nếu chưa thể hiện thực hóa vào thời điểm kể trên).
Về các sự kiện khác của kinh tế thế giới, VCBS lo ngại về vấn đề Hy Lạp, nguy cơ bong bóng tài chính tại Trung Quốc và lộ trình tăng lãi suất của FED. Theo đó, đây là những rủi ro bên ngoài mà khối ngoại có thể cân nhắc khá nhiều khi quyết định có đầu tư vào thị trường Việt Nam hay không và đầu tư với mức độ nhiều hay ít.
Tuy nhiên, về tổng quan, chứng khoán Vietcombank đánh giá, các yếu tố nội lực của thị trường sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn hơn tới việc ra quyết định của cả nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước. Do vậy, VCBS duy trì nhận định rằng, 6 tháng cuối năm sẽ là khoảng thời gian thị trường giao dịch sôi động và giữ xu hướng tăng trưởng làm chủ đạo với các cơ sở vững chắc trên đây.
P/E của Việt Nam dù cao hơn so với cuối năm 2014, cho thấy sức hấp dẫn giảm bớt, nhưng vẫn thấp nhất trong khu vực
So với thời điểm cuối Q1, chỉ số P/E của thị trường Việt Nam (sàn HSX) vào cuối Q2 đã tăng nhẹ trở lại sau khi liên tục giảm kể từ T8/2014 đến nay. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, P/E của Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất, chỉ ra sức hấp dẫn tương đối của các cổ phiếu niêm yết trên thị trường.
Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong hai quốc gia (cùng với Thái Lan) ghi nhận P/E hồi phục trong khi các quốc gia còn lại trong khu vực đang chứng kiến chỉ số này đi xuống. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh thông số P (giá – hay điểm số) tăng trưởng trở lại sau một thời gian dài liên tục đi ngang và điều chỉnh. Xét về nội tại, các biện pháp kích thích dòng vốn kịp thời của Chính phủ Việt Nam (mà cụ thể ở đây là NĐ 60) đang tỏ ra có hiệu quả và sẽ còn phát huy được tác dụng tích cực trong dài hạn. Theo đó, VCBS kỳ vọng rằng chỉ số P/E của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên trong 6 tháng cuối năm.
Cổ phiếu Ngân hàng, Xuất khẩu và “Kín room” có thể trở thành điểm đến trong 6 tháng cuối năm 2015
Song song với ngành Ngân hàng, chứng khoán Vietcombank đặt kỳ vọng vào các cổ phiếu đang “hết room”, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Theo Luật Đầu tư, có hơn 260 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và hiện tại cũng chư có văn bản hay Thông tư hướng dẫn cụ thể việc áp dụng Nghị định 60, tuy nhiên VCBS kỳ vọng không phải tất cả những ngành nghề này sẽ bị hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Các công ty hoạt động đơn ngành, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực vốn đã nhận được khá nhiều độ mở từ phía chính sách trước đó, như Công nghệ, Chứng khoán, Sản xuất, Hàng tiêu dùng, Xây dựng, …, có thể sẽ là đối tượng nhận được tác động tích cực từ việc nới room ngoại. Trong khi đó, các công ty thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và có nhiều ràng buộc như Ngân hàng hoặc liên quan đến An ninh quốc phòng và Tài nguyên quốc gia (Điện, Khoáng sản, Viễn thông, Cảng biển, Dược, Lương thực, …) nhiều khả năng sẽ vẫn bị giới hạn.
Bên cạnh đó, với các hiệp định thương mại tự do được ký kết giữa Việt Nam và các quốc gia/khu vực lớn trên thế giới trong thời gian qua, cũng như Hiệp định TPP trong thời gian tới đây, VCBS cho rằng, các doanh nghiệp Xuất khẩu thuộc các ngành nghề như Dệt may, Thủy sản, Thực phẩm, Linh kiện điện tử, … cũng sẽ có những khởi sắc trong kết quả kinh doanh và hấp dẫn dòng vốn trong và ngoài nước.
Dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ hoạt động mạnh trong 6 tháng cuối năm 2015 và nhiều khả năng tạm chững gần thời điểm FED nâng lãi suất
Với các yếu tố nội tại của thị trường chứng khoán Việt Nam, VCBS kỳ vọng rằng dòng vốn ngoại vẫn sẽ đánh giá cao các cổ phiếu trên sàn. Tuy nhiên, các rủi ro là rào cản cho quyết định giải ngân nhiều hay ít vào thị trường vẫn sẽ là:
(1) Lộ trình nâng lãi suất của FED trong năm 2015. Mặc dù cam kết sẽ nâng từ từ và tránh gây sốc cho thị trường, chúng tôi cho rằng khi thời điểm này diễn ra sẽ khiến cho dòng vốn ngoại có động thái tạm rút về nước để cân nhắc lại về các chi phí và rủi ro tại các thị trường mới nổi.
(2) Nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc và nhiều khả năng sẽ tiếp tục suy yếu trong 6 tháng cuối năm 2015. Những bong bóng tài chính, đổ vỡ bước đầu của thị trường Bất động sản và thị trường chứng khoán đã bắt đầu diễn ra trong thời điểm cuối Q2 và có thể cần nhiều thời gian để vực dậy. Theo đó, những ảnh hưởng tiêu cực từ quốc gia mới nổi điển hình này đến thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cũng sẽ là một trong những yếu tố khối ngoại cân nhắc đến.
(3) Mặc dù ECB liên tục nới lỏng kích thích kinh tế, những vấn đề hệ lụy đằng sau nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp khiến cho nhiều quốc gia trong khu vực này chịu ảnh hưởng tiêu cực và do đó, nền kinh tế của EU18 cũng chưa thể sớm khởi sắc và có bước đột phá lớn.
Tuy nhiên, về tổng thể, VCBS đánh giá cao về nội tại của thị trường chứng khoán Việt Nam kết hợp với mặt bằng lãi suất duy trì thấp của nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là nền tảng quan trọng để khối ngoại tiếp tục ra quyết định giải ngân trong thời gian 6 tháng cuối năm.
Theo VCBS