Phiên giao dịch sáng 13/9
Việc xây dựng quy chế giao dịch mới, trong đó chia nhỏ bước giá và nâng lệnh đặt mua, bán tối đa lên tới 500.000 đơn vị được kỳ vọng sẽ giúp thị trường tăng thanh khoản, nhưng điều này chưa xảy ra trong 2 phiên đầu áp dụng. Đáng chú ý, thị trường gần đây luôn chịu sức ép rất lớn từ khối ngoại, đặc biệt là tại VNM.
Từ ngày 12/9, HOSE chia nhỏ đơn vị yết giá: 10 đồng đối với cổ phiếu có thị giá dưới 10.000 đồng, 50 đồng đối với cổ phiếu có thị giá từ 10.000 - 49.950 đồng và 100 đồng đối với cổ phiếu có thị giá từ 50.000 đồng trở lên. Đồng thời, hà đầu tư được phép đặt lệnh mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tối đa 500.000 đơn vị/lệnh đối với giao dịch khớp lệnh, thay vì mức tối đa trước đó là 19.990 đơn vị.
Động thái này nhằm giúp tăng tính hấp dẫn cho thị trường, giúp cung cầu dễ gặp nhau hơn, qua đó tăng tính thanh khoản. Tuy nhiên, diễn biến trong 2 phiên giao dịch đầu tiên áp dụng quy chế mới cho thấy, vẫn chưa thể kích hoạt được dòng tiền và thanh khoản của thị trường chưa được cải thiện, thậm chí thanh khoản trong phiên đầu tiên áp dụng quy chế mới còn thấp hơn lượng giao dịch bình quân của 1 tháng vừa qua. Sự khác biệt dễ nhận thấy trong 2 phiên giao dịch đầu áp dụng quy chế mới chính là sự lạ mắt với các mức giá có số lẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCK Tân Việt (TVSI), điều mà nhà đầu tư quan tâm chờ đợi nhất là giao dịch trong ngày, vì nghiệp vụ này sẽ giúp thị trường tăng tính thanh khoản và giao dịch trên thị trường trở nên cân bằng hơn.
Trong phiên đầu tuần, thị trường đã có phiên giảm mạnh và lý do được đưa ra là do ảnh hưởng tâm lý bởi đà bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu trong phiên cuối tuần trước, cũng như chứng khoán châu Á trong phiên đầu tuần. Đợt bán tháo này xuất phát từ lo lắng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất ngay trong cuộc họp vào tuần tới sau phát biểu của một quan chức Fed được cho là có truyền thống “bồ câu”.
Trong phiên giao dịch tối qua theo giờ Việt Nam, phố Wall đã phục hồi mạnh mẽ trở lại sau khi lo lắng về khả năng tăng lãi suất của Fed được trấn an sau những phát biểu của Thống đốc Fed Atalanta và Giám đốc điều hành Fed.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các chỉ số chính cũng đã phục hồi trở lại trong phiên sáng nay sau khi chịu lực bán tháo mạnh hôm qua. Điều này được kỳ vọng sẽ ảnh hưởng tích cực tới thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch sáng nay.
Tuy nhiên, diễn biến thị trường cũng không có nhiều thay đổi, vẫn là sự thận trọng của cả bên bán và bên mua, khiến thị trường diễn ra chậm.
VN-Index mở cửa giảm 1,15 điểm (-0,17%), xuống 658,61 điểm với chỉ gần 2,3 triệu đơn vị, giá trị 38,4 tỷ đồng được chuyển nhượng.
Sang đến đợt khớp lệnh liên tục, thị trường có lúc đã phục hồi nhờ sự hỗ trợ của một số mã lớn như VNM, PVD, HSG, HPG khi lượng cung từ khối ngoại đang có dấu hiệu chững lại.
Tuy nhiên, sắc xanh không duy trì được lâu khi khối ngoại “ra tay” và vẫn là ép giá tại VNM. Đây là mã được 2 quỹ ETF thêm vào trong đợt đảo danh mục lần này với lượng mua vào khá lớn. Tuy nhiên, sau chuỗi tăng ấn tượng trước đó và liên tục thiết lập đỉnh cao mới, áp lực chốt lời từ khối ngoại đã khiến VNM có những điều chỉnh. Mã này càng bị ép hơn nữa từ nhà đầu tư ngoại khi có thông tin sẽ được FTSE ETF và V.N.M ETF thêm vào danh mục trong đợt đảo danh mục lần này.
Chốt phiên, VNM giảm 0,71%, xuống 140.200 đồng, dù có lúc đã lên mức giá 142.000 đồng (+0,57%). Lý do chính vẫn từ sức ép của khối ngoại khi nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng khá lớn mã này.
Tương tự, sắc xanh cũng chỉ thoáng qua tại VCB, VIC, PVD, FPT…, còn MSN giảm ngay từ đầu phiên.
Đà giảm của VN-Index bị chặn lại nhờ GAS phục hồi đúng lúc khi chốt phiên với sắc xanh nhạt, tăng 0,32%.
Trong khi đó, dù áp lực bán cũng khá lớn, có lúc đã không còn giữ được sắc tím độc tôn như các phiên trước, nhưng nhờ lực cầu đỡ giá vẫn lớn, đà tăng trần của ROS vẫn chưa dừng lại. Hiện ROS đang được giao dịch ở mức trần 19.900 đồng với 1,18 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại cũng góp vui khi mua vào 15.010 đơn vị.
Trên HNX, diễn biến cũng giống sàn HOSE khi sắc xanh của HNX-Index cũng không duy trì được lâu. Sự hỗ trợ của PVC, NTP, SHB, đã không lại được với đà giảm của PVS, PHP, VCG, AAA, trong đó sức ép từ VCG vẫn đến từ khối ngoại khi nhà đầu tư nước ngoài bán ra chiếm 22% tổng lượng khớp của mã này sau 1 tiếng giao dịch.
Thanh khoản trên HNX cũng khá đì đẹt khi nhà đầu tư chủ yếu đứng ngoài nghe ngóng, hiện tượng đầu tư theo ETF đã không còn xuất hiện như trước.
Chốt phiên, VN-Index giảm 2,98 điểm (-0,45%), xuống 656,78 điểm với 88 mã tăng và 120 mã giảm. Tổng khối lượng giao địch đạt 44,34 triệu đơn vị, giá trị 1.218,47 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,92 triệu đơn vị, giá trị 238,33 tỷ đồng, chủ yếu đến từ sự đóng góp của MWG và FPT và chủ yếu là do khối ngoại sang tay nhau.
HNX-Index cũng giảm 0,1 điểm (-0,12%), xuống 83,59 điểm với 61 mã tăng và 91 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 17,59 triệu đơn vị, giá trị 225,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,12 triệu đơn vị, giá trị 17,82 tỷ đồng.
Thanh khoản sáng nay lẹt đẹt khi sàn HOSE chỉ có 7 mã có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị, trong đó 3 mã khớp trên 2 triệu đơn vị (không có mã nào khớp đến 3 triệu đơn vị). Trong khi đó, trên HNX, chỉ có 3 mã có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị là VCG, HUT và SCR.
Phiên chiều 13/9: VNM bật dậy mạnh mẽ
Sau chuỗi phiên điều chỉnh liên tiếp về ngưỡng 140.000 đồng, VNM đã bật lại mạnh mẽ trong phiên chiều nay. Tuy nhiên, sự khởi sắc của VNM không giúp VN-Index có được sắc xanh khi thiếu một chút may mắn.
Sau khi có chuỗi tăng mạnh trong tháng 8, lên mức 156.000 đồng (đã điều chỉnh), VNM đã có nhịp điều chỉnh kể từ đầu tháng 9 do áp lực chốt lời, nhất là từ khối ngoại. Sau chuỗi phiên giảm điểm, VNM đã về vùng giá 140.000 đồng, được xem là vùng hỗ trợ mạnh của cổ phiếu này.
Trong phiên giao dịch sáng, dù vẫn chịu áp lực bán khá mạnh từ khối ngoại, nhưng VNM vẫn trụ vững ở ngưỡng hỗ trợ 140.000 đồng.
Bước vào phiên giao dịch chiều, nhận thấy đây là vùng đáy của đợt điều chỉnh này, nên lực cầu chảy mạnh để tranh thủ bắt đáy, bởi sắp tới, sẽ có lực cầu khủng từ các quỹ ETF mua vào VNM. Lực cầu lớn đã đẩy VNM lên thẳng mức 145.800 đồng, tăng 3,26%, trước khi điều chỉnh nhẹ, chốt phiên ở mức giá 144.900 đồng, tăng 2,62% với 2,43 triệu đơn vị được khớp.
Ngoài VNM, phiên hôm nay cũng ghi nhận sự tích cực của một số mã bluechip khác như HPG (+1,63%, khớp 3,4 triệu đơn vị), HSG (+3,8%, khớp 2,33 triệu đơn vị), BVH (+1,15%), GAS (+0,64%), FPT, DPM, DHG, MWG…
Sự khởi sắc của VNM và các mã trên đã giúp VN-Index đảo chiều tăng điểm ngay khi bước vào phiên chiều. Tuy nhiên, áp lực từ một số mã lớn khác khiến VN-Index vẫn chưa thể thoát được phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp trong tuần, dù mức giảm rất ít.
Cụ thể, đóng cửa phiên hôm nay, VN-Index giảm nhẹ 0,04 điểm (-0,01%), đứng ở mức 659,72 điểm với 107 mã tăng và 125 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 87,7 triệu đơn vị, giá trị 2.173,78 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,44 triệu đơn vị, giá trị 313,6 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,17 điểm (+0,21%), lên 83,86 điểm với 92 mã tăng và 84 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,2 triệu đơn vị, giá trị 484,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,22 triệu đơn vị, giá trị 52,8 tỷ đồng.
Việc VN-Index không thể có được sắ xanh trong phiên hôm nay là do áp lực từ một số mã lớn khác, đặc biệt là VCB khi mã này giảm 3,87%, xuống 36.000 đồng với 2,16 triệu đơn vị được khớp. Tiếp đó là VIC khi giảm 1,4%, xuống 49.100 đồng, MSN giảm 0,72%, xuống 68.500 đồng. Ngoài ra, còn phải kể đến CTG, BID, PVD…
Mã có thanh khoản tốt nhất HOSE hôm nay là DLG với tổng khớp 6,14 triệu đơn vị, đứng ở mức tham chiếu 4.750 đồng, dù có lúc đã bị đẩy về mức sàn 4.420 đồng.
ROS vẫn duy trì sắc tím khi số lệnh bán không còn, trong khi bên mua liên tục nhồi vào, khiến mã này đóng cửa phiên hôm nay còn dư mua trần 1,22 triệu đơn vị, trong khi tổng khớp không có nhiều thay đổi so với phiên sáng.
Cùng với ROS, TTF cũng duy trì đà tăng trần trong phiên hôm nay, lên 10.150 đồng và đây cũng là mức giá khớp duy nhất của mã này trong phiên chiều nay. Trong khi đó, TNT chưa chấm dứt được chuỗi giảm sàn của mình và hiện giá cổ phiếu này đã lùi về mức 6.580 đồng. Sau 22 phiên giảm sàn liên tiếp, cổ phiếu này đã mất gần 78% giá trị.
Trên HNX, VCG cũng trở lại sắc xanh với mức tăng tối thiếu với tổng khớp 2,35 triệu đơn vị, đứng sau SCR (4,13 triệu đơn vị) và HUT (3,15 triệu đơn vị). Cũng giống VCG, 2 mã trên cũng đóng cửa trong sắc xanh nhạt.
Nguồn: Tin nhanh chứng khoán
Nguồn:Tin nhanh chứng khoán