Phiên sáng 18/8: VN-Index đảo chiều, cổ phiếu đầu cơ bị xả ồ ạt.
Sau phiên tăng điểm đầy nỗ lực hôm qua, VN-Index đã đảo chiều trong phiên sáng nay do áp lực chốt lời gia tăng. Đặc biệt, lực bán ồ ạt đã diễn ra ở một số mã có tính đầu cơ cao như DLG, HAG, HNG.
Trong phiên giao dịch hôm qua, giằng co trong phần lớn thời gian phiên giao dịch do các mã vốn hóa lớn có sự phân hóa, nhưng về cuối phiên chiều, nhiều mã phục hồi, cùng sự khởi sắc của nhóm dược, thép và các mã có trong danh sách thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sau thông tin Chính phủ bàn phương án thoái vốn tại 10 doanh nghiệp nhà nước đã giúp VN-Index bứt hẳn lên và đóng cửa trong sắc xanh. Thanh khoản trong 3 phiên đầu tuần duy trì ở mức tốt nhờ lực cầu bắt đáy vẫn chảy mạnh.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, nhiều công ty chứng khoán vẫn duy trì nhận định thận trọng về thị trường, nhất là với việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trong những phiên vừa qua.
Theo các công ty chứng khoán, việc mua vào chỉ khuyến nghị với các nhà đầu tư mạo hiểm và cũng chỉ gia tăng tỷ trọng với các mã đã có trong danh mục được đánh giá có triển vọng kinh doanh khả quan trong 6 tháng cuối năm. Còn với nhà đầu tư không thích rủi ro, tốt nhất vẫn đứng ngoài quan sát.
Tuy nhiên, mở cửa phiên giao dịch sáng nay, nhà đầu tư tỏ ra mạnh dạn hơn nhiều so với các phiên trước đó, giúp thanh khoản trong đợt này của phiên sáng nay tăng gấp rưỡi so với các phiên trước đó và VN-Index cũng có mức tăng tốt.
Cụ thể, kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 3,05 điểm (+0,46%), lên 663,56 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,3 triệu đơn vị, giá trị 66,7 tỷ đồng.
Đà tăng của VN-Index trong đợt mở cửa nhờ sự hỗ trợ của các mã lớn như VNM, sự trở lại của VCB, đà tăng được duy trì ở HPG, GMD, HSG, BMI…
Tuy nhiên, bước sang đợt khớp lệnh liên tục, áp lực bán bắt đầu gia tăng và bắt nguồn từ các mã có tính đầu cơ cao. Nhóm dầu khí cũng đảo chiều giảm bất chấp giá dầu thô thế giới có phiên tăng thứ 5 liên tiếp do ảnh hưởng từ cơn bão số 3 đang tiến vào vịnh Bắc Bộ, ảnh hưởng đến công tác khai thác của một số mỏ dầu tại đây.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu dược phẩm cũng đồng loạt đảo chiều sau chuỗi tăng ấn tượng. DHG giảm từ phiên trước sau kết quả kinh doanh kém khả quan được công bố, đến phiên sáng nay, DMC, DCL cũng đã chính thức quay đầu. Tuy nhiên, về cuối phiên, DMC bất ngờ đảo chiều tăng trở lại khi đóng cửa ở mức 94.00 đồng, tăng 0,53%, dù vẫn còn lệnh dư bán giá tham chiếu. Trong khi đó, DHG giảm 2,9%, xuống 100.000 đồng, DCL giảm 2,02%, xuống 24.200 đồng. TRA vẫn nằm ngoài xu hướng chung của cả nhóm khi lình xình quanh mốc tham chiếu như nhiều phiên trước.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 1,78 điểm (-0,27%), xuống 658,73 điểm với 62 mã tăng và 122 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 81,18 triệu đơn vị, giá trị 1.714,19 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,5 triệu đơn vị, giá trị 253,58 tỷ đồng, chủ yếu là do nhà đầu tư nước ngoài sang tay nhau 1 triệu cổ phiếu MWG, giá trị 160 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay tiếp tục bán ròng mạnh tại VNM, MSN, DLG, HPG, VIC.
HNX-Index giảm 0,35 điểm (-0,41%), xuống 83,42 điểm với 51 mã tăng và 111 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20,14 triệu đơn vị, giá trị 264,39 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,88 triệu đơn vị, giá trị 21,73 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu đầu cơ tiếp tục là nhóm cổ phiếu chịu lực bán mạnh trong phiên sáng nay, nhưng điểm tích cực là dòng tiền bắt đáy vẫn hoạt động tích cực, giúp thanh khoản của các mã này tăng mạnh.
Cụ thể, áp lực chốt lời vẫn diễn ra mạnh tại HNG và HAG, đẩy cả 2 xuống mức sàn ngay từ đầu phiên, trong đó HAG giảm sàn ngay khi mở cửa. Tuy nhiên, nhờ lực cung giá thấp không quá lớn, HNG đã thoát mức sàn khi chốt phiên với mức giảm 5,48%, xuống 6.900 đồng với 1,46 triệu đơn vị được khớp, trong khi HAG ở mức sàn 6.000 đồng với gần 4,99 triệu đơn vị được khớp.
Một mã khác cũng giảm sàn với lượng bán rất lớn là DLG. Kịch bản kéo giá lên trong đợt ATC đã không xảy ra với DLG trong phiên hôm qua, khiến mã này chính thức giảm sàn xuống 5.600 đồng với tổng khớp hơn 3,5 triệu đơn vị.
Trong phiên sáng nay, ngay từ đầu phiên, áp lực bán ATO và giá sàn đã chất đầy, đẩy DLG giảm sàn ngay khi mở cửa. Dù nỗ lực phục hồi sau đó, nhưng chỉ nhích được 1 bước chân, áp lực bán đã gia tăng mạnh, đẩy DLG trở lại mức sàn 5.300 đồng, gần như mỗi khi lực cầu mạnh được đẩy vào để cứu giá DLG, thì ngay lập tức bên nắm giữ cổ phiếu xuống hàng ồ ạt, không cho DLG thoát khỏi mức giá sàn. Chốt phiên sáng nay, DLG được khớp tới gần 10,3 triệu đơn vị và còn dư bán sàn.
KBC cũng bị bán khá mạnh trong phiên sáng nay khi đóng cửa giảm 1,64% với 3,88 triệu đơn vị được khớp, trong khi các mã còn lại dù không giảm mạnh, nhưng lực mua cũng rất dè dặt.
DRH tiếp tục có phiên giảm sàn thứ 8 liên tiếp và cũng giống với các phiên trước, lực mua rất nhỏ giọt trong khi bên bán đang chen nhau tháo chạy khiến dư bán sàn hiện lên tới gần 2,3 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các mã trong danh sách thoái vốn của SCIC như BMP, BMI, VNR, FPT… lại duy trì đà tăng khá tốt.
KDC cũng duy trì đà tăng sau thông tin về ước kết quả kinh doanh năm 2016 khả quan của ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty. Khoản lợi nhuận này đến chủ yếu từ việc chuyển nhượng nốt 20% mảng bánh kẹo và đóng góp từ mảng kinh doanh kem.
HAS cũng đang duy trì được sắc tím, cùng với đó còn có BTP tham gia trong phiên sáng nay khi lên mức trần 14.400 đồng.
Tương tự, dù có được sắc xanh đầu phiên nhờ sự hỗ trợ của ACB, VCG, VCS nhưng sự sụt giảm của nhóm dầu khí bất chấp giá dầu có phiên tăng thứ 5 liên tiếp khiến HNX-Index quay đầu giảm điểm. Ngoài ra, ACB sau đó cũng không thể duy trì được đà tăng, cũng tác động lớn tới chỉ số này.
Trên sàn HNX sáng nay chỉ có 2 mã có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị là HUT và VCG, trong đó HUT đóng cửa giảm 3,42%, còn VCG ở mức tham chiếu 15.400 đồng.
Phiên chiều 18/8: MSN nổi sóng, VN-Index may mắn thoát hiểm
Dù áp lực bán trong đợt ATC khá lớn và sắc đỏ chiếm ưu thế, nhưng nhờ sự khởi sắc của MSN sau thông tin hỗ trợ, cùng VNM, KDC…, VN-Index đã may mắn giữ lại được sắc xanh trong phiên chiều nay.
Trong phiên giao dịch sáng, áp lực chốt lời mạnh ở một số mã lớn, cùng lực bán ồ ạt ở các mã có tính đầu cơ cao đã khiến VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là lực mua bắt đáy mạnh dạn, giúp thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao.
Tưởng chừng thị trường trong phiên giao dịch chiều cũng sẽ diễn ra giống như cuối phiên sáng và VN-Index sẽ lặp lại quy luật 1 phiên tăng, 1 phiên giảm, tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra khi sóng đã nổi lại tên một số mã lớn.
Đầu tiên là KDC với thông tin dự báo kết quả kinh doanh khả quan được đưa ra hôm qua, đã tiếp tục leo lên mức giá trần sau 1 phiên nghỉ ngơi. Chốt phiên, KDC lên mức giá 35.000 đồng với 1,48 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần.
Tiếp đến, VNM tiếp tục duy đà tăng, thậm chí đóng cửa ở mức cao nhất ngày 174.000 đồng với thanh khoản khá tốt, hơn 2,1 triệu đơn vị được khớp. Nhưng đáng kể nhất phải kể đến MSN. Cổ phiếu này trong thời gian dài vừa qua chỉ lình xình quanh tham chiếu với mức tăng, giảm chủ yếu là 1 - 2 bước giá. Trong phiên giao dịch sáng nay và đầu giờ chiều, diễn biến tại MSN cũng không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, đột biến đã xảy ra sau thông tin MSN sẽ mua lại 20 triệu cổ phiếu quỹ và công bố báo cáo tài chính 6 tháng sau soát xét với kết quả kinh doanh khả quan. Với kết quả này, Công ty đã tăng dự báo lợi nhuận sau thuế năm nay thêm 25%, đạt 2.400 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 60% so với năm 2015.
Theo lãnh đạo MSN, giá trị giao dịch hiện tại đối với cổ phiếu MSN của Công ty đang được định giá rất thấp so với giá trị thực.
“Masan hiện sở hữu và quản lý các nền tảng hoạt động kinh doanh thành công hàng đầu trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế đang phát triển tích cực của Việt Nam. Kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ là một trong những phương thức hiệu quả sử dụng lượng tiền mặt lớn mà Công ty đang nắm giữ, thể hiện niềm tin của Ban điều hành về định hướng chiến lược và triển vọng kinh doanh”, lãnh đạo MSN cho biết.
Với thông tin không thể tốt hơn này, cổ phiếu MSN đã được kéo thẳng đứng và chốt phiên chiều ở mức trần 63.500 đồng với 1,96 triệu đơn vị được khớp.
Với sự hỗ trợ của các mã trên, VN-Index đã giữ được sắc xanh nhạt khi chốt phiên hôm nay dù trong đợt ATC chịu áp lực bán lớn từ nhóm đầu cơ và lực chốt lời từ nhóm thép, dầu khí…
Cụ thể, VN-Index đóng cửa tăng 0,14 điểm (+0,02%), lên 660,65 điểm với 81 mã tăng, trong khi có tới 130 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 131,63 triệu đơn vị, giá trị 3.042 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,37 triệu đơn vị, giá trị 391,2 tỷ đồng.
Không may mắn như VN-Index, HNX-Index đóng cửa giảm nhẹ 0,05 điểm (-0,06%), xuống 83,71 điểm với 76 mã tăng và 118 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,86 triệu đơn vị, giá trị 474,2 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,45 triệu đơn vị, giá trị 36,3 tỷ đồng.
Ngoài các mã lớn đã đề cập ở trên, sàn HOSE chiều nay cũng chứng khoán sự đảo chiều ngoạn mục của KSB khi từ dưới tham chiếu lên mức giá cao nhất ngày 66.000 đồng khi chốt phiên, tăng 3,13%. Tương tự, CII cũng đóng cửa ở mức cao nhất ngày 27.200 đồng, tăng 5,02%, BMI cũng giữ được đà tăng tốt dù không thể có được mức giá cao nhất ngày.
Trong khi đó, áp lực chốt lời diễn ra tại nhóm thép, khiến đà tăng của HSG, HPG, NKG bị thu hẹp, thậm chí VIS quay đầu giảm giá, ngoại trừ SMC tăng lên mức giá trần 15.000 đồng.
Nhóm dầu khí cũng chịu áp lực bán khá mạnh hôm nay và đồng loạt giảm giá, trong đó GAS giảm 2,36%, PVD giảm 0,7%...
Nhóm ngân hàng có 4 mã đóng cửa ở mức tham chiếu (VCB, EIB, CTG, MBB), 2 mã còn lại là BID và STB giảm nhẹ.
Nhóm cổ phiếu đầu cơ tiếp tục bị bán mạnh, trong đó HNG sau khi thoát khỏi mức sàn trong phiên sáng đã không thể cưỡng lại lực bán trong phiên chiều. Chốt phiên, HNG giảm sàn xuống 6.800 đồng với 2,18 triệu đơn vị được khớp, HAG cũng ở mức sàn 6.000 đồng với 6,33 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn. Tương tự, DLG cũng không tránh khỏi mức sàn 5.300 đồng với hơn 10,9 triệu đơn vị được khớp do bên mua không còn đủ dũng cảm để xuống tiền.
DRH có phiên giảm sàn thứ 8 liên tiếp, trong khi TTF có phiên giảm sàn thứ 23 liên tiếp, xuống 8.700 đồng. Như vậy, so với mức giá tham chiếu ngày 19/7, TTF đã mất tới 80% giá trị.
Trên HNX, trong khi các mã dầu khí khác đồng loạt giảm, thì PVS bất ngờ đảo chiều thành công nhờ lực cầu lớn của khối ngoại. Chốt phiên, PVS tăng 6,25%, lên mức giá cao nhất ngày 22.100 đồng với 2,1 triệu đơn vị được khớp. Tương tự, VCS cũng tăng mạnh 4,18%, lên 119.600 đồng và BVS tăng 4,76%, lên 15.400 đồng.
Hai mã dẫn đầu về thanh khoản trên HNX vẫn là HUT và VCG với 2,5 triệu đơn vị và 2,4 triệu đơn vị. Cả 2 cùng đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó HUT giảm 4,27%, VCG giảm nhẹ 0,65%.
Nguồn:Tin nhanh chứng khoán