menu search
Đóng menu
Đóng

Chứng khoán ngày 21/10/2016

16:24 21/10/2016

Mặc dù bluechip vẫn đóng vai trò là lực hãm chính của thị trường, khiến VN-Index tiếp tục có phiên giảm điểm, nhưng trên bảng điện tử vẫn xuất hiện nhiều điểm nóng, lực cầu bắt đáy cũng hoạt động mạnh tại một số mã.

Phiên sáng 21/10: Bluechip thất thế, VN-Index chưa để trở lại

Các cổ phiếu có thị giá nhỏ, nhất là các mã trên sàn HNX liên tiếp bị bán tháo bất chấp diễn biến thị trường tăng hay giảm. Trong khi đó, sự thất thế của nhóm cổ phiếu lớn khiến VN-Index tiếp tục giảm điểm, dù có lúc đã có sắc xanh.

Trên HNX, từ đầu tuần trước, nhiều mã có thị giá nhỏ đã chứng kiến làn sóng bán tháo ồ ạt và kéo dài đến tuần này. Một số mã có một vài phiên phục hồi, nhưng sau đó cũng nhanh chóng trở lại đà giảm sàn.

Chẳng hạn, KVC đã có chuỗi 8 phiên giảm sàn liên tiếp từ ngày 11/10, giảm từ mức 12.600 đồng, xuống 5.700 đồng trong phiên hôm qua và tiếp tục giảm sàn xuống trong phiên sáng nay. Nếu không có gì đột biến, mã này sẽ có phiên giảm sàn thứ 10 liên tiếp khi lượng dư bán sàn vẫn còn rất lớn.

Tồi tệ hơn, BII còn có chuỗi giảm sàn tới 16 phiên liên tiếp, từ mức giá 21.200 đồng phiên 28/9, xuống còn 4.300 đồng trong phiên hôm qua và đang đối mặt với phiên giảm sàn thứ 17 trong phiên hôm nay khi đang giao dịch ở mức sàn 3.900 đồng.

Tuy nhiên, sau chuỗi phiên liên tiếp vắng bóng người mua, hiện tượng bắt đáy tại BII đã xuất hiện trong phiên hôm qua khi được khớp gần 1,3 triệu đơn vị. Dù vậy, với lượng dư bán sàn lên tới gần 10 triệu đơn vị đã khiến nhà đầu tư nào có ý định bắt đáy phải run sợ.

Tương tự, NHP cũng có 5 phiên giảm sàn liên tiếp kể từ ngày 14/10 và đang đối diện với phiên giảm sàn thứ 6 liên tiếp. Cũng chịu lực bán tháo mạnh trong 3 phiên vừa qua, trong khi bên mua không ai dám xuống tiền là FID, khiến mã này giảm từ mức 18.700 đồng phiên cuối tuần trước, xuống 12.500 đồng trong phiên hôm qua. Trong phiên sáng nay, trong khi bên mua vẫn không dám xuống tiền khiến bên bán chán nản không ra hàng. Dường như bên bán đang không muốn tạo cảm giác sợ hãi cho những nhà đầu tư có ý định bắt đáy mã này, nên găm hàng đợi bên mua ra tay trước.

Trong khi đó, sau 3 phiên phục hồi ấn tượng khi đều chốt phiên với sắc tím sau 5 phiên giảm sàn trước đó, DPS cũng đã quay lại đà giảm sàn sáng nay, xuống 3.100 đồng với lượng dư bán sàn gần 1 triệu đơn vị. Tương tự, G20 cũng bị bán tháo sau chuỗi phiên phục hồi trước đó khi đang giao dịch ở mức sàn 4.400 đồng với dư bán sàn hơn 640.000 đơn vị.

Trên HOSE, sau chuỗi 10 phiên tăng trần liên tiếp khi lên sàn, TCH cũng đang bị chốt lời mạnh và có 2 phiên giảm sàn liên tiếp vừa qua. Sáng nay, áp lực chốt lời tiếp tục diễn ra mạnh, khiến mã này có lúc về mức sàn 26.450 đồng với dư bán sàn hơn 3,3 triệu đơn vị. Tuy nhiên, lực cầu gia tăng sau đó đã hấp thụ hết lượng dư bán sàn, giúp TCH đóng cửa chỉ còn giảm 4,58%, xuống 27.100 đồng với gần 3,1 triệu đơn ivj được khớp.

Trong khi đó, DAH chỉ đủ giữ được sắc tím trong 3 phiên đầu tiên lên sàn, tăng từ mức 11.500 đồng (giá tham chiếu khi chào sàn), lên 15.750 đồng, cổ phiếu này đã có chuỗi giảm sàn 6 phiên liên tiếp, xuống 10.300 đồng trong phiên hôm qua và tiếp tục giảm xuống mức sàn 9.580 đồng trong phiên sáng nay.

Tuy nhiên, điểm tích cực với DAH là thanh khoản khá tốt khi 3 phiên đầu lên sàn đều được khớp trung bình hơn 4,6 triệu đơn vị/phiên. Sau khi bị tắc thanh khoản trong 4 phiên sau đó, nhà đầu tư đã trở lại bắt đáy DAH từ phiên 19/10, giúp thanh khoản tăng trở lại với khối lượng khớp trung bình hơn 3 triệu đơn vị/phiên. Trong phiên sáng nay, mã này đang được khớp hơn 2,5 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn 3,6 triệu đơn vị.

Tương tự, TSC cũng bị bán rất mạnh trong phiên sáng nay và dù có lúc lực cầu tốt đã giúp mã này thoát khỏi mức sàn. Tuy nhiên, lực cung gia tăng cuối phiên khiến TSC chấp nhận giảm sàn xuống 3.590 đồng với hơn 3 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn.

Trở lại với diễn biến chung của thị trường. Sự phân hóa của các mã lớn khiến các chỉ số lình xình dưới tham chiếu. Sau đó khi VNM, VCB trở lại đà tăng, VN-Index đã đảo chiều tăng trở lại. Ngoài VCB, các mã ngân hàng khác cũng có diễn biến tích cực, bên cạnh đó là sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu ngành thép, cũng hỗ trợ giúp VN-Index tăng điểm. Tuy nhiên, sau đó, lực bán gia tăng, nhất là sự thất thế của nhóm cổ phiếu dầu khí khi giá dầu thô quay đầu giảm hơn 2% khiến sắc xanh chỉ duy trì trong thời gian ngắn.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 1,63 điểm (-0,24%), xuống 684,76 điểm với 89 mã tăng và 132 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 71,72 triệu đơn vị, giá trị 1.151,18 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,2 triệu đơn vị, giá trị 103,73 tỷ đồng.

Tương tự, HNX-Index giảm 0,4 điểm (-0,47%), xuống 84,68 điểm với 55 mã tăng và 101 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 22,19 triệu đơn vị, giá trị 233,27 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Cổ phiếu dầu khí sáng nay chịu sức ép lớn do giá dầu giảm, trong đó PVD đóng cửa ở mức thấp nhất phiên 26.350 đồng, giảm 1,5%, GAS cũng giảm 0,73%, xuống 68.500 đồng... Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm cũng không còn giữ được đà tăng như đầu phiên.

Ngoài các mã trên, thị trường sáng nay cũng có nhiều mã gây chú ý, trong đó FLC tiếp tục duy trì tốt về thanh khoản với gần 8,8 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa tăng 1,75%. “Người anh em” ROS dù có lúc rung lắc đầu phiên, nhưng cuối cùng đã đảo chiều thành công khi chốt ở mức giá 64.800 đồng, tăng 2,21% với gần nửa triệu đơn vị được khớp.

Nhóm cổ phiếu thép có sự phân hóa khi cổ phiếu đầu ngành HPG đóng cửa giảm nhẹ, trong khi HSG, NKG, VIS tăng giá, thậm chí SMC tăng trần, còn POM vẫn mức “trần ảo” như các phiên trước.

Phiên chiều 21/10: Vẫn nhiều điểm nóng

Mặc dù bluechip vẫn đóng vai trò là lực hãm chính của thị trường, khiến VN-Index tiếp tục có phiên giảm điểm, nhưng trên bảng điện tử vẫn xuất hiện nhiều điểm nóng, lực cầu bắt đáy cũng hoạt động mạnh tại một số mã.

Trong phiên sáng, hầu hết các cổ phiếu bluechip đều giảm, tác động khá tiêu cực đến thị trường. Các báo cáo tài chính quý III/2016 dần hé mở với nhiều doanh nghiệp đã công bố số lãi khá khả quan. Tuy nhiên, nhìn chung các nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng, chứng khoán, dầu khí cũng không thoát khỏi xu hướng điều chỉnh chung của thị trường trong phiên cuối tuần..

Tâm lý thận trọng bao trùm toàn thị trường khiến giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu, có thời điểm chỉ số VN-Index tăng hơn 1 điểm nhưng áp lực bán luôn thường trực ở ngưỡng 690 điểm khiến thị trường nhanh chóng đảo chiều.

Sau khi gặp khó tại ngưỡng cản 690 điểm trong những phiên vừa qua, sang phiên giao dịch chiều cuối tuần ngày 21/10, VN-Index đe dọa tại mốc 685 điểm. Trong khi lực cầu vẫn tỏ ra thận trọng quan sát thì bên bán vẫn dâng cao và tập trung ở nhiều mã lớn khiến thị trường thiếu động lực để hồi phục, chỉ số Vn-Index giằng co mạnh quanh mốc 685 điểm.

Cũng như phiên sáng nay, ở nhóm bluechip chỉ còn một vài mã như MWG, SSI, BVH, HSG có được sắc xanh, còn lại hầu hết đều giao dịch dưới mốc tham chiếu, trong đó, nhiều mã nới rộng đà giảm điểm như VNM giảm 0,48%, MSN giảm 0,3% và đều rơi xuống mức giá thấp nhất ngày.

Đáng chú ý, DPM sau công bố kết quả kinh doanh quý III/2016 thiếu tích cực khi doanh thu và lợi nhuận cùng suy giảm mạnh, trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa tới 210 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ, đã giảm điểm khá mạnh. Đóng cửa, DPM giảm 800 đồng (-2,75%) xuống sát mức giá thấp nhất ngày 28.300 đồng/CP với khối lượng khớp 1,55 triệu đơn vị.

Đóng cửa, sàn HOSE có 150 mã giảm và 94 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 1,56 điểm (-0,23%) xuống mức 684,83 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 136 triệu cổ phiếu, giá trị 2.392,3 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 24 triệu cổ phiếu, giá trị 566,5 tỷ đồng. Riêng VIC thỏa thuận hơn 8,4 triệu cổ phiếu, giá trị 361,57 tỷ đồng.

Trong khi đó, các mã bluechip trên sàn HNX cũng là tác nhân chính đẩy thị trường giảm sâu, cụ thể, BII giảm sàn, VCG giảm 4,14%, CEO giảm 2,75%, NTP giảm 0,72%, ACB, HUT, PVC… đều giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Sàn HNX có tới 126 mã giảm, gấp hơn 2 lần số mã tăng (60 mã), chỉ số HNX-Index giảm 0,88 điểm (-1,04%) xuống 84,2 điểm. Thanh khoản giảm mạnh với khối lượng giao dịch đạt 37,35 triệu đơn vị, giá trị 405,67 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,27 triệu đơn vị, giá trị 37,62 tỷ đồng.

Một số mã đáng chú ý trên 2 sàn như FLC vẫn duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản thị trường với 13,69 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công. Dù có giằng co quanh mốc tham chiếu do áp lực bán nhưng FLC vẫn giữ được sắc xanh với mức tăng 1,27%, đóng cửa ở mức giá 6.380 đồng/CP.

Thành viên mới chào sàn vào ngày 10/10 vừa qua – DAH đã thoát được tình trạng nằm sàn, tuy nhiên, lực bán vẫn khá lớn khiến cổ phiếu này chưa thể hồi phục. Với mức giảm 2,9%, DAH lùi về mệnh giá 10.000 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh 7,55 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản.

Cũng giống DPM, một mã có tính đầu cơ cao là HHS vừa ra báo cáo tài chính quý III với lợi nhuận 9 tháng đầu năm giảm tới hơn 58% so với cùng kỳ, đã có diễn biến khá xấu khi lùi về mức giá thấp nhất trong ngày 6.160 đồng/Cp, giảm 5,1% với khối lượng khớp lệnh 4,75 triệu đơn vị.

Trái lại, người anh em TCH giao động khá chóng mặt, sau gần suốt phiên sáng giảm sàn, cổ phiếu này đã khởi sắc trong phiên chiều với mức tăng 2,1% lên mức giá 29.000 đồng/CP và khớp 3,89 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, dù áp lực bán trên diện rộng thị trường nhưng cổ phiếu ROS vẫn đứng trên đỉnh cao khá vững. Với mức tăng 6,9%, ROS tiếp tục có phiên tăng trần thư 3 liên tiếp lên mức giá 67.800 đồng/CP và khớp 1,12 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, cặp đôi BII và HKB chưa thoát khỏi trạng thái giảm sàn, trong đó, BII ghi nhận phiên giảm sàn thứ 17 liên tiếp, còn HKB có phiên giảm sàn thứ 5 với lượng khớp tương ứng 0,8 triệu đơn vị và 3,2 triệu đơn vị.

 

Nguồn: Tin nhanh chứng khoán

Nguồn:Tin nhanh chứng khoán