Phiên giao dịch sáng 25/7: HAG-HNG bất ngờ nổi sóng
Với sự hỗ trợ của các mã lớn, VN-Index đã hồi phục trở lại sau 4 phiên giảm mạnh liên tiếp. Tuy nhiên, tâm điểm chú ý trong phiên sáng nay là cặp đội HAG-HNG khi cùng nhau kéo nhau lên mức trần.
Thị trường chứng khoán vừa đón nhận một tuần giao dịch khá tiêu cực. Với những biến động mạnh, VN-Index liên tiếp phá vỡ các mốc kháng cự cho thấy, tâm lý nhà đầu tư trở nên chán nản và giao dịch thận trọng. Chính vì vậy, dòng tiền chảy vào thị trường hạn chế, thanh khoản tuần qua suy giảm đáng kể. Cùng với giao dịch nhà đầu tư trong nước, khối ngoại cũng giảm mạnh lượng mua-bán, đặc biệt trên sàn HOSE, và khối này đã giảm tới gần 50% tổng giá trị mua ròng trên cả hai sàn trong tuần qua so với tuần trước đó.
Mặc dù các chỉ số giảm mạnh với tâm điểm là phiên lao dốc cuối tuần (22/7), nhưng thị trường vẫn đón nhận những điểm sáng với biên độ tăng lên tới hơn 50% đã tô điểm cho vẻ đẹp của thị trường. Trong đó, bên cạnh những thông tin tác động mạnh như margin lập kỷ lục, các tin đồn thất thiệt…, báo cáo tài chính quý II/2016 của các doanh nghiệp vẫn là tâm điểm tạo sự phân hóa giữa các nhóm ngành, các mã cụ thể.
Nhìn lại diễn biến thị trường chứng khoán tuần qua, các chuyên gia phân tích chứng khoán đều nhận định thị trường đã và đang trong giai đoạn điều chỉnh sau khi chỉ số Vn-Index chạm ngưỡng kháng cự mạnh 680 điểm. Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược MSI kỳ vọng, Vn-Index sẽ vẫn quay lại mốc 680 điểm và vượt chạm 700 giai đoạn từ nay đến cuối năm 2016, mặc dù, trong ngắn hạn, diễn biến điều chỉnh có thể kéo dài vài tuần đến 1-2 tháng.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, tuy tâm lý thận trọng tiếp tục thể hiện rõ nét nhưng diễn biến khởi sắc của một số cổ phiếu lớn đã giúp VN-Index lấy lại sắc xanh nhạt.
Kết thúc đợt 1, Vn-Index tăng 1,46 điểm (+0,22%) lên 651,33 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 2,15 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 36,96 tỷ đồng.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, sắc xanh duy trì khá mong manh khi độ rộng thị trường khá hẹp và chỉ sau khoảng 30 phút giao dịch của phiên sáng, thị trường chính thức đảo chiều giảm điểm bởi lực cầu suy yếu.
Trong đó, các cổ phiếu bluechip là tác nhân chính kìm hãm đà tăng thị trường khi hầu hết các “ông lớn” như VNM, MSN, BVH, BID, GAS, PVD đều giao dịch dưới mốc tham chiếu.
Dòng tiền tham gia thiếu tích cực nhưng vẫn ưu tiêu các mã đầu cơ quen thuộc với KSA và ITA đã khớp hơn 2 triệu đơn vị, KBC và HHS cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Bộ ba DRH, KSB và TTF vẫn phân hóa. Trong khi KSB tiếp tục thẳng tiến với đà tăng mạnh 3,7% lên đứng ở mức giá 70.500 đồng/CP thì cặp đôi DRH và TTF vẫn chưa thoát khỏi mức giá sàn.
Dù thị trường đảo chiều tăng điểm trở lại sau khoảng 2h giao dịch, nhưng đà tăng khá hạn chế, số mã tăng giảm khá cân bằng khiến VN-Index chỉ cầm cự quanh mốc 650 điểm. Điểm đáng quan tâm hơn là thanh khoản suy giảm mạnh, tổng giá trị giao dịch trên hai sàn đạt chưa tới 1.100 tỷ đồng.
Chốt phiên giao dịch sáng đầu tuần, sàn HOSE có 95 mã tăng và 101 mã giảm, chỉ số Vn-Index tăng 1,16 điểm (+0,25%) lên 651,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 49,68 triệu đơn vị, giá trị 859,19 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 3,16 triệu đơn vị, trị giá 43,91 tỷ đồng. VN30-Index tăng 1,46 điểm lên 635,8 điểm với 10 mã tăng, 13 mã giảm và 7 mã đứng giá.
Tương tự, sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip cũng giúp sàn HNX tìm lại sắc xanh. Với mức tăng nhẹ 0,15 điểm (+0,18%), HNX-Index tạm dừng ở mức 84,22 điểm. Thanh khoản cũng giảm mạnh với khối lượng giao dịch đạt 20,42 triệu đơn vị, trị giá 229,24 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 0,31 điểm lên 152,89 điểm với 12 mã tăng, 12 mã giảm và 5 mã đứng giá.
Ở nhóm cổ phiếu dầu khí, trong khi GAS đã đảo chiều thành công và tăng nhẹ 500 đồng/CP thì các mã lớn khác trong ngành như PVD, PVS, PVC, PVB, PGS vẫn tạo gánh nặng lên thị trường.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phân hóa khá mạnh. Trong khi VCB tăng khá mạnh lên 53.000 đồng/CP, tăng 1,92%, EIB tăng 1,85% thì các mã khác tỏng nhóm như BID, MBB giảm điểm; STB, CTG đứng giá tham chiếu.
Trong nhóm cổ phiếu ngành thép, HPG nhận được sự hậu thuận tích cực từ khối ngoại và quay đầu tăng điểm. Chốt phiên, HPG tăng 1,24% lên 40.700 đồng/CP với khối lượng khớp 1,98 triệu đơn vị, khối ngoại mua ròng mạnh nhất với khối lượng 586.380 đơn vị.
Tâm điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay là cặp đôi HAG-HNG. Dù giao dịch chưa mấy sôi động, nhưng hai mã đã trở lại cuộc đua tăng trần sau 4 phiên giảm điểm. Chốt phiên, HAG tăng 6,25% lên 6.800 đồng/CP với khối lượng khớp 3,16 triệu đơn vị, HNG tăng 5,97% lên mức trần 7.100 đồng/CP với lượng khớp gần nửa triệu đơn vị và dư mua trần 215.750 đơn vị.
Cặp đôi ITA và KBC dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp lệnh tương ứng 4,76 triệu đơn vị và 3,45 triệu đơn vi, cả hai mã đều đóng cửa giảm 100 đồng/CP.
Trên sàn HNX, trong khi các mã lớn như PVC, PVS, VCG… giữ mức giảm 1-2 bước giá thì DBC tăng 4,72%, SCR tăng 2% đã hỗ trợ tốt cho đà phục hồi của thị trường.
Cổ phiếu đáng chú ý là ACM. Dù áp lực chốt lời bắt đầu có dấu hiệu xuất hiện nhưng ACM vẫn giữ được sắc tím. Với mức tăng 9,1%, ACM đứng ở mức 2.400 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn đạt 2,71 triệu đơn vị. Đây là phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp của ACM sau chuỗi ngày dài giảm sàn.
Phiên chiều 25/7: Bên mua thủ thế, VN-Index giảm phiên thứ 5 liên tiếp
Dòng tiền suy yếu khiến thị trường thiếu động lực để duy trì sắc xanh nhạt. VN-Index đóng cửa dưới tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tuần mới (25/7), đánh dấu phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp.
Sau khi hồi phục tích cực và trở lại xu hướng tăng điểm về cuối phiên sáng, thị trường tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ khi bước sang phiên giao dịch chiều.
Mặc dù có thời điểm Vn-Index leo sát lên mốc 655 điểm nhưng lực cầu khá yếu khiến thị trường nhanh chóng hạ nhiệt và chỉ số này tiếp tục diễn biến lình xình trên mốc tham chiếu. Trong đó, cùng với đà tăng thu hẹp, nhiều mã trong nhóm VN30 đã đảo chiều giảm điểm là tác nhân chính hãm thị trường.
Áp lực bán gia tăng trong đợt khớp ATC đã đẩy VN-Index lùi về dưới mốc tham chiếu và tiếp tục xác lập thêm phiên giảm điểm. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp, dòng tiền chủ yếu tập trung ở các các mã đầu cơ bất động sản và các cổ phiếu thép.
Đóng cửa, Vn-Index giảm 0,57 điểm (-0,09%) xuống649,3 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 97,52 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.815,36 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 10,3 triệu đơn vị, trị giá 205,84 tỷ đồng. VN30-Index giảm 1,13 điểm (-0,18%) xuống 633,21 điểm khi có 17 mã giảm và chỉ 9 mã tăng, 4 mã đứng giá.
Trên sàn HNX, trụ cột nâng đỡ chính DBC đã hạ nhiệt, trong khi các mã lớn khác lại nới rộng đà giảm như LAS giảm 5,19%, VCG giảm 5,66% khiến HNX-Index giao dịch thiếu tích cực và đóng cửa giảm nhẹ.
Thị trường vẫn khá cân bằng khi có 93 mã tăng và 94 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm nhẹ 0,07 điểm (-0,08%) xuống 84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 36,36 triệu đơn vị, giá trị 429,86 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đạt hơn 7 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 0,56 điểm xuống 152,02 điểm với 10 mã tăng, 12 mã giảm và 8 mã đứng giá.
Ngoại trừ một số mã duy trì sắc xanh như VIC, VCB, GAS, HPG, còn lại giảm khá mạnh như VNM giảm 1,28%, PVD giảm 2,59%, BVH giảm 1,67%, HSG giảm 2,89%
Được cho là thông tin nguồn tác động tới diễn biến cổ phiếu là các báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2016 của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chuyên gia chứng khoán cho rằng kết quả đã được phản ánh ở những phiên trước đó.
Tiêu biểu như KBC, với công bố lợi nhuận quý II/2016 của cả Tập đoàn đạt 312,43 tỷ đồng, gấp 2,58 lần so với cùng kỳ nhưng diễn biến giá cổ phiếu này lình xình dưới mốc tham chiếu trong suốt phiên giao dịch. Sau phiên tăng mạnh sát trần vào cuối tuần với giao dịch sôi động nhất thị trường, KBC đã quay đầu giảm trong phiên sáng 25/7. Với mức giảm 0,6%, KBC đứng ở mức giá 16.900 đồng/Cp và khớp 6,58 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.
Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là ITA cũng duy trì đà giảm 100 đồng (-1,9%) xuống 5.300 đồng/Cp với khối lượng khớp 6,14 triệu đơn vị.
Trong nhóm cổ phiếu ngành thép khá phân hóa, trong khi HSG, DNY, TLH giảm điểm khá mạnh thì POM tăng trần, VIS tăng 2,6%, NKG tăng 1,5%, HPG tăng 1,7%. Đang chú ý, HPG đã chuyển nhượng thành công 3,77 triệu đơn vị và vẫn là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất gần 1,3 triệu đơn vị.
Cặp đôi HAG-HNG vẫn dắt tay nhau tăng trần nhưng giao dịch cũng không có nhiều chuyển biến. Trong khi HNG khớp hơn nửa triệu đơn vị và dư mua trần 736.890 đơn vị thì HAG chuyển nhượng thêm hơn nửa triệu đơn vị trong phiên chiều nâng tổng khối lượng khớp lệnh lên 3,7 triệu đơn vị và dư mua trần 224.570 đơn vị.
Trong khi đó, ACM cũng giữ sắc tím và duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với khối lượng khớp lệnh 3,68 triệu đơn vị. Đóng cửa, ACM tăng 9,09% đứng ở mức giá trần 2.400 đồng/CP và dư mua trần gần 320.000 đơn vị.
Nguồn: Tin nhanh chứng khoán
Nguồn:Tin nhanh chứng khoán