menu search
Đóng menu
Đóng

Chứng khoán ngày 4/10/2016

16:38 04/10/2016


Sau 2 phiên giảm liên tiếp, thị trường đang có dấu hiệu trở lại đà tăng khi nhóm bluechip dường như đã điều chỉnh xong.

Phiên sáng 4/10: Tiền trở lại với bluechips, VN-Index bứt phá cuối phiên

Sau 2 phiên giảm liên tiếp, thị trường đã có phiên phục hồi mạnh sáng nay khi dòng tiền bắt đáy đã trở lại với các mã bluechips bị chốt lời trong thời gian qua.

Với 9 phiên tăng điểm liên tiếp, VN-Index đã vượt qua mức đỉnh cũ trong tuần trước và nhiều dự đoán, chỉ số này sẽ lên vùng 700 - 720 điểm. Tuy nhiên, sau khi có chuỗi tăng điểm ấn tượng và lên đỉnh cao mới, VN-Index đã điều chỉnh trở lại trong phiên cuối tuần trước do áp lực chốt lời diễn ra ở một số mã lớn.

Đà giảm tiếp tục được duy trì trong phiên hôm qua khi áp lực bán tại các mã như ngân hàng, bảo hiểm, sắt thép, VIC, MSN, trong khi tâm lý nhà đầu tư tỏ  ra thận trọng hơn.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, thị trường mở cửa trong sắc đỏ khi sự thận trọng vẫn được duy trì. Cụ thể, VN-Index mở cửa giảm nhẹ 0,23 điểm (-0,03%), xuống 682,82 điểm với chỉ 1,72 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 41,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngay khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục, cùng với sự hỗ trợ của VNM, nhóm dầu khí, thì các mã lớn khác như nhóm ngân hàng, VIC, HPG, BVH cũng đã có dấu hiệu điều chỉnh xong, trong đó VIC, VCB đã có sắc xanh trở lại, giúp VN-Index quay đầu tăng điểm. Sự thận trọng của nhà đầu tư để chờ đợi xu hướng rõ ràng hơn của thị trường khiến giao dịch diễn ra chậm, thanh khoản đứng ở mức thấp.

Tuy nhiên, về gần cuối phiên, dòng tiền đã mạnh dạn chảy vào các mã bluechip như nhóm ngân hàng, BVH, FPT, cùng với sự hỗ trợ lúc đầu của nhóm dầu khí, VNM, VIC, giúp VN-Index tăng vọt cuối phiên, dù số mã tăng giá yếu thế hơn số mã giảm giá.

Chốt phiên, VN-Index tăng 4,56 điểm (+0,67%), lên 687,61 điểm với 93 mã tăng, trong khi có 130 mã giảm. Thanh khoản thị trường cũng được cải thiện khi tổng khối lượng giao dịch đạt 55,49 triệu đơn vị, giá trị 1.395 tỷ đồng và chủ yếu đến từ giao dịch khớp lệnh.

Tương tự, HNX-Index cũng đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng 0,29 điểm (+0,34%), lên 85,64 điểm với 58 mã tăng và 94 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20,35 triệu đơn vị, giá trị 270 tỷ đồng và cũng đến chủ yếu từ giao dịch khớp lệnh.

Dòng tiền đầu cơ vốn chảy mạnh trong 2 phiên điều chỉnh vừa qua đã tỏ ra thận trọng hơn trong phiên giao dịch sáng nay khiến các mã có tính đầu cơ chủ yếu giảm với thanh khoản ở mức thấp, ngoại trừ ROS vẫn duy trì sắc tím, nhưng thanh khoản cũng không lớn do lực cung hạn chế. Trong khi đó, TNT vẫn đang trên đường phá kỷ lục buồn của mình khi tiếp tục có phiên giảm sàn xuống 3.410 đồng.

Dòng tiền sáng nay đã chảy mạnh trở lại với nhóm cổ phiếu bluechip, trong đó HPG là mã có thanh khoản tốt nhất với 7,53 triệu đơn vị được khớp, chốt phiên vẫn giảm 1,12%, xuống 44.000 đồng, dù có lúc đã chớm xanh.

Áp lực chốt lời cũng đã có dấu hiệu chấm dứt ở nhiều mã bluechip khác, giúp các mã này quay đầu tăng giá. Chẳng hạn, VIC phục hồi 1,16%, VCB tăng 1,45%, BVH tăng 3,45%, BID tăng 1,76%, CTG tăng 1,47%, FPT tăng 1,39%. Trong khi đó, đà tăng tiếp tục được duy trì tại VNM và GAS. Trong đó, VNM tăng 0,5%, lên 141.200 đồng, GAS tăng 0,99%, lên 71.700 đồng.

Ở chiều ngược lại, PVD lại đảo chiều giảm 0,19%, xuống 26.650 đồng, MSN vẫn giảm 1%, xuống 69.300 đồng và MWG giảm 0,79%, xuống 137.800 đồng.

Trong khi đó, thông tin được KDC chào mua công khai đã giúp TAC tăng mạnh 4,02% trong phiên sáng nay, lên 85.300 đồng, trong khi KDC giảm 1,06%, xuống 37.400 đồng.

Trên HNX, ACB tiếp tục trở thành điểm tựa vững chắc cho HNX-Index có được sắc xanh từ sớm và nới rộng dần sau đó.  Ngoài ACB, sự trở lại của PVS khi giá dầu thô đã lên mức cao nhất 3 tháng, hay VCG duy trì đà tăng nhẹ cũng góp phần hỗ trợ cho HNX-Index duy trì sắc xanh. Tuy nhiên, thanh khoản trên sàn này đứng ở mức thấp khi chỉ có 2 mã có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị trong phiên sáng nay là PVS với 1,98 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,48%, lên 21.100 đồng và SCR với 1,85 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 9.700 đồng.

ACB đóng cửa tăng 3,23%, lên 19.200 đồng với hơn nửa triệu đơn vị được khớp, tổng giá trị gần 9,6 tỷ đồng. VCG tăng 0,63%, lên 16.000 đồng với hơn 0,3 triệu đơn vị được khớp.

Phiên giao dịch chiều 4/10:

Đang trên đường hướng tới mốc 690 điểm thì VN-Index bất ngờ “mất phanh” đổ đèo khiến nhiều nhà đầu tư thót tim. Tuy nhiên, nỗ lực đỡ giá trong đợt ATC đã giúp VN-Index may mắn thoát khỏi phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp.

Trong phiên giao dịch sáng, nhờ lực cung chốt lãi tại một số mã lớn chững lại, giúp VN-Index vọt tăng trong ít phút cuối phiên. Với diễn biến này, nhiều nhà đầu tư cho rằng, đợt điều chỉnh của thị trường đã dừng lại ở con số 2 và bây giờ thị trường sẽ bước vào đợt tăng mới, với mốc hướng đến tiếp theo là vũng 700 - 720 điểm.

Bước vào phiên giao dịch chiều, tâm lý này càng được củng cố khi đà tăng của VN-Index được nới rộng và chỉ số này vượt quan 689 điểm để hướng tới mốc 690 điểm. Tuy nhiên, ngay khi VN-Index vừa chớm vượt qua 689 điểm, áp lực bán đã đồng loạt gia tăng, nhất là ở các mã lớn như VNM, VIC, VCB… khiến các mã này quay đầu giảm, đẩy chỉ số này lao mạnh gần 9 điểm, xuống mức thấp nhất ngày 680,24 điểm, sau đó dừng ở mức 680,98 điểm khi kết thúc đợt khớp lệnh liên tục.

Nhiều người đã nghỉ tới kịch bản xấu là thị trường sẽ có phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp trong phiên hôm nay. Nhiều nhà đầu tư đã vào hàng phiên sáng và đua mua đầu phiên chiều tỏ ra lo lắng mình đã bị dính bulltrap. Tuy nhiên, trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), VN-Index đã được cứu khi các mã lớn được kéo trở lại, trong đó VNM, VCB về được tham chiếu, GAS có được sắc xanh, thậm chí VIC còn đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Chốt phiên 4/10, VN-Index tăng nhẹ 1,15 điểm (+0,17%), lên 684,2 điểm với 85 mã tăng, trong khi số mã giảm lên tới 178 mã. Tổng khối lượng giao dịch đạt 123,1 triệu đơn vị, giá trị 3.045,37 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,35 triệu đơn vị, giá trị 224,4 tỷ đồng.

HNX-Index lại không có được may mắn như VN-Index khi quay đầu giảm 0,29 điểm (-0,34%), xuống 85,06 điểm với 69 mã tăng, trong khi có 121 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 43,35 triệu đơn vị, giá trị 597 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,87 triệu đơn vị, giá trị 69,4 tỷ đồng.

Đột biến về giá trong phiên chiều phải kể đến BVH khi có lúc đã được kéo lên mức trần 74.300 đồng, trước khi hạ nhiệt và chốt phiên ở mức 72.200 đồng, tăng 3,88%. Biên độ dao động trong ngày của mã này là 8,94%. Trong khi một mã bảo hiểm khác là BIC lại giảm sàn từ sớm và chốt phiên ở mức sàn 35.850 đồng với thanh khoản thấp do lực cầu quá thấp. Chỉ có nhà đầu tư nước ngoài mới thoát được 39.560 cổ phiếu BIC.

Trong nhóm cổ phiếu lớn, như đà nói, VCB và VNM may mắn đóng cửa ở mức tham chiếu, trong khi VIC lên mức giá cao nhất ngày 44.000 đồng, tăng 2,33%; GAS cũng chỉ còn giữ được đà tăng khiêm tốn 0,14%, lên 71.100 đồng.

Trong khi đó, áp lực bán chưa chấm dứt tại các cổ phiếu ngành thép, nhất là sau thông tin Mỹ chính thức nhận đơn kiện thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam, trước đó là Thái Lan cũng áp mức thuế chống bán phá giá với ống thép không gỉ nhập từ Việt Nam với mức thuế rất cao.

Chốt phiên, HPG giảm 1,24%, xuống 43.950 đồng với 12,95 triệu đơn vị được khớp, tổng giá trị 552,96 tỷ đồng, cao nhất sàn HOSE. HSG giảm 3,41%, xuống 39.600 đồng với 2,5 triệu đơn vị được khớp, giá trị 100,25 tỷ đồng.

PVD cũng giảm khá mạnh trong phiên chiều, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 26.100 đồng, giảm 2,25% với 1,96 triệu đơn vị được khớp, giá trị 52,17 tỷ đồng. Sắc đỏ cũng xuất hiện ở một số bluechip khác như MSN giảm 0,14%, MWG giảm 2,09%, GMD giảm 2,41%...

Các mã có tính đầu cơ phân hóa khá rõ nét trong phiên hôm nay. Trong khi HNG, VHG, TTF, ROS, KBC, JVC tăng giá, trong đó ROS tăng trần, thì OGC, FLC, FIT, DLG, HAI, HQC, HAG, TNT giảm giá, trong đó TNT tiếp tục có phiên giảm sàn.

Trong nhóm này, KBC là mã có thanh khoản tốt nhất với 7 triệu đơn vị được khớp, chỉ đứng sau HPG. Tiếp đến là FLC với 6,43 triệu đơn vị, ITA 2,7 triệu đơn vị, OGC 2,59 triệu đơn vị…

Trên HNX, ACB và PVS vẫn giữ được sắc xanh, trong đó ACB tăng 2,69%, lên 19.100 đồng, PVS tăng 0,95%, lên 21.200 đồng, thì hàng loạt mã bluechip khác giảm như PVC, PVB, SHB, AAA, nhóm chứng khoán, NTP lại đóng cửa trong sắc đỏ.

Mã bị bán tháo mạnh nhất trong phiên hôm nay là BII khi chốt phiên còn dư bán sàn (14.000 đồng) và ATC tới hơn 7,3 triệu đơn vị, trong khi chỉ khớp được 700 đơn vị.  Dư bán sàn và ATC lớn còn xuất hiện tại DPS, nhưng thanh khoản mã này tốt hơn BII với 301.800 đơn vị được khớp.

PVS và SCR vẫn là 2 mã có thanh khoản tốt nhất trên HNX với tổng khớp lần lượt 3,37 triệu đơn vị và 2,87 triệu đơn vị, trong đó SCR đóng cửa giảm 1,03%, xuống 9.600 đồng.

Nguồn: Tin nhanh chứng khoán

 

 

Nguồn:Tin nhanh chứng khoán