Dòng tiền nhập cuộc tích cực trong phiên chiều giúp thị trường hồi phục mạnh, chỉ số VN-Index vượt qua ngưỡng 665 điểm.
Phiên sáng 8/9: VNM phục hồi, VN-Index ngừng rơi
Sau chuỗi phiên giảm mạnh, VNM đã phục hồi trở lại trong phiên giao dịch sáng nay, chặn đà giảm của VN-Index. Thanh khoản phiên sáng nay cũng được cải thiện đáng kể khi dòng tiền hoạt động tích cực hơn.
Thị trường đã bước vào những phiên đầu tháng 9 thiếu tích cực khi nhiều cổ phiếu bluechip trở thành gánh nặng do áp lực bán mạnh của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Trong đó, tiêu biểu là 2 mã lớn VNM và VCB liên tiếp đón nhận những phiên giảm mạnh.
Sau 4 phiên giảm liên tiếp, thị trường đang có dấu hiệu hồi phục khi bước vào phiên giao dịch sáng 8/9. Đà tăng của các cổ phiếu ngành thép, dầu khí cùng một số mã như FPT, VIC, SSI, HCM…, trong khi tác nhân khiến thị trường mất điểm trong phiên trước là VNM cũng chấm dứt chuỗi ngày giảm mạnh và lấy lại mốc tham chiếu.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng nhẹ 0,61 điểm (+0,09%) lên 661,89 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,54 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 78,71 tỷ đồng.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, lực cầu vẫn tỏ ra thận trọng nhưng dưới sự dẫn dắt của một số mã lớn, chỉ số Vn-Index tiếp tục nới rộng đà tăng điểm, tiến sát ngưỡng 655 điểm. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư chưa yên tâm với đà tăng thị trường, áp lực bán có phần chiếm ưu thế hơn khiến đà tăng bị thu hẹp sau hơn 45 phút giao dịch.
Sau những phút do dự trong phiên thứ Ba khi không biết sự chắc chắn về thỏa thuận đóng băng sản lượng giữa Nga và Ả Rập Xê út, giá dầu đã tăng tốt trở lại trong phiên thứ Tư khi giới đầu tư kỳ vọng sẽ có một thỏa thuận về đóng băng sản lượng chính thức được đưa ra tại cuộc gặp mặt giữa các nước thành viên OPEC và ngoài OPEC vào ngày 26 - 28 tới đây tại Algeria. Thông tin này đã tác động tích cực tới diễn biến nhóm cổ phiếu ngành P như GAS tăng gần 0,8%, PVC tăng 5%, PVS tăng 1%, PVN tăng 0,55%...
Trong khi đó, cổ phiếu có đóng góp lớn vào giao dịch thị trường trong phiên 6/9 khi thỏa thuận gần 10 triệu cổ phiếu ở mức giá trần là FPT tăng khá ấn tượng cả về giá và giao dịch sau 2 phiên giảm điểm. Hiện FPT tăng 2,5% lên 45.200 đồng/CP và khớp 1,32 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, FLC tăng mạnh đầu phiên nhờ lực cầu ngoại hấp thụ mạnh, tuy nhiên, đà tăng bị thu hẹp dần bởi áp lực bán trong nước. Sau hơn 80 phút giao dịch, FLC tăng nhẹ 100 đồng và khớp 3,42 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thụ trường.
Trong khi đó, ROS tiếp tục ghi nhận phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp, lên 16.300 đồng. Tuy nhiên, áp lực chốt lời đã bắt đầu xuất hiện khi ROS được khớp hơn 1 triệu đơn vị, cao nhất kể từ ngày lên sàn. Lượng dư mua trần cũng đang cạn dần.
Thị trường diễn biến giằng co quanh mốc tham chiếu, thậm chí rơi xuống dưới mốc này và tiếp cận sát ngưỡng 660 điểm sau hơn 90 phút giao dịch. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy nhập cuộc giúp thị trường hồi phục sắc xanh.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 1,77 điểm (+0,27%) lên 663,05 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 59,6 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.507,24 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 4,47 triệu đơn vị, trị giá 162,96 tỷ đồng. VN30-Index tăng 1,88 điểm lên 656,67 điểm với 14 mã tăng, 10 mã giảm và 6 mã đứng giá.
Tương tự, sàn HNX cũng có rung lắc nhẹ nhưng khi nhận được tín hiệu xanh ở sàn HOSE, chỉ số HNX-Index cũng nhanh chóng lấy lại đà tăng.
Với mức tăng 0,14 điểm (+0,17%), HNX-Index đứng ở mức 84,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,5 triệu đơn vị,giá trị 246,49 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chưa tới 1 triệu đơn vị, trị giá hơn 6 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 0,21 điểm lên 154,64 điểm với 13 mã tăng, 12 mã giảm và 5 mã đứng giá.
Đáng chú ý, trụ cột VNM sau 2 phiên giảm sâu, tác động thiếu tích cực đến thị trường đã quay đầu tăng điểm. Chốt phiên, VNM tăng 1.000 đồng (+0,68%) lên 147.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 1,2 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu bluechip phân hóa nhẹ, trong khi VIC, GAS, HSG, HPG, FPT, MWG giữ sắc xanh thì SSI, BID quay đầu giảm cùng BVH, KDC, MSN giảm 500-1.000 đồng/CP.
Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư chứng khoán vừa đưa sáng nay, CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh - TTSC (SBT) đã đàm phán với CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) để mua lại cụm công nghiệp mía đường tại Lào của HAG. Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu SBT không mấy tích cực khi quay đầu giảm điểm sau 2 phiên tăng nhẹ. Với mức giảm 1.500 đồng (-4,3%), SBT đứng ở mức giá 33.400 đồng/CP và khớp hơn 1,9 triệu đơn vị.
Trong khi cổ phiếu HAG cũng không “sáng sủa” hơn khi chủ yếu lình xình dưới mốc tham chiếu và đóng cửa đứng giá 5.700 đồng/CP với khối lượng khớp đạt 1,44 triệu đơn vị.
FLC vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với 5,84 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công và giữ nguyên mức giá 5.400 đồng/CP, tăng 100 đồng (+1,89%). Tiếp theo đó, HPG và BHS khớp hơn 2,8 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, 4 mã có khối lượng khớp trên 1 triệu đơn vị gồm SCR, PVS, PVX, SHB. Trong đó, PVX sau phiên chốt lời mạnh và giảm điểm hôm qua đã đứng giá tham chiếu 2.500 đồng/CP trong phiên sáng nay
Phiên chiều 8/9: Giao dịch bùng nổ, VN-Index qua ngưỡng 665 điểm
Dòng tiền nhập cuộc tích cực trong phiên chiều giúp thị trường hồi phục mạnh, chỉ số VN-Index vượt qua ngưỡng 665 điểm. Đáng chú ý, sau khi tiếp thêm thông tin mới, cổ phiếu SBT đã có thanh khoản đột biến trong phiên chiều 8/9.
Sau 4 phiên giảm điểm, thị trường tiếp tục giao dịch thận trọng nhưng sự quay đầu của VNM cùng đà tăng của một số mã lớn như GAS, VIC, FPT, HSG… đã giúp thị trường hồi phục tích cực. Dù có thời điểm đe dọa mốc 660 điểm do áp lực bán dâng cao nhưng lực cầu bắt đáy nhập cuộc giúp VN-Index chốt phiên sáng trong sắc xanh.
Tâm lý thận trọng tiếp tục duy trì khi bước sang phiên giao dịch chiều khiến thị trường diễn biến giằng co quang ngưỡng 665 điểm trong hơn 30 phút đầu. Sau đó, lực cầu nhanh chóng bắt nhịp, dòng tiền ồ ạt tham gia giúp thị trường bật tăng mạnh, có thời điểm VN-Index tăng gần 7 điểm.
Đà tăng chững lại, biên độ tăng thu hẹp trong nửa sau của phiên giao dịch chiều, tuy nhiên, sắc xanh chiếm ưu thế cùng sự dẫn dắt của các cổ phiếu lớn như VNM, VIC, GAS, HSG, MSN… giúp VN-Index tăng vững vàng trên mốc 665 điểm.
Trụ cột VNM tiếp tục chịu sức ép bán mạnh của nhà đầu tư ngoại, tuy nhiên, lực cầu nội đã giúp cổ phiếu này duy trì sắc xanh sau 2 phiên giảm mạnh liên tiếp trước đó. Với mức tăng 1.000 đồng, VNM đứng ở mức giá 147.000 đồng/CP (+0,68%) và khối lượng khớp 2,29 triệu đơn vị, cùng 0,87 triệu đơn vị được chuyển nhượng trong phiên thỏa thuân. Trong đó, lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài là chủ yếu khi khối ngoại bán ra hơn 2,75 triệu đơn vị và mua vào hơn 2,07 triệu đơn vị. Tính chung, khối ngoại bán ròng 0,68 triệu cổ phiếu VNM.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn khác cũng hỗ trợ tốt cho đà tăng thị trường như GAS tăng 2,38%, FPT tăng 3,4%, HPG tăng 2,05%, MSN tăng 0,74%, VIC tăng 0,63%... ; trong khi các cổ phiếu tác động tiêu cực nhất trong phiên sáng như BVH, VCB, SSI đã lấy lại mốc tham chiếu.
Đáng chú ý, các cổ phiếu trong nhóm ngành dược tiếp tục tỏa sáng như DHG tăng 3%, DMC tăng hết biên độ 6,9% và ghi nhận phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp sau quyết định nới room ngoại lên 100%; DBT và DHT trên sàn HNX cũng tăng nhẹ 0,4%...
Đóng cửa, toàn sàn HOSE có 126 mã tăng và 85 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 4,79 điểm (+0,72%) lên 666,07 điểm. Thanh khoản tăng tích cực với tổng khối lượng giao dịch đạt 124,56 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 3.137,88 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 11,93 triệu đơn vị, trị giá 408,12 tỷ đồng.
Tương tự, trên sàn HNX có 114 mã tăng và 63 mã giảm, chỉ số HNX-Index tăng 0,47 điểm (+0,56%) lên 84,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 43,82 triệu đơn vị, trị giá 526,04 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 4,74 triệu đơn vị, giá trị 56,83 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là nhân tố hỗ trợ chính của thị trường, trong đó, VN30-Index tăng 4,46 điểm lên 659,25 điểm với 14 mã tăng, 6 mã giảm và 10 mã đứng giá. HNX30-Index tăng 1,47 điểm lên 155,9 điểm khi có tới 18 mã tăng và chỉ 5 mã giảm, 7 mã đứng giá.
Một số cổ phiếu đang chú ý trong phiên hôm nay như SBT sau khi có thông tin đã đàm phán với CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) để mua lại cụm công nghiệp mía đường tại Lào của HAG, cổ phiếu này đã lao và thậm chí giảm sàn. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy gia tăng mạnh về cuối phiên giúp SBT thu hẹp đà giảm điểm và tiến sát mốc tham chiếu. Đóng cửa, SBT chỉ giảm nhẹ 300 đồng (-0,86%) xuống 34.600 đồng/CP với khối lượng khớp 5,35 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cổ phiếu có liên quan đến thương vụ trên là HAG vẫn duy trì mức giá tham chiếu trong phiên chiều và có thêm hơn 1 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công, nâng tổng khối lượng khớp lệnh lên 2,7 triệu đơn vị.
FLC được nhà đầu tư ngoại mua vào khá mạnh, tuy nhiên, lực bán trong nước đã đẩy cổ phiếu này về mốc tham chiếu 5.300 đồng/Cp và tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản thị trường đạt 8,79 triệu đơn vị.
ROS có phiên giao dịch sôi động nhất từ khi chào sàn với lượng khớp 1,53 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 2 triệu đơn vị. Cổ phiếu này tiếp tục duy trì sắc tím và ghi nhận phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp.
Trái lại, TTF tiếp tục ghi nhận phiên giảm sàn thứ 5, đánh mất gần hết thành quả có được trong chuỗi ngày tăng mạnh trước đó. Với mức giảm 6,9%, TTF đứng ở mức giá 9.500 đồng/CP với khối lượng khớp chỉ 76.030 đơn vị và dư bán sàn 1,31 triệu đơn vị.
MSN hôm nay cũng có giao dịch sôi động với hơn 1 triệu đơn vị được khớp. Ngoài ra, trong phiên thỏa thuận, cổ phiếu này còn có thêm 200.000 đơn vị được sang tay. MSN bắt đầu mua vào 20 triệu cổ phiếu quỹ từ ngày 6/9 với lượng mua vào dự kiến từ 0,6 - 2 triệu đơn vị/ngày.
Trên sàn HNX, SCR vẫn duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp lệnh 4,12 triệu đơn vị, tuy nhiên, áp lực bán của khối ngoại mạnh với khối lượng bán ròng 2,98 triệu đơn vị, khiến cổ phiếu này rơi xuống dưới mốc tham chiếu với mức giảm 200 đồng (-1,98%).
Nguồn: Tin nhanh chứng khoán
Nguồn:Tin nhanh chứng khoán