Năm 2017, thị trường chứng khoán đã chứng kiến màn chạy đua tăng tốc của VN-Index và không nằm ngoài dự báo sẽ nhanh chóng chạm đỉnh 1.000 điểm ngay trong những phiên đầu năm 2018. Kể từ cuối tháng 12/2017 đến giữa tháng 1/2018, chỉ số này đã duy trì đà tăng mạnh và chỉ đón nhận duy nhất 1 phiên điều chỉnh kỹ thuật ngày 5/1/2018.
Dòng tiền chảy mạnh cùng sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip và vốn hóa lớn đã giúp VN-Index liên tiếp chinh phục những ngưỡng kháng cự cao hơn và kết phiên 15/1/2018, VN-Index đã vượt mốc 1.063 điểm và chỉ còn cách đỉnh trong năm 2007 (1.170 điểm) chỉ hơn 100 điểm.
Sau chuỗi ngày tăng nóng, việc thị trường quay đầu điều chỉnh là một điều tất yếu. Trong phiên giao dịch hôm qua (ngày 16/1), áp lực bán chốt lời gia tăng mạnh khiến VN-Index rung lắc nhiều hơn và có lúc bị đẩy xuống gần mốc 1050 điểm, tuy nhiên lực cầu khá tốt đã giúp đà giảm hãm mạnh và chỉ số này được kéo lên sát mốc tham chiếu.
Dù các chỉ số quay đầu điều chỉnh trước lo ngại về điều chỉnh tỷ lệ margin, nhưng việc dòng tiền duy trì trạng thái chảy mạnh khiến nhiều công ty chứng khoán vẫn đưa ra nhận định thị trường khởi sắc.
Theo BSC, việc rung lắc có thể sẽ giúp cho thị trường xác định nền giá và tạo động lực tăng trưởng. Đồng thời, nhận định dòng tiền hiện tại sẽ giúp cho thị trường nhanh chóng phục hồi và tiếp tục tăng mạnh. Các mã dù bị bán mạnh nhưng vẫn tiếp tục thu hút được dòng tiền của nhà đầu tư có thể sẽ là cơ hội tốt.
Sau phiên điều chỉnh hôm qua, nhà đầu tư nước vào phiên giao dịch sáng 17/1 khá thận trọng. Dòng tiền tham gia nhỏ giọt cùng sự phân hóa của nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường tiếp tục mở cửa trong sắc đỏ.
Tuy nhiên, ngày sau khi bị đẩy về mốc 1060 điểm, chỉ số VN-Index đã bật mạnh lên và nhanh chóng hồi phục sắc xanh sau hơn 40 phút giao dịch của phiên sáng.
Trên sàn HOSE giao dịch khá cân bằng và nhóm cổ phiếu bluechip không mấy phát huy tác dụng nâng đỡ thị trường khiến biên độ tăng của VN-Index còn khá hẹp và không mấy an toàn.
Chính vì vậy, chỉ số này đã nhanh chóng quay đầu đi xuống và đảo chiều giảm sau hơn 1 giờ giao dịch trước áp lực bán gia tăng. Sắc đỏ đang lan rộng và chiếm áp đảo trên cả 2 sàn chính.
Trái với diễn biến không mấy tích cực của các cổ phiếu bluechip và vốn hóa lớn, nhóm cổ phiếu thị trường vẫn khởi sắc, trong đó HAI dù không còn giữ sắc tím nhưng vẫn tăng 2% lên mức 8.050 đồng/CP và khớp lệnh lớn nhất sàn đạt 11,57 triệu đơn vị; HAG tăng 2,9% lên mức 8.400 đồng/CP và khớp 6,84 triệu đơn vị; KBC đảo chiều sau 4 phiên giảm liên tiếp với mức tăng 1,8% lên 14.450 đồng/CP và khớp 1,94 triệu đơn vị…
Trong khi đó, trên sàn HNX, đà tăng mạnh của một số mã lớn với điểm tựa vững chắc ACB đã giúp chỉ số sàn bật cao sau hơn 30 phút đầu phiên lình xình và biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu.
Lực cầu gia tăng mạnh về cuối phiên đã giúp sàn HOSE hồi phục.Chốt phiên sáng 17/1, sàn HOSE có 109 mã tăng và 149 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 1,22 điểm (+0,11%) lên mức 1064,18 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 167,55 triệu đơn vị, giá trị 4.066,98 tỷ đồng, giảm 171,9% về lượng và 16,87% về giá trị so với phiên sáng qua.
Giao dịch thỏa thuận có đóng góp 17,42 triệu đơn vị, giá trị 688,69 tỷ đồng, trong đó NVL thỏa thuận 1,43 triệu đơn vị, giá trị 110,83 tỷ đồng; VIC thỏa thuận 1,67 triệu đơn vị, giá trị 143,62 tỷ đồng.
Sàn HNX duy trì đà tăng ổn định dù sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo với 90 mã giảm và 52 mã tăng. Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,99 điểm (+0,81%) lên 122,58 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 38,2 triệu đơn vị, giá trị 640,82 tỷ đồng, giảm 7,44% về lượng nhưng tăng 14,85% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 735.006 đơn vị, giá trị hơn 5 tỷ đồng.
Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng khá phân hóa, các mã BID, STB, VPB duy trì đà tăng nhẹ, còn lại VCB, MBB, HDB đều chốt phiên trong sắc đỏ, CTG quay về mốc tham chiếu.
Thông tin giá dầu thô Brent đã vượt qua ngưỡng 70 USD/thùng, mức cao nhất trong 3 năm qua đã góp phần tích cực giúp các cổ phiếu họ dầu khí hồi phục sau nhịp điều chỉnh đầu phiên. Cụ thể, GAS tăng 0,5% lên mức 104.000 đồng/CP, PVD tăng 0,2% lên mức 28.350 đồng/CP, PLX tăng 0,5% lên mức 91.500 đồng/CP.
Bên cạnh đó, một số mã lớn cũng góp phần hỗ trợ tích cực giúp thị trường lấy lại sắc xanh như VIC tăng 0,81% lên mức 86.700 đồng/CP, ROS tăng 0,8% lên mức 163.800 đồng/CP, VJC tăng 1,5% lên mức 164.000 đồng/CP, VRE tăng 5,2% lên mức 56.700 đồng/CP, BID tăng 0,9% lên mức 27.950 đồng/CP…
Trái lại, cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường là VNM lại chưa thoát khỏi sắc đỏ, tiếp tục ghi nhận phiên giảm thứ 5 liên tiếp. Với mức giảm 0,9%, VNM chốt phiên tại mức giá 206.400 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 388.140 đơn vị.
Sau phiên bùng nổ hôm qua, các cổ phiếu thị trường cũng nhanh chóng hạ nhiệt, như HAI, HAG không còn tăng trần, đáng kể AMD không chỉ chia tay sắc tím và còn đảo chiều giảm nhẹ 0,4% xuống mức 9.480 đồng/CP. Trong đó, HAI vẫn là mã giao dịch sôi động nhất sàn với hơn 20 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Trên sàn HNX, ACB dù có chút điều chỉnh nhẹ đầu phiên nhưng đã nhanh chóng hồi phục và tăng tốt sau 3 phiên giảm. Chốt phiên, ACB tăng 2,8% lên mức 39.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 2,4 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, SHB cũng đảo chiều hồi phục với mức tăng 2,8% lên mức 10.900 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với 12,22 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.
Ngoài ra, một số mã bluechip khác cũng đã tăng khá tốt, tiếp sức cho đà tăng thị trường như PVS tăng 2,15% lên mức 28.500 đồng/CP, TV2 tăng 3,44% lên mức 162.500 đồng/CP…
Trên sàn UPCoM, đà tăng được duy trì khá tốt. Chốt phiên,UPCoM-Index tăng 0,57 điểm (+0,99%) lên mức 58,44 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 9,53 triệu đơn vị, giá trị 139,62 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 141.144 đơn vị, giá trị 5,92 tỷ đồng.
Cổ phiếu SBS vẫn tiếp tục tỏa sáng khi ghi nhận phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp cùng giao dịch sôi động. Với mức tăng 14,7%, cổ phiếu SBS chốt phiên tại mức giát rần 3.900 đồng/CP và khối lượng giao dịch dẫn đầu sàn đạt hơn 4,3 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí tiếp theo cũng là mã khá quen thuốc LPB với 1,12 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Nối tiếp đà giảm trong 2 phiên trước đó, LPB đã đứng ở dưới mốc tham chiếu trong hơn nửa đầu phiên sáng và đã đảo chiều thanh công nhờ lực cầu gia tăng mạnh, với mức tăng 2,6% lên mức 15.900 đồng/CP.
Trong khi HVN có phiên khởi sắc thứ 5 với mức tăng 2,9% lên mức 53.900 đồng/CP, thì người anh em ACV chưa thoát khỏi sắc đỏ với mức giảm 1,6% xuống mức 105.200 đồng/CP.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn