menu search
Đóng menu
Đóng

Ngành dược 2017: Khó tìm cổ phiếu định giá rẻ

08:46 23/03/2017

Vinanet - Trái ngược với năm 2015 ảm đạm, 2016 đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của các cổ phiếu dược phẩm.
Vốn được “đóng đinh” là nhóm cổ phiếu phòng thủ, nhưng sự biến chuyển trong hoạt động kinh doanh cũng như các câu chuyện về mở room cho NĐT nước ngoài và sự tham gia của các cổ đông chiến lược đã đưa cổ phiếu dược trở thành một trong những ngành mang lại lợi nhuận tốt nhất của năm 2016.
Dù các yếu tố hỗ trợ kể trên nhiều khả năng vẫn còn hiện diện trong năm 2017, định giá cao của ngành dược sẽ là thách thức lớn cho những ai vẫn muốn lựa chọn ngành này để “đánh bại thị trường” trong năm nay. Nhà đầu tư vì vậy đứng trước hai lựa chọn, hoặc phải “mua cao và kỳ vọng bán giá cao hơn”, hoặc phải bỏ công “đãi cát tìm vàng” trong số những công ty còn có mức định giá rẻ hơn so với trung bình ngành.
Từ những điểm nhấn chính của ngành trong năm 2017, CTCK Rồng Việt nhận định rằng ngành này sẽ có nhiều thay đổi nhờ kỳ vọng nới room. Theo báo cáo của EIU về tiềm năng phát triển của ngành y tế trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá nằm trong những nước đang và sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh nhất trong thời gian tới, cùng với Indonesia và Philippines.
Do đó, thị trường dược Việt Nam có sức hút rất lớn với dòng vốn ngoại. Không ít các DN nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội để tham gia vào chuỗi sản xuất và phân phối trong nước. Trường hợp tiên phong của DMC trong năm 2016 được kỳ vọng sẽ gỡ nút thắt cho các công ty niêm yết còn lại.
Tiếp theo, Luật Dược sửa đổi (có hiệu lực từ 2017) với nhiều khuyến khích cho các DN nội từ đầu vào (hỗ trợ phát triển nguồn nguyên liệu), sản xuất (cho phép nộp hồ sơ đăng ký sản xuất thuốc generic sớm), đến tiêu thụ (ưu tiên dược phẩm trong nước khi đấu thầu kênh điều trị ETC)
Xu hướng nâng cấp nhà máy lên chuẩn EU-GMP hoặc PIC/S để nâng cao chất lượng thuốc, đáp ứng thói quen tiêu dùng thuốc chất lượng cao ngày càng tăng và né nhóm đấu thầu ETC số 3, nơi cạnh tranh bằng giá diễn ra hết sức khốc liệt cũng là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của ngành.
Theo xu hướng này, các DN đã và đang tiến hành đầu tư các nhà máy chuẩn này như IMP, DMC, TRA, DHG sẽ có lợi thế hơn các công ty khác. Đây là một trong những lý do các công ty này được giao dịch ở mức P/E trượt trên 16x. Trong đó, giới phân tích đánh giá cao IMP và DHG hơn DMC do cả 2 công ty này đều còn dư địa về công suất để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Trong đó, TRA được đặc biệt ưa thích khi họ có thể tự cung cấp phần lớn dược liệu cho sản xuất nhờ sở hữu vườn trồng dược liệu lớn nhất trên cả nước.
Phần lớn các công ty còn lại trong ngành sở hữu danh mục sản phẩm dễ sản xuất và trùng lắp, với tỷ trọng lớn là các thuốc kháng sinh hạ sốt. Những công ty có thể bứt phá cần có cho mình một vài sản phẩm đặc trị, có lợi thế thị phần ở một thị trường hay phân khúc sản phẩm nhất định (như PMC với thuốc sát khuẩn Povidine). Sẽ mất nhiều công sức để “đãi cát tìm vàng”, nhưng phần thưởng chắc chắn là tương xứng, như trường hợp của DP3 trong năm 2016.
Dự phóng KQKD năm 2017 một số DN trong ngành, Rồng Việt cũng đưa một số cổ phiếu nổi bật như: DHG - doanh thu ước tính 4.250 tỷ đồng (tăng 12,5%), với top 5 sản phẩm có doanh thu trên 100 tỷ là Hapacol, Klamentin, Haginat, Apitim và Naturenz.
Trong năm 2017, phần lớn sản xuất sẽ được thực hiện tại hai nhà máy được hưởng ưu đãi thuế, nhờ đó thuế suất tiếp tục giảm từ 5,8% xuống chỉ còn khoảng 4%. Nhờ thế, LNST có thể đạt 780 tỷ, EPS sau khi trích quỹ khen thưởng phúc lợi là 7.835 đồng.
Còn với IMP thì doanh thu kênh ETC hứa hẹn tăng trưởng mạnh 70%, đạt khoảng 250 tỷ đồng nhờ cạnh tranh ở nhóm đấu thầu số 2 “dễ thở” hơn và hưởng lợi từ luật dược sửa đổi quy định không chào thầu thuốc nhập khẩu nếu thuốc trong nước đáp ứng được yêu cầu.
Doanh thu hàng nhượng quyền cũng sẽ hồi phục nhờ các sản phẩm bị hết hạn số đăng ký đã được cấp lại. Lợi nhuận trước thuế và trích quỹ khoa học công nghệ ước đạt 180 tỷ đồng. EPS sau khi trừ quỹ khen thưởng phúc lợi 12% ước đạt 3.100 đồng.
Nguồn: Hiếu Nguyễn/thoibaonganhang.vn