Tại miền Bắc, giá thép tiếp tục duy trì ở mức cao. Theo SteelOnline.vn, thép Hòa Phát giữ giá thép cuộn CB240 ở mức 13.650 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 có giá 13.790 đồng/kg. Thép Việt Ý báo giá thép cuộn CB240 ở mức 13.890 đồng/kg, thép D10 CB300 ở mức 13.990 đồng/kg. Thép Việt Đức có giá ổn định ở mức 13.550 đồng/kg cho cả hai dòng CB240 và D10 CB300. Thép Việt Sing niêm yết giá thép cuộn CB240 ở mức 13.690 đồng/kg và thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 13.580 đồng/kg. Thương hiệu thép VAS giữ giá thép cuộn và thanh vằn ở mức 13.740 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung, giá thép nhìn chung ổn định nhưng có sự khác biệt giữa các thương hiệu. Thép Hòa Phát giữ giá đồng đều ở mức 13.530 đồng/kg cho cả CB240 và D10 CB300. Trong khi đó, thép Việt Đức báo giá cao hơn, với thép cuộn CB240 ở mức 14.050 đồng/kg và thép D10 CB300 ở mức 14.000 đồng/kg. Thép VAS có giá lần lượt là 13.740 đồng/kg (CB240) và 13.790 đồng/kg (D10 CB300).
Tại miền Nam, giá thép cũng không có nhiều biến động. Thép Hòa Phát niêm yết thép cuộn CB240 ở mức 13.790 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 13.740 đồng/kg. Thép VAS báo giá thép cuộn CB240 ở mức 13.740 đồng/kg và D10 CB300 ở mức 13.840 đồng/kg.
Trên thị trường quốc tế, thép cây giao tháng 3/2026 trên sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) tăng 20 Nhân dân tệ, lên mức 3.103 Nhân dân tệ/tấn. Cùng lúc, giá quặng sắt kỳ hạn trên sàn Đại Liên (DCE) – loại hợp đồng giao tháng 9 giao dịch sôi động nhất – tăng 0,68%, đạt 736,5 Nhân dân tệ/tấn (tương đương 102,59 USD/tấn). Giá quặng sắt chuẩn giao tháng 8 trên sàn Singapore cũng tăng nhẹ 0,24%, lên mức 96 USD/tấn.
Các chuyên gia tại Everbright Futures cho rằng sau đợt tăng mạnh vào cuối quý II, lượng quặng sắt xuất khẩu từ các nhà cung cấp chính như Australia và Brazil đã giảm, góp phần thúc đẩy giá tăng. Galaxy Futures cũng nhận định, giá quặng sắt sẽ tiếp tục được hỗ trợ từ phía cung. Dù sản lượng kim loại nóng có giảm nhẹ, mức tiêu thụ vẫn đang duy trì ở ngưỡng cao, phản ánh nhu cầu sử dụng quặng sắt trong sản xuất vẫn vững vàng. Kim loại nóng hiện được coi là một chỉ báo quan trọng về mức độ tiêu thụ quặng.
Tuy nhiên, đà tăng của thị trường nguyên liệu thô này vẫn chịu ảnh hưởng từ các tín hiệu kinh tế không đồng nhất tại Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất thế giới. Dữ liệu mới công bố cho thấy giá tiêu dùng tại Trung Quốc trong tháng 6 đã tăng trở lại lần đầu tiên sau 5 tháng, trong khi chỉ số giá sản xuất tiếp tục giảm sâu, xuống mức thấp nhất trong gần hai năm qua. Điều này phản ánh sự bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh chịu áp lực từ xung đột thương mại toàn cầu và nhu cầu nội địa yếu, buộc các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc thêm các gói hỗ trợ kinh tế.
Trong khi đó, các nguyên liệu sản xuất thép khác trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên cũng đồng loạt tăng mạnh. Giá than mỡ tăng 3,81%, than cốc (DCJcv1) tăng 2,43%. Các hợp đồng thép trên sàn Thượng Hải diễn biến trái chiều: thép cây và cuộn cán nóng gần như đi ngang, thép không gỉ tăng nhẹ 0,35% trong khi thép dây (SWRcv1) giảm 0,42%.
Nguồn:Vinanet/VITIC