menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường chứng khoán thế giới năm 2022 nhiều thăng trầm

22:00 31/12/2022

Trong ngày giao dịch cuối cùng của năm 2022, chứng khoán thế giới nhìn chung ổn định với những số liệu kinh tế từ Mỹ và việc Trung Quốc nới lỏng chính sách phòng dịch COVID-19 nhưng lượng giao dịch thưa thớt do trong kỳ nghỉ lễ cuối năm. Tuy nhiên, tính chung cả năm, chỉ số chứng khoán thế giới đang trên đà giảm 20% do chịu ảnh hưởng của lạm phát cao và những diễn biến căng thẳng tại châu Âu.
 
Giám đốc ty quản lý đầu tư Global Customized Wealth, ông David Bizer nhận định những diễn biến trên thị trường chứng khoán năm qua chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các quyết sách của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Thị trường vẫn đang nỗ lực dự đoán thời điểm Fed sẽ tăng lãi suất, tốc độ và mức độ tăng.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones trong năm 2022 giảm 8,5%, trong khi chỉ số S&P 500 giảm hơn 19%. Với mức giảm 0,5% trong ngày 30/12, chứng khoán châu Âu giảm 12% trong năm 2022
Tại Anh, dù đã giảm 0,2% trong phiên giao dịch ngày 30/12, chỉ số FTSE 100 đang trên đà phục hồi với mức tăng hơn 1% trong cả năm. Chỉ số MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản đã tăng 0,38% trong phiên giao dịch cùng ngày, nhưng có nguy cơ giảm 19% trong cả năm, mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Theo hãng tin Kyodo, chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm tổng cộng 9,4% trong cả năm 2022, là lần giảm đầu tiên trong 4 năm qua. Tại Trung Quốc, chỉ số CSI 300 đã tăng 0,4% trong ngày, nhưng lại giảm 22% trong năm 2022.
Tương tự, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,2% trong phiên giao dịch cuối, nhưng cả năm lại giảm tới 16%.
Chỉ số đồng USD, vốn được hưởng lợi từ lãi suất tăng tại Mỹ, đang trên đà tăng lên mức cao nhất trong 7 năm. Fed và các ngân hàng trung ương khác đang nỗ lực chống lạm phát trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị thiếu hụt, cuộc khủng hoảng năng lượng do đại dịch COVID-19 và xung đột tại Ukraine.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền chính, đã giảm 0,16% trong phiên cuối năm, nhưng tính chung cả năm
tăng hơn 8%. Tuy nhiên, chỉ riêng trong quý 4, chỉ số đã mất 7% giá trị do thị trường trường tin rằng Fed có thể sẽ không tăng lãi suất cao như dự báo. Trái phiếu của Mỹ và Đức đã lần lượt mất 16% và 24% giá trị trong năm 2022. Thời gian qua, các nhà đầu tư lo ngại rằng các nỗ lực của các ngân hàng trung ương nhằm khống chế lạm phát có thể dẫn tới kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Người đứng đầu bộ phận kinh tế và chiến lược của ngân hàng Mizuho nhận định việc ngăn kinh tế đi xuống là một nhiệm vụ khó khăn, khi bất lợi đang nghiêng về những nền kinh tế chưa chịu ảnh hưởng từ việc siết chặt chính sách trên toàn cầu.
Theo chuyên gia, bước sang năm 2023, lạm phát sẽ vẫn cần được kiểm soát và các nhà đầu tư sẽ lo ngại về căng thẳng địa chính trị leo thang.
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất kể từ năm 2008
Chứng khoán Mỹ chốt phiên cuối cùng của năm 2022 giảm điểm, khép lại năm qua với mức giảm kỷ lục do chính sách tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, những lo ngại về suy thoái, xung đột giữa Nga và Ukraine và sự gia tăng về số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc.
Chốt phiên 30/12, chỉ số Dow Jones giảm 73.55 điểm, hay 0,22%, xuống 33.147,25 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 9,78 điểm, hay 0,25%, xuống 3.839,5 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 11,61 điểm, hay 0,11%, xuống 10.466,48 điểm.
Cả ba chỉ số chính trên phố Wall đều giảm năm đầu tiên kể từ năm 2018, khi chính sách tiền tệ nới lỏng kết thúc, với việc Fed tăng lãi suất với tốc độ mạnh nhất kể từ những năm 1980.
Chỉ số S&P 500 giảm 19,4% trong năm 2022, khi giá trị thị trường mất gần 8.000 tỷ USD, chỉ số Nasdaq Composite giảm 33,1%, trong khi chỉ số Dow Jones giảm 8,9%.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones trong năm 2022 giảm 8,5%, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 19%. Với mức giảm 0,5% trong ngày 30/12, chứng khoán châu Âu giảm 12% trong năm 2022
Mức giảm tính theo phần trăm của cả ba chỉ số là mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chủ yếu do giá các cổ phiếu tăng trưởng giảm mạnh, trước lo ngại Fed tăng mạnh lãi suất sẽ khiến lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng.
Lạm phát cao dai dẳng và những đợt tăng lãi suất quyết liệt của Fed đã ảnh hưởng nặng nề đến các cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng cao khác, đồng thời đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư suốt cả năm. Những mối lo về địa chính trị và các dữ liệu kinh tế với mức độ biến động lớn cũng khiến thị trường bất an.
“Chúng ta đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ vấn đề Covid ở Trung Quốc cho tới chiến tranh ở Ukraine. Tất cả đều rất nghiêm trọng. Nhưng đối với nhà đầu tư, đáng sợ hơn cả là việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ”, Giám đốc giao dịch Art Cashin của UBS nhận định với hãng tin CNBC.
Trước thời khắc bước sang năm mới, một số nhà đầu tư tin rằng khó khăn sẽ không sớm kết thúc. Họ dự báo thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) sẽ kéo dài cho tới khi Fed xoay trục chính sách tiền tệ. Một số cũng dự báo giá cổ phiếu ở Mỹ sẽ lập đáy mới trước khi tăng trở lại trong nửa sau của năm 2023.
Mối quan tâm của các nhà đầu tư trong năm 2023 hướng đến triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp, với lo ngại gia tăng về nguy cơ suy thoái. Các dấu hiệu cho thấy sự ổn định của kinh tế Mỹ đưa đến khả năng lãi suất vẫn tiếp tục tăng, dù sức ép lạm phát giảm có thể cho phép Fed tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn.
“Mọi thứ có thể trở nên tốt đẹp hơn trong chốc lát ở một vài thời điểm nào đó, nhưng quý 1 sẽ là một quý nhiều biến động, và tuỳ vào Fed, sự biến động đó thậm chí có thể kéo dài hơn thế”, ông Cashin nhận định.
Dù giảm cả năm 2022, Dow Jones và S&P 500 thực chất đã tăng trong quý 4, chấm dứt chuỗi 3 quý giảm trước đó. Tuy nhiên, Nasdaq - chỉ số nằm dưới sự thống trị của các cổ phiếu như Apple, Tesla và Microsoft - vừa hoàn tất chuỗi 4 quý giảm liên tiếp đầu tiên kể từ năm 2001. Nếu tính riêng tháng 12, cả ba chỉ số cùng giảm.
Dịch vụ truyền thông là nhóm cổ phiếu tệ nhất trong S&P 500 năm 2022, với mức giảm hơn 40%, tiếp đó là nhóm tiêu dùng không thiết yếu. Năng lượng là nhóm duy nhất tăng, với mức tăng đạt 59%.