Cuối phiên giao dịch sáng 1/7, VN-Index tăng 4,01 điểm lên 1.412,56 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 452,4 triệu đơn vị, tương ứng hơn 15.299 tỷ đồng. Toàn sàn có 180 mã tăng giá, 198 mã giảm giá và 55 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 1,39 điểm lên 324,71 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 100,2 triệu đơn vị, tương ứng gần 2.466 tỷ đồng. Toàn sàn có 75 mã tăng giá, 92 mã giảm giá và 74 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,1 điểm xuống 90,15 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 56 triệu đơn vị, tương ứng gần 1.077 tỷ đồng. Toàn sàn có 107 mã tăng giá, 119 mã giảm giá và 81 mã đứng giá.
Sự hưng phấn của nhà đầu tư trong năm 2020 tiếp tục được kéo dài sang nửa đầu năm 2021. Các chỉ số chứng khoán biến động tích cực, VN-Index và VN30-Index lần lượt vượt 1.400 điểm và 1.500 điểm.
Giá trị khớp lệnh toàn thị trường chứng khoán trong nửa đầu năm 2021. Đơn vị: Tỷ đồng.
Nửa đầu năm nay, VN-Index vượt trội hơn hẳn so với mức tăng của các chỉ số chứng khoán trong khu vực như SET Composite Index (Thái Lan) tăng 9,55%, Straits Times Index (Singapore) tăng 10,08%, Jakarta Composite (Indonesia) tăng 0,11% trong khi, PSEi Composite (Philippines) giảm 3,33%, KLCI Index (Malaysia) giảm 5,81%
Bên cạnh đó, HNX-Index trong nửa đầu năm đã tăng 59,2% lên 323,32 điểm, UPCoM-Index tăng 21,2% lên 90,25 điểm.
Vốn hóa toàn thị trường tại phiên 30/6 đạt hơn 6,8 triệu tỷ đồng, tăng 29,2% so với cuối năm 2020. Trong đó, vốn hóa tại HNX tăng mạnh nhất với 90,2% lên 403.848 tỷ đồng. Vốn hóa sàn HoSE tăng 29,5% lên gần 5,29 triệu tỷ đồng. Vốn hóa ở UPCoM tăng 15% lên gần 1,15 triệu tỷ đồng.
Không chỉ tăng về mặt điểm số, thanh khoản thị trường cũng tăng vọt so với 6 tháng cuối năm 2020. Cụ thể, tổng khối lượng giao dịch trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM đạt 111,6 tỷ cổ phiếu (tăng 73,4%), trị giá 2,73 triệu tỷ đồng (tăng 130,4%), trong đó, giao dịch khớp lệnh đạt gần 2,5 triệu tỷ đồng (tăng 146%).
Tính riêng tháng 6, giá trị khớp lệnh trung bình ở mức 27.500 tỷ đồng/phiên, tăng 14% so với tháng 5. Phiên giao dịch ngày 4/6, giá trị khớp lệnh toàn thị trường chứng khoán đạt kỷ lục 36.121 tỷ đồng (1,56 tỷ USD).
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm sôi động và là một trong những thị trường tăng mạnh nhất thế giới là nhờ kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, hồi phục sau dịch khá ấn tượng so với mặt bằng chung của thế giới.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất tại Việt Nam ở mức thấp khiến dòng tiền trong nền kinh tế có xu hướng chuyển từ các kênh tiết kiệm, bất động sản, ngoại tệ... vào kênh chứng khoán.
Ngoài ra, yếu tố quan trọng hơn đó là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết vẫn thể hiện sự tích cực. Tổng lợi nhuận quý I/2021 của các công ty niêm yết tăng trưởng khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất khiến dòng tiền nhàn rỗi chuyển sang các kênh tài sản có giá trị sinh lời cao hơn; trong đó có kênh đầu tư chứng khoán.
Nguồn:VITIC Tổng hợp