Trí tuệ nhân tạo (AI)
Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Trưởng phòng IoT thuộc Ban Công nghệ FPT, trí tuệ nhân tạo đang giải quyết những bài toán rất cụ thể của đời sống, hay còn gọi là AI hẹp như nhận dạng biển số xe, nhận diện mặt người, chuyển đổi từ tiếng nói ra văn bản... Từ năm 2025, trí tuệ nhân tạo sẽ gần con người hơn, kết hợp âm thanh, hình ảnh, cảm biến... để máy hiểu về các ngữ cảnh thực tế và ra quyết định, đặc biệt có khả năng học đa dạng (General AI) chứ không trong phạm vi hẹp như ngày nay.
Thiết bị thông minh
Với sự bùng nổ của AI và IoT, các thiết bị gia dụng, văn phòng hay nhà máy bắt đầu trở nên thông minh và tự ra quyết định hoặc hỗ trợ con người tốt hơn. Những thiết bị này có các cảm biến, có mạng để thông báo và lưu trữ dữ liệu cũng như các thuật toán để ra quyết định. Các hãng cũng đang đầu tư phát triển xe tự hành với camera và cảm biến để tự ra quyết định đi trong một môi trường nhất định... FPT cũng đang đi theo xu hướng này và thành lập FGA (FPT Global Automotive), đơn vị chuyên nghiên cứu phát triển các giải pháp công nghệ cho ôtô từ 2016 và chiếc xe tự lái đầu tiên đã lăn bánh cuối tháng 10/2017. Cuộc thi Cuộc đua số với chủ đề "Lập trình Xe tự hành" do FPT tổ chức cũng là cơ hội để sinh viên tiếp cận công nghệ mới của thế giới khi phải lập trình để xe có thể chạy được với điều kiện mô phỏng ánh sáng ngoài trời, nhận diện biển báo giao thông, rẽ trái phải theo quy định…
Công nghệ thực tế ảo
Các công nghệ thực tế ảo như VR, AR và MR sẽ được kết hợp linh hoạt với nhau để mang đến cho con người những trải nghiệm ảo càng ngày càng gần tới thực hơn. Ứng dụng nhiều nhất sẽ là trong các lĩnh vực như game, đào tạo, nhà máy, trường học.. Theo tạp chí Time, năm nay, các hãng công nghệ tập trung nhiều hơn vào thực tế ảo tăng cường AR, một phần là nhờ Apple trình làng bộ công cụ ARKit cho phép các nhà phát triển xây dựng các ứng dụng thực tế ảo hoạt động trên thiết bị iOS. Nhờ đó, người dùng có thể biến điện thoại thành thước đo đồ vật thật, biến căn phòng thành khu rừng nguyên sinh...
Nền tảng hội thoại Chatbot
Tạp chí Fortune nhận định, 2018 sẽ là năm của chatbot. Sự lên ngôi của trí tuệ nhân tạo đã đưa chatbot trở thành khái niệm quen thuộc với người dùng cũng như giới phát triển. Về cơ bản, chatbot là một hình thức thô sơ của trí tuệ nhân tạo, hoạt động độc lập, có thể tự động trả lời những câu hỏi hoặc xử lý tình huống. Các hãng công nghệ lớn như Microsoft, Facebook hay Apple cũng đã xây dựng nhiều chatbot với khả năng trò chuyện thông minh với người dùng. Tại Việt Nam, hàng loạt chatbot đang được nghiên cứu và đưa vào sử dụng thời gian qua như MyFSoft, Timo Chat Bot…
Công nghệ Blockchain
Blockchain trở thành khái niệm hot bởi nó là công nghệ phía sau của tiền ảo. Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Công nghệ này mang đến một phương thức xác thực phân tán, nhiều bên dựa vào các chuỗi số duy nhất được sinh ra. Blockchain mở ra xu hướng ứng dụng tiềm năng cho nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, viễn thông...
Nguồn: Châu An/Vnexpress.net