Song song với smartphone khoá mạng của Nhật hay Hàn Quốc, thị trường xách tay trong nước bắt đầu nở rộ các dòng smartphone vốn được phát hành riêng cho thị trường Trung Quốc. So với phiên bản quốc tế, những mẫu smartphone này có chút khác biệt, từ cấu hình, tính năng đến thiết kế.
Từ cuối năm ngoái, smartphone Trung Quốc nội địa bắt đầu được nhiều người dùng trong nước tìm mua nhờ sự nổi tiếng của thương hiệu Xiaomi với các model như Mi3, Redmi Note rồi sau đó là Mi4, Mi Note Pro... Còn hiện giờ, thị trường xách tay đã không thiếu các nhãn hiệu lớn của Trung Quốc, từ Meizu, Coolpad, ZTE cho tới Lenovo hay Huawei...
Dòng sản phẩm đa dạng từ phổ thông giá hai, ba triệu đồng cho tới các model đắt tiền hơn, thậm chí cả các mẫu cao cấp mới ra. Lúc trước cả Hà Nội chỉ có hai, ba cửa hàng làm những dòng smartphone Trung Quốc này, nhưng nay, chúng được bán khá phổ biến ở thị trường xách tay và được quảng cáo rầm rộ.
"Giá rẻ, cấu hình mạnh, nhiều tính năng" là đặc điểm chung của những chiếc smartphone Trung Quốc nội địa, anh Tuấn, quản lý cửa hàng ClickBuy (Xã Đàn, Hà Nội), nhận xét. Với cửa hàng, việc nhập các dòng máy này cũng an toàn hơn khi hầu hết đều là hàng mới, chưa qua sử dụng mà vẫn có giá thấp và cạnh tranh, không vất vả như khi bán smartphone đã qua sử dụng.
Giá máy mới của Xiaomi, Huawei, Lenovo lại rẻ hơn các dòng smartphone đã qua sử dụng của Samsung, HTC hay Sony. Ví dụ, Xioami Mi4 giá chưa tới 6 triệu đồng nhưng cấu hình mạnh ngang chiếc Sony Xperia Z3, khi có màn hình IPS Full HD, chip Snapdragon 801, RAM 3GB...
|
Một mẫu smartphone cao cấp của Huawei
|
Ngoài giá hời, cấu hình mạnh, không ít người chia sẻ họ thích smartphone Trung Quốc vì giao diện đẹp, chạy mượt và có nhiều tính năng tốt. Ngay cả những model tầm thấp giá chỉ vài triệu đồng cũng đã có các tính năng như chụp ảnh phơi sáng hay chỉnh tay, thậm chí, trào lưu camera selfie trên smartphone cũng được khởi xướng từ các model của Trung Quốc, anh Quang Lộc, chủ cửa hàng Lộc Mobile (Vương Thừa Vũ) chia sẻ.
Trước thời Xioami, smartphone Trung Quốc còn bị đánh giá là xấu, cấu hình không tốt nhưng nay đã khác nhiều, ngay cả những dòng máy giá thấp chỉ vài triệu đồng cũng được đầu tư màn hình lớn, độ phân giải HD, vi xử lý 4 nhân, 8 nhân tốc độ cao, RAM tới 2GB.
Điểm yếu của smartphone nội địa Trung Quốc là không chạy được các ứng dụng của Google. Hầu hết các nhà sản xuất smartphone lớn như Xiaomi, Huawei, Lenovo hay Meizu đều sở hữu một hệ điều hành riêng, thực chất là được tuỳ biến hoàn toàn lại từ Android của Google.
|
Một mẫu smartphone của Lenovo
|
Vì vậy, ban đầu chúng không có các dịch vụ của Google từ Gmail cho tới YouTube, Google Maps... và muốn dùng thì phải biết cách cài thêm. Thậm chí, một số dòng máy còn lỗi trong việc lưu danh bạ khi buộc phải thêm đầu số +84...
Hiện tại, những người quan tâm tới smartphone Trung Quốc nội địa chủ yếu là giới hiểu biết về công nghệ hoặc những người chơi điện thoại, còn những người dùng thông thường vẫn e dè bởi tâm lý không thích hàng Trung Quốc, chủ một cửa hàng kinh doanh điện thoại ở Hà Nội nhận xét.
Theo Tuấn Anh
Số Hóa
Nguồn:Số Hóa