menu search
Đóng menu
Đóng

Ba kịch bản cho phát triển ngành da giày

08:54 18/04/2017

Vinanet - Ngày 14/4, Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương đã phối hợp với Viện Nghiên cứu da - giày tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công nghiệp da - giày Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Theo bà Trương Thị Thu Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, sau 6 năm thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển ngành da - giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, ngành da giày đã tăng trưởng bình quân 6,7%/năm. Ngành hiện là mũi nhọn của nền kinh tế khi chiếm tới 8-10% tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) cả nước. Việt Nam hiện chỉ đứng thứ 2 sau Trung Quốc về XK giày dép ra thị trường thế giới. Nhiều thương hiệu lớn, như: Adidas, Nike… đều đặt hàng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp (DN) trong nước có quy mô nhỏ, thiếu vốn và công nhân lành nghề, năng suất lao động thấp… trong khi sức cạnh tranh ngày một gay gắt. Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch giúp ngành phát triển bền vững hơn.
Quy hoạch điều chỉnh đã đưa ra 3 kịch bản cho phát triển ngành trong giai đoạn tới. Cụ thể, với kịch bản cao tổng kim ngạch XK của ngành năm 2025 đạt 43,97 tỷ USD, năm 2035 đạt 74,19 tỷ USD; kịch bản cơ sở XK sẽ đạt 37,23 tỷ USD và 57,6 tỷ USD; kịch bản thấp dự kiến đạt 31,4 tỷ USD và 44,6 tỷ USD…
Theo ông Nguyễn Mạnh Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu da - giày, cả 3 kịch bản đều có khả năng xảy ra, tuy nhiên kịch bản cơ sở được lựa chọn do các chỉ tiêu phù hợp với dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua.
Để thực hiện các mục tiêu đưa ra, quy hoạch điều chỉnh cũng đưa ra 7 nhóm giải pháp, như: Phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu; đầu tư; quản lý ngành; tài chính; khoa học công nghệ…
Tuy nhiên theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội da - giày - túi xách Việt Nam: DN FDI chỉ chiếm 23% về số lượng nhưng chiếm tới 81% giá trị XK. Như vậy, DN trong nước đang thua kém rất nhiều và cần phải có giải pháp căn cơ cho vấn đề này.
Trong cơ cấu giá trị của một đôi giày, nguyên phụ liệu chiếm 70%, chi phí nhân công 15%, chi phí đầu vào và quản lý gián tiếp chiếm 9%, còn lại 6% là lợi nhuận của DN. Hiện nay chi phí nhân công, chi phí sản xuất ngày một tăng nếu tỷ lệ nội địa nguyên phụ liệu không tiếp tục được nâng lên sẽ rất khó cho DN. Đặc biệt, xu hướng thị trường giày dép thế giới thay đổi cực kỳ nhanh chóng, cần phân tích rõ năng lực của ngành để đánh giá dư địa và có giải pháp để kéo dài nó.
Tại hội thảo, đại diện các Bộ, ngành, DN cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về các chính sách hỗ trợ, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xu hướng về nguyên phụ liệu… giúp tổ soạn thảo bổ sung chi tiết và hoàn thiện quy hoạch điều chỉnh.
Nguồn: Việt Nga/Báo Công Thương điện tử