Thông tin trên được ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương đưa ra tại cuộc tọa đàm tham vấn của Bộ Công Thương với đại diện các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước vào chiều 28/2/2017 tại Hà Nội.
Theo Vụ Công nghiệp nặng, giai đoạn 2013-2016 lượng xe sản xuất và nhập khẩu tăng nhanh với tốc độ trung bình 30%/năm; Xe sản xuất trong nước đáp ứng được 70% thị trường. Công nghiệp ô tô đã thu hút được một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện và phụ tùng thế giới theo hình thức doanh nghiệp chế xuất. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu, bước đầu hình thành nên công nghiệp hỗ trợ cho lĩnh vực này.
Tuy nhiên, sau hơn 20 năm phát triển, công nghiệp ô tô vẫn còn những tồn tại lớn chưa thể hóa giải. Đó là giá bán xe vẫn ở mức cao trong khu vực; Chất lượng xe theo đánh giá của người tiêu dùng là chưa bằng xe nhập khẩu; Chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự mà mới chỉ ở mức độ lắp ráp đơn giản. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe dưới 9 chỗ còn thấp.
Nguyên nhân được chỉ ra rằng chính sách thiếu ổn định, thiếu chương trình hành động cụ thể, dung lượng thị trường còn thấp.
Môi trường cạnh tranh khi mở cửa hoàn toàn đối với thị trường ô tô trong nước vào năm 2018, khi chính sách thuế nhập khẩu đối với xe nguyên chiếc trong khu vực ASEAN xuống bằng 0% đã đến rất gần, lựa chọn phương án nhập khẩu hay sản xuất đã được nhiều doanh nghiệp tính đến. Nhiều doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đã chuyển sang nhập khẩu một số mẫu xe mà trước đây đã sản xuất tại Việt Nam. Không ít doanh nghiệp đã tiến hành giảm sản xuất các mẫu xe hiện có để tập trung vào vài ba mẫu xe chính, có sức cạnh tranh cao.
Tại buổi tọa đàm, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô có vốn đầu tư nước ngoài đều cho biết, vẫn muốn sản xuất lắp ráp trong nước nhưng đồng thuận đề xuất cần có sự thay đổi về chính sách để duy trì cho ngành công nghiệp ô tô.
Trước mắt, giảm chủng loại xe lắp ráp để tập trung vào một số mẫu xe chính được thị trường ưa chuộng là giải pháp được Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam đưa ra. Theo đại diện của hai doanh nghiệp này, việc giảm các mẫu xe để dồn sức cho một vài mẫu xe ăn khách nhằm tăng dung lượng thị trường, tạo sức cạnh tranh về giá khi mức thuế giảm sâu trong thời gian tới.
Về lâu dài, theo đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), việc mở rộng thị trường một cách lành mạnh trong đó duy trì phát triển xe sản xuất trong nước là có thể. Tuy nhiên, đến năm 2018 lượng xe nhập khẩu có thể tăng nhiều. Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cân nhắc chính sách để tạo ra sự khác biệt giữa xe sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Ba nhóm giải pháp phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đã được Bộ Công Thương gợi mở với mục tiêu chính là duy trì sản xuất lắp ráp trong nước và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Thứ nhất, tạo dựng dung lượng thị trường bằng việc khuyến khích sản xuất ô tô trong nước. Hỗ trợ thị trường bằng các hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại như khai báo thuế, gian lận CO (tỷ lệ nội địa) nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan. Đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu.
Thứ hai, hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn linh kiện, phụ tùng…; Điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng; Nghiên cứu khả năng áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỷ lệ nội địa hóa cao…
Thứ 3, phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó đề nghị các doanh nghiệp nội địa tham gia sản xuất phụ tùng linh kiện; Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa sản xuất linh kiện và phụ tùng thông qua chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Trao đổi với các doanh nghiệp tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Chính sách phát triển công nghiệp ô tô sẽ được thực hiện theo tiêu chí không vì bất cứ một doanh nghiệp hay nhóm doanh nghiệp nào mà vì cả cộng đồng, vì nền kinh tế và quyền lợi người tiêu dùng… Trước mắt, cần duy trì sản xuất lắp ráp trong nước đồng thời tập trung cho công nghiệp hỗ trợ. Những giải pháp được Bộ Công Thương đưa ra là xem xét tạo lập được dung lượng thị trường để đảm bảo phát triển. Từ đó kéo theo những ngành khác đồng thời đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và sản xuất trong nước.
Nguồn: Thùy Linh/Báo Công Thương điện tử