menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp dệt may: Thiếu lao động

09:54 20/12/2017

Nhu cầu lao động của doanh nghiệp dệt may rất lớn

Vinanet -Đây là vấn đề nổi cộm của ngành dệt may từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, thậm chí, đã có doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng do không tuyển đủ công nhân.
Tại Hội nghị lấy ý đóng góp cho dự thảo Đề án “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” diễn ra mới đây, ông Cao Hữu Hiếu - Trưởng ban Đầu tư, Tập đoàn Dệt may Việt Nam - cho biết: Tập đoàn đầu tư nhà máy may tại Thanh Hóa, đến nay, sau 2 năm đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa tuyển đủ lao động. Nguyên nhân do Thanh Hóa cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác đưa dệt may vào quy hoạch phát triển công nghiệp riêng của tỉnh dẫn đến tình trạng chồng chéo, thiếu lao động. Hiện, xung quanh nhà máy may của tập đoàn tại Thanh Hóa có tới 14 nhà máy khác, dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động rất gay gắt.
Dù không gặp phải tình trạng thiếu lao động như trường hợp trên nhưng ông Thân Đức Việt - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - cũng chia sẻ: Tình trạng biến động lao động của May 10 chỉ ở mức 10% mỗi năm, trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, để tăng năng lực sản xuất rất khó khăn. Tổng công ty đang băn khoăn trong việc mở rộng sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu 300.000 sản phẩm/tháng từ nhà nhập khẩu Uniqlo, Nhật Bản.
Trên thực tế, sử dụng nhiều lao động là điểm mạnh, đồng thời cũng là hạn chế của ngành dệt may, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lao động không còn dồi dào, phải cạnh tranh gay gắt với các ngành hàng thâm dụng lao động khác như: Da giày, điện tử, chế biến thủy sản… Thậm chí, có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp trong ngành.
Rõ ràng, tình trạng thiếu lao động cho đến nay vẫn chưa được giải quyết, thậm chí ngày một “nóng” hơn. Nhằm giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp trong ngành đã nỗ lực tìm giải pháp. Theo đó, ngoài việc gia tăng chế độ lương thưởng, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hạ tầng phục vụ sinh hoạt, đời sống của người lao động như nhà trẻ, ký túc xá…
Với vai trò là cơ quan quản lý ngành, Bộ Công Thương đang điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 nhằm định hướng phát triển dài hơi cho ngành dệt may. Bên cạnh đó, bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, trong đó trọng tâm là chính sách về tiền lương, môi trường làm việc, hỗ trợ phương tiện vận chuyển, nhà ở và các điều kiện làm việc; lựa chọn một số cơ sở đào tạo tập trung chuyên sâu, đầu tư thiết bị, đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy nghề trong lĩnh vực dệt may; xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể đối với cơ sở đào tạo nghề dệt may như: Miễn, giảm thuế thu nhập, hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng…
Tự động hóa sẽ là giải pháp quan trọng thay thế nhân lực trong những công đoạn sản xuất lặp đi lặp lại, không an toàn của ngành dệt may.
 Nguồn: Việt Nga/Báo Công Thương điện tử