menu search
Đóng menu
Đóng

Đối tượng nào sẽ bị tác động theo cơ cấu giá điện mới?

16:00 19/11/2017

Vinanet -Bộ Công Thương hiện đang xây dựng dự thảo về cơ cấu biểu giá điện mới. Để doanh nghiệp và người dân hiểu rõ hơn về Dự thảo này, Bộ Công Thương cung cấp một số thông tin để giải đáp những thắc mắc liên quan đến sự cần thiết ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, quan điểm về việc xây dựng Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định này và đối tượng nào sẽ bị tác động mạnh nhất?, vv...
Sự cần thiết ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg?
Thực hiện quy định tại Điều 31 của Luật Điện lực, ngày 7 tháng 4 năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg đã tạo cơ sở pháp lý cho việc điều hành hiệu quả, linh hoạt giá bán điện cho các nhóm khách hàng trong thời gian qua, đồng thời đưa ra cơ chế hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội; giá điện tại nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được áp dụng giá điện thống nhất toàn quốc nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội của nhà nước.
Sau 3 năm thực hiện, Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg đã đem lại hiệu quả cao trong công tác điều hành giá bán điện. Việc kết hợp đồng bộ cơ chế điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và các cơ chế kiểm tra, giám sát đã tạo ra một cơ chế quản lý, điều hành giá bán điện ngày càng minh bạch và rõ ràng hơn.
Các lý do chính cần xem xét sửa đổi Quyết định 28 gồm:
Một là: Ngày 17 tháng 01 năm 2017 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong đó có nội dung hoàn thiện thể chế, chính sách "điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất".
Hai là: Trong thời gian qua một số văn bản pháp lý đã ban hành đòi hỏi cần thiết rà soát để điều chỉnh cơ cấu biểu giá phù hợp với các văn bản pháp lý đã ban hành.
Ba là: Sau thời gian thực hiện cơ cấu biểu giá quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, cần thiết phải có các rà soát, đánh giá việc thực hiện để có các điều chỉnh cần thiết phù hợp với thực tế sử dụng điện của các hộ sử dụng điện cũng như phù hợp với sự phát triển trong kỹ thuật đo đếm điện năng.
Do vậy, việc rà soát để sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán điện là cần thiết.
Quan điểm của Bộ Công Thương về việc xây dựng Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg?
 Bộ Công Thương tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg trên một số quan điểm sau:
 Thứ nhất: Bảo đảm tuân thủ và phù hợp với các quy định hiện hành như Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực và các văn bản pháp luật có liên quan.
 Thứ hai: Kế thừa các nội dung phù hợp của Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg. Đặc biệt tiếp tục rút kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả hơn nữa chương trình hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội và khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia.
Thứ ba: Không làm thay đổi quá lớn trong cơ cấu nhóm khách hàng sử dụng điện cũng như trong cơ cấu biểu giá.
Một số nội dung chính tại dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg?
Một số nội dung chính trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện dự kiến gồm:
Thứ nhất: Giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch: Giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch được điều chỉnh bổ sung để thực hiện chủ trương tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 17 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó đối tượng "cơ sở lưu trú du lịch" được hưởng cơ chế giá mới.
Thứ hai: Cấu trúc biểu giá: để đơn giản hóa trong việc áp dụng, phù hợp với việc áp dụng quy định về hệ thống điện phân phối (Thông tư số 39/2015/TT-BCT ngày 18 tháng 11 năm 2015 của Bộ Công Thương về hệ thống điện phân phối), cần thiết gộp giá điện theo các cấp điện áp gồm cao áp (trên 35 kV); trung áp (trên 0,1 kV đến dưới 35 kV) và hạ áp (đến 0,1 kV) cho nhóm khách hàng sản xuất, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh.
Thứ ba: Về giá bán lẻ điện cho sinh hoạt: được xem xét, nghiên cứu theo hướng nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và dựa trên kinh nghiệm các nước trên thế giới cũng như trong khu vực Asean như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Nam Phi, Indonesia, Thái lan, Malaixia đều áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang.
Qua thực tế áp dụng trong những năm qua cho thấy, việc áp dụng giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là đơn giản trong áp dụng nhưng vẫn đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ giá điện cho người nghèo, hộ chính sách xã hội và và khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia. Vì vậy, trong dự thảo quyết định Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất thiết kế giá bán điện sinh hoạt theo 6 bậc như hiện nay.
Đối tượng nào sẽ bị tác động mạnh nhất?
Ngày 17 tháng 01 năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong đó có nội dung hoàn thiện thể chế, chính sách "điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất". Vì vậy, đối tượng khách hàng sử dụng điện là các cơ sở lưu trú du lịch sẽ chịu tác động mạnh nhất trong lần thay đổi cơ cẩu biểu giá điện lần này (giá bán điện hiện đang áp dụng đối với các cơ sở lưu trú du lịch là giá bán điện kinh doanh ở mức cao hơn so với giá bán điện cho sản xuất).
Trong phần Tổ chức thực hiện (Điều 5), nếu như tại QĐ số 28/2014, "Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bô Công Thương và các cơ quan liên quan xây dựng tiêu chí hộ chính sách xã hội được hưởng hỗ trợ theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Quyết định này trình Thủ tướng xem xét, quyết định chậm nhất là 3 tháng kể từ ngày Quyết định này được ban hành" thì tại Dự thảo mới, "Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bô Công Thương và các cơ quan liên quan cập nhật tiêu chí hộ chính sách xã hội được hưởng hỗ trợ theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Quyết định này trình Thủ tướng xem xét, quyết định". Đề nghị giải thích cụ thể về nội dung này?
Thực hiện chính sách an sinh - xã hội của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không bị ảnh hưởng trong những lần điều chỉnh giá điện (hỗ trợ tiền điện cho lượng điện sử dụng 30 kWh trong tháng tính theo giá bán điện sinh hoạt bậc 1 từ 0-50 kWh cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội) quy định tại Quyết định 28/2014/QĐ-TTg ngày 7 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành Quyết định số 60/2014/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2014 quy định tiêu chí hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện.
Vì vậy, nhằm tiếp tục thực hiện chính sách an sinh - xã hội của Đảng, Nhà nước, trong thời gian tới, cần thiết phải rà soát, cập nhật các chính sách liên quan đến hộ chính sách xã hội được hưởng hỗ trợ tiền điện quy định tại dự thảo Quyết định sửa đổi tại Quyết định 28/2014/QĐ-TTg.
Trước luồng ý kiến về khả năng sẽ tăng giá điện trong năm nay với điều kiện không làm ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa trên thị trường, đề nghị cho biết cụ thể về kế hoạch này?
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết có khả năng sẽ tăng giá điện trong năm nay với điều kiện không làm ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa trên thị trường. Vậy, xin cho biết cụ thể về kế hoạch này?
Ngày 30 tháng 6 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Thực hiện Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg và chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo EVN trên cơ sở thực tế sản xuất kinh doanh điện 9 tháng đầu năm 2017 và ước cả năm 2017, tính toán giá bán điện bình quân năm 2017 báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét theo quy định.
Căn cứ các phương án do EVN đề xuất, Bộ Công Thương đã xây dựng kịch bản điều hành giá điện 2017 và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ, ngành liên quan, Bộ Công Thương hiện đang hoàn thiện dự thảo Báo cáo về kịch bản điều hành giá điện năm 2017 theo hướng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, tác động của các phương án đề xuất tới việc tăng chỉ số giá tiêu dùng và giảm tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước là không đáng kể, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Nội dung dự thảo quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới
Theo dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới, giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện, bao gồm: sản xuất, kinh doanh, cơ sở lưu trú du lịch, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt. Điểm đáng chú ý của dự thảo là biểu giá điện quy định giá điện mỗi bậc thang tính theo tỷ lệ % so với giá điện bán lẻ bình quân, nhưng khoảng cách giữa các bậc thang vẫn giữ nguyên như cũ. Đặc biệt, biểu giá điện sẽ hỗ trợ nhóm hộ nghèo và gia đình chính sách (cho mục đích sinh hoạt).
Theo đó, đối với giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, biểu giá điện lần này vẫn chia thành 6 bậc có mức giá tăng dần nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Giá điện bình quân hiện khoảng 1.662 đồng/kWh.
Cụ thể, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt chia làm 6 bậc:
Bậc 1: Từ 0-50 kWh có mức giá bằng 92% giá bán lẻ điện bình quân.
Bậc 2: Từ 51-100 kWh giá bằng 95% giá bán lẻ điện bình quân.
Bậc 3: Từ 101-200 kWh giá bằng 110% giá bán lẻ điện bình quân.
Bậc 4: Từ 201-300 kWh giá bằng 138% giá bán lẻ điện bình quân.
Bậc 5: Từ 301-400 kWh giá bằng 154% giá bán lẻ điện bình quân.
Bậc 6: Từ 401 kWh trở lên có giá bằng 159% giá bán lẻ điện bình quân.
Như vậy, giá điện bán lẻ sinh hoạt thuộc mỗi bậc thang vẫn giữ ở mức 1.484 - 2.587 đồng/kWh.
Biểu giá điện sinh hoạt lần này của Bộ Công Thương cũng hỗ trợ nhóm hộ nghèo và gia đình chính sách. Cụ thể, với hộ nghèo sẽ được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hằng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Còn với hộ chính sách xã hội theo tiêu chí - do Thủ tướng quy định và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 kWh được hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Kinh phí hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được trích từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Nguồn: Tạp chí Năng lượng Việt Nam