menu search
Đóng menu
Đóng

Đốt rác phát điện: Cơ hội vàng cho nhà đầu tư

07:00 06/12/2017

Vinanet -Việc thu hút đầu tư vào các dự án đốt rác phát điện tại TPHCM đang ngày càng “nóng” trước những thông điệp mới đây của chính quyền thành phố về các chính sách ưu đãi đầu tư. Cho đến nay, đã có hơn 40 nhà đầu tư trong và ngoài nước mong muốn nhảy vào lĩnh vực này.
Tại một hội nghị về kêu gọi đầu tư đốt rác phát điện diễn ra mới đây, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, nêu dự báo: với tỷ lệ tăng 5%/năm, tổng lượng rác thải sinh hoạt ở thành phố vào năm 2025 ước gần 13.000 tấn/ngày; bên cạnh đó, chất thải rắn công nghiệp cũng tăng 6%/năm, chất thải nguy hại tăng 8%/năm, chất thải rắn y tế tăng 10%/năm. Điều này đặt ra yêu cầu phải kêu gọi đầu tư các dự án xử lý rác và thay đổi công nghệ xử lý rác, trong đó, đốt rác phát điện là lĩnh vực đang được quan tâm nhằm giảm diện tích đất chôn lấp rác và giảm những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Chính quyền TPHCM dự kiến sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án đốt rác phát điện vào đầu năm tới. Trước mắt, thành phố cần thêm 2-3 nhà máy đốt rác phát điện từ rác thải sinh hoạt, một nhà máy đốt chất thải nguy hại và một nhà máy xử lý chất thải y tế. Song song đó, chính quyền thành phố cũng yêu cầu chủ đầu tư các dự án xử lý rác hiện hữu phải chuyển đổi dần sang công nghệ đốt rác phát điện. Mục tiêu của thành phố là đến năm 2030, nguồn năng lượng thu được từ các lò đốt rác phát điện đạt gần 200 MW (chưa kể nguồn năng lượng thu hồi từ các bãi rác đã ngưng tiếp nhận).
Báo cáo tham luận tại hội nghị, các nhà đầu tư cho biết việc đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện hiện đại cần số vốn hàng trăm triệu đô la Mỹ. Họ bày tỏ mong muốn được chính quyền thành phố đáp ứng thêm một số điều kiện để họ có thể an tâm rót vốn đầu tư. Những điều kiện được nêu như: đảm bảo cung cấp đủ lượng rác theo công suất đăng ký của dự án; điện phát ra được bao tiêu theo hợp đồng trên 20 năm; nâng giá mua điện đối với dự án đốt rác phát điện; đảm bảo các điều kiện hạ tầng như cấp nước, viễn thông; cấp quyền sử dụng đất dự án trong 49 năm; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị...
Trả lời những kiến nghị từ các nhà đầu tư, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết nếu dự án nào đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định thì sẽ được miễn 11 năm tiền thuê đất, hoặc được giảm 70% tiền thuê đất phải nộp. Chính quyền thành phố sẽ bố trí đất trong Khu liên hợp Tây Bắc Củ Chi để các nhà đầu tư triển khai dự án đi kèm với hỗ trợ về đầu tư cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, nước đến chân tường rào dự án.
Về hỗ trợ giá mua điện, ông Thắng cho biết sẽ áp dụng giá mua điện theo quy định của Chính phủ. Cụ thể, đối với dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp là 2.114 đồng/kWh (tương đương 10,05 cent/kWh); đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải rắn là 1.532 đồng/kWh (tương đương 7,28 cent/kWh).
Để hỗ trợ về nguồn vốn và thiết bị đầu tư, ông Thắng cũng thông tin rằng chính quyền TPHCM sẽ dành ngân sách thành phố (theo chương trình kích cầu của thành phố) để hỗ trợ toàn bộ lãi vay cho các nhà đầu tư trong nước vào các dự án xử lý chất thải rắn tập trung (thu gom, tái chế, xử lý chất thải). Những dự án này cũng sẽ được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án.
Trao đổi với TBKTSG, ông Đinh Ngọc Ninh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất Năng Lượng Xanh, doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư đốt rác phát điện bằng công nghệ lò Martin của Đức, đã tỏ ra khá hài lòng với những chính sách ưu đãi nêu trên của chính quyền thành phố.
Theo ghi nhận của TBKTSG, trong số các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang quan tâm đến các dự án xử lý rác tại TPHCM bằng công nghệ đốt hiện đại có những cái tên như Trisun Green Energy Corporation, Hitachi Zosen (Nhật Bản), Liên danh công ty Keppel - Tiến Phước (Singapore), Naanovo Energy INC (Canada), Sudokwon SLC (Hàn Quốc), Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất Năng Lượng Xanh, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Long, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Công ty TNHH China Everbright Quốc Tế...
Hiện nay, tổng lượng rác thải sinh hoạt mỗi ngày ở TPHCM vào khoảng 8.700 tấn, được xử lý tại các khu xử lý chất thải rắn Đa Phước (Bình Chánh) là 5.500 tấn; tại nhà máy Vietstar là 1.800 tấn; tại nhà máy Tâm Sinh Nghĩa là 1.300 tấn. Tỷ lệ xử lý bằng chôn lấp lên đến 76%, sản xuất phân compost là 14,7% và đốt khoảng 9,3%. Định hướng sắp tới là sẽ chuyển dần sang công nghệ đốt phát điện.
Bên cạnh kêu gọi đầu tư các dự án đốt rác phát điện mới, hiện chính quyền TPHCM cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xử lý, cải tạo những bãi rác đã đóng bãi từ nhiều năm nay bao gồm các bãi chôn lấp số 1 Phước Hiệp, 1A Phước Hiệp, số 2 Phước Hiệp (Củ Chi) với tổng lượng rác đã chôn lấp gần 8,9 triệu tấn; bãi rác Gò Cát (Bình Tân) với gần 5,6 triệu tấn; bãi chôn lấp Đông Thạnh (Hóc Môn) với hơn 10 triệu tấn. Đây cũng là những “mỏ vàng” đang được khoảng 15 nhà đầu tư dành sự quan tâm nhằm xử lý các bãi chôn lấp rác, tạo quỹ đất trống cho các mục đích công cộng hoặc mục đích đầu tư khác.
Với nhiều chính sách ưu đãi và dự kiến sẽ tổ chức đấu thầu công khai lựa chọn nhà đầu tư, chính quyền TPHCM kỳ vọng sẽ kéo giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải xuống còn dưới 50% vào năm 2020 và xuống còn 20% vào năm 2025.

Nguồn: Vân Nam/thesaigontime.vn